Dịch thuật: Đại Vũ trị thuỷ


ĐẠI VŨ TRỊ THUỶ

          Truyền thuyết kể rằng, khi vua Nghiêu trị vì, lưu vực Hoàng hà phát sinh thuỷ tai rất lớn. Mùa màng, đất đai bị ngập nước; nhà cửa tài sản của bách tính bị nhấn chìm.
          Để trị cơn hồng thuỷ, vua Nghiêu đã triệu khai hội nghị liên minh bộ lạc, quyết định cử ông Cổn , thủ lĩnh bộ lạc đất Sùng phụ trách việc trị thuỷ.
          Do bởi lúc bấy giờ mưa liên tục, nước Hoàng hà dâng cao, ông Cổn mất 9 năm cũng không chế ngự được. Núi sông đất đá lúc bấy giờ đều do Thiên đế quản lí, do bởi việc trị thuỷ khẩn cấp, ông Cổn chưa được sự đồng ý của Thiên đế đã thống lĩnh mọi người vận chuyển đất đá đắp đê ngăn nước. Việc làm của ông Cổn đã khiến Thiên đế giận dữ. Thiên đế sai hoả thần Chúc Dung 祝融 mặt người mình thú giết chết ông Cổn. Sau khi ông Cổn chết, nước Hoàng hà ngày càng dâng cao thêm.
          Thi thể ông Cổn qua một thời gian dài vẫn không thối rữa, mọi người mổ bụng ông, một bé trai từ trong đó nhảy ra, đứa bé đó chính là Đại Vũ 大禹. Sau khi Đại Vũ trưởng thành được phong làm thủ lĩnh bộ lạc. Vua Thuấn kế thừa vua Nghiêu đã lệnh cho Đại Vũ kế nhậm chức của cha, tiếp tục công việc trị thuỷ.
          Đại Vũ đã thay đổi cách dùng đất ngăn nước của cha, ông cho người đào kênh thoát nước, đưa nước ra biển lớn.
          Đại Vũ sau hôn lễ mấy ngày đã rời nhà đi lo việc trị thuỷ.
          Đại Vũ trị thuỷ 13 năm, dáng người gầy hẳn. Điều đáng nói đó là trong 13 năm 3 lần qua nhà mà không vào. Một lần nọ, vợ ông là Đồ Sơn thị 涂山氏 sinh con là Khải , đứa bé đang khóc vừa lúc Đại Vũ đi ngang qua nhà, nghe thấy tiếng khóc, ông nén nỗi đau trong lòng không vào thăm.
          Có một lần Đại Vũ đưa mọi người đến vùng trung du Hoàng hà (nay là chỗ tiếp giáp giữa Hà Tân 河津 Sơn Tây 山西 với Hàn Thành 韩城 Thiểm Tây 陕西), phát hiện một ngọn núi lớn chặn dòng chảy Hoàng hà. Nước Hoàng hà mênh mông chảy vòng, bùn cát theo đó không ngừng ứ lại, lòng sông càng lúc càng cao, nước sông cao hơn mặt đất, tràn ra khắp nơi. Sau khi quan sát kĩ, Đại Vũ sai người đục núi tạo ra một chỗ vỡ. Dòng nước từ đó tuôn ra, tiếng nước tuôn như sấm động, Đại Vũ gọi nơi đó là Long Môn 龙门.
          Đại Vũ thuận theo dòng nước tiếp tục tiến về phía trước, lại phát hiện một ngọn núi chặn dòng chảy. Ông lập tức sai người đục vào núi 3 cửa, đặt tên là Thần môn 神门, Quỷ môn 鬼门, Nhân môn 人门. Đây chính là Tam môn hiệp 三门峡 nổi tiếng hiện nay.
          Để kỉ niệm Đại Vũ, mọi người đã gọi cây bá mà ông từng nghỉ dưới gốc là Thần bá 神伯, nơi khe núi có cây bá được gọi là Thần bá dụ 神伯峪, phụ cận còn xây một thần miếu để kỉ niệm ông.
          Cũng theo truyền thuyết, phụ cận Tam môn hiệp có 7 giếng đá và 2 hầm móng ngựa đều là dấu vết của Đại Vũ năm đó trị thuỷ lưu lại
          Đại Vũ trị thuỷ có công được vua Thuấn chọn làm người kế vị, cho nên sau khi vua Thuấn qua đời, Đại Vũ đảm nhận thủ lĩnh liên minh bộ lạc. Sau khi trị thuỷ xong, Đại Vũ chia thiên hạ thành 9 khu vực lớn (cửu châu), sai đúc cửu đỉnh tượng trưng 9 châu yên ổn hoà bình.
         Sau khi Đại Vũ qua đời, giới quý tộc của bộ lạc ông đã lập con ông là Khải làm người kế thừa. Lúc bấy giờ, chế độ tuyển chọn của liên minh bộ lạc thời kì công xã thị tộc đã chính thức phế bỏ, biến thành chế độ vương vị thế tập.

                                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 18/12/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐẠI VŨ TRỊ THUỶ
大禹治水
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post