Dịch thuật: Ai gây ra vụ án "đĩnh kích"?


AI GÂY RA VỤ ÁN “ĐĨNH KÍCH”?

          Cuối niên hiệu Vạn Lịch 万历 đến đầu niên hiệu Thiên Khải 天启 triều Minh, đã xảy ra 3 vụ án chấn động cả trong triều ngoài nội, đó là vụ án “đĩnh kích” 梃击, vụ án “hồng hoàn” 红丸, vụ án “di cung” 移宫. Cả 3 vụ án này đều có liên quan đến hậu cung của hoàng đế. Hoàng đế Vạn Lịch (tức Thần Tông 神宗) lên ngôi lúc 10 tuổi, đến năm Vạn Lịch thứ 48 (năm 1620) thì qua đời, tại vị 49 năm, là vị hoàng đế có thời gian trị vì dài nhất trong lịch sử triều Minh. Trong thời gian ông trị vì đã xảy ra vụ án “đĩnh kích” đầu tiên.
          Hoàng đế Vạn Lịch rất sủng ái Trịnh Quý phi, và  cũng vô cùng yêu quý Chu Thường Tuân 朱常洵, con của Trịnh Quý phi. Điều này vốn là việc nhỏ, nhưng sự thiên ái của hoàng đế đã dần trở thành vấn đề lớn khiến cho trong triều trên dưới bất an., tức cái gọi là sự tranh giành “quốc bản” 国本. Theo truyền thống, việc sách phong thái tử phải tuân theo nguyên tắc lập trưởng hoặc lập đích, con của Trịnh Quý phi không phải là trưởng tử, nên theo lí không thể được lập làm thái tử.
          Thần Tông không có đích tử, trưởng tử do Cung phi Vương thị sinh ra là Chu Thường Lạc 朱常洛 lại luôn bị đối xử lạnh nhạt, hoàng đế mãi chần chừ không sách lập thái tử, lại còn muốn cùng một ngày phong vương cho 3 người con để thể hiện sự đối đãi như nhau. Do bởi các đại thần nhiều lần thúc giục, tháng 10 năm Vạn Lịch thứ 29 (năm 1601), Thần Tông mới chính thức sách lập Chu Thường Lạc làm thái tử, Chu Thường Tuân được phong làm Phúc vương 福王. Tháng 5 năm Vạn Lịch thứ 43 (năm 1615), xảy ra vụ án “đĩnh kích”, mục tiêu của đĩnh kích là nhắm vào thái tử.
          Ngày mồng 4 tháng 5 năm Vạn Lịch thứ 43 (năm 1615), có một người tên là Trương Sai 张差 tay cầm khúc côn bằng gỗ táo (tức mộc đĩnh 木梃), xông vào cung Từ Khánh 慈庆, nơi ở của thái tử Chu Thường Lạc, gặp người nào đánh ngưới nấy, đánh bị thương nhiều người giữ cửa cung, y xông vào trước điện. Mọi người cất tiếng kêu cứu. May nhờ nội quan (tức tiểu thần trong cung) Hàn Bản Dụng 韩本用 (1) phản ứng tương đối nhanh bắt được y,  trong cung mới bình yên trở lại.Việc phòng bị đông cung lúc ấy không nghiêm, thái giám nội đình luôn thác bệnh đi khỏi, thị vệ thì chỉ có mấy người, cho nên mới xảy ra sự kiện Trương Sai cầm côn đánh, đó chính là vụ án “đĩnh kích”.
          Trương Sai bị trói dẫn đến giam nơi Thủ vệ xứ ở cửa Đông Hoa 东华.  Ngày hôm sau thái tử báo cho Thần Tông, Thần Tông lệnh cho pháp ti (nha môn nắm giữ việc tư pháp hình ngục) xét xử. Tuần thị hoàng thành Ngự sử Lưu Đình Nguyên 刘廷元 thẩm tra. Nhưng Trương Sai chỉ nói mấy câu, rồi bắt đầu nói bậy giống như người điên. Ngự sử nhiều lần khuyến dụ để cung khai nhưng Trương Sai luôn nói nhảm, nào là ăn chay, nào là đòi được phong tước, cả mấy tiếng đồng hồ không được gì, đành phải thoái đường, giao y cho bộ Hình định luận. Sau khi đến bộ Hình do Lang trung Hồ Sĩ Tương 胡士相 thẩm vấn lại, cũng như lần trước, không có kết quả gì. Chủ sự bộ Hình là Vương Chi Thái王之寀(2) cho rằng, bên trong chắc có ẩn tình, khẳng định Trương Sai không điên không dại, mà là có tâm kế. Cuối cùng Trương Sai đã tự nhận mình là thành viên của Hồng Phong giáo 红封教. Lúc bấy giờ tổ chức bí mật rất thịnh hành, Hồng Phong giáo là một nhánh của Bạch Liên giáo 白莲教 khu vực phụ cận Bắc Kinh, Mã Tam Đạo 马三道, Lí Thủ Tài 李守才 là giáo chủ, đều trú tại Tỉnh Nhi Dục 井儿峪 ở Kế Châu 蓟州. Trương Sai khai rằng y nhận sự sai khiến từ thái giám Bàng Bảo 庞保, Lưu Thành 刘成 trong cung của Trịnh Quý Phi, đột nhập cung Từ Khánh. Sự việc hoàn thành bọn họ sẽ cho y 30 mẫu ruộng. Tham gia việc này còn có anh rể của Trương Sai là Khổng Đạo 孔道 (3). Sau khi tin tức được truyền đi, trong triều ngoài nội bắt đầu nghị luận, hoài nghi Trịnh Quý phi muốn mưu sát thái tử, để lập Phúc vương.
          Sau khi xảy ra sự việc, thái tử và Trịnh Quý phi đều đến trình bày với Thần Tông. Thái tử Thường Lạc tức giận nói rằng: “Chuyện Trương Sai làm, nhất định có người xúi bảo”. Trịnh Quý phi đi chân trần đến trước Thần Tông thề : “Nếu nô gia làm chuyện này, cả nhà xin chịu chết dưới muôn dao.” Thấy hai bên như thế, Thần Tông vỗ án đứng dậy, chỉ Quý phi nói rằng: “Mọi người đều giận, trẫm cũng không thể giải thoát được. Nàng tự mình đi xin với thái tử đi!”. Chu Thường Lạc nhìn thấy vua cha tức giận, lại nghe mấy câu ấy, thái độ đành phải hoà hoãn, liền nói: “Chuyện này chỉ cần một mình Trương Sai gánh lấy, xin mau xuống lệnh cho  pháp luật xử lí, không thể để liên luỵ đến người khác”. Thần Tông nghe qua, mặt tươi hẳn lại, gật đầu bảo rằng: “Thái tử nói đúng đấy”. Vì vậy, dưới sự đạo diễn của Minh Thần Tông, vụ án đã khép lại.
          Người đời sau khi nghiên cứu lại vụ án này đều cho rằng Trịnh Quý phi chủ mưu việc đó. Gần đây có một số người đề xuất ý kiến khác, cho rằng trong tình hình đối lập giữa Trịnh Quý phi và thái tử, Trịnh Quý phi không thể lỗ mãng gây ra chuyện đó. Vì làm như vậy sẽ khiến mọi người chỉa mũi giáo về mình. Nếu quả Trịnh Quý phi muốn mưu hại thái tử, sẽ không sai người cầm côn xông vào cung thái tử. Vì vậy có thể rút ra kết luận là: để củng cố địa vị của mình, thái tử đã tự diễn “khổ nhục kế”, khiến mọi người hoài nghi Trịnh Quý phi, nhằm diệt trừ triệt để. Chỉ có điều do có sự can dự của hoàng đế nên thái tử không đạt được mục đích. Đương nhiên, thuyết này cũng chưa có chứng cứ xác đáng.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Tên nhân vật này trong nguyên tác là Triều Bản Dụng 朝本用.
          Theo Mười sáu đời vua triều Minh do Vương Thiên Hữu chủ biên, Nxb Văn hoá thông tin, 2002, và theo http://baike.baidu.com/view/204961.htm, cùng http://zh.wikipedia.org/wiki , tên của nhân vật này là Hàn Bản Dụng 韩本用. Nay theo các tư liệu này sửa lại là Hàn Bản Dụng.
(2)- Tên nhân vật này trong nguyên tác thiếu chữ “Thái” , chỉ có 2 chữ Vương Chi 王之. Nay cũng theo các tư liệu trên sửa là Vương Chi Thái王之寀.
(3)- Trong Mười sáu đời vua triều Minh do Vương Thiên Hữu chủ biên, Khổng Đạo 孔道 là em vợ của Trương Sai 张差. Nhưng giống như nguyên tác, trong   http://baike.baidu.com/view/204961.htm, Khổng Đạo là anh rể của Trương Sai.

                                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 13/12/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
CỨU CÁNH THỊ THUỲ CHẾ TẠO LIỄU “ĐĨNH KÍCH CHI ÁN”
究竟是谁制造了梃击之案
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009
Previous Post Next Post