Dịch thuật: Viện thí thời Minh Thanh


VIỆN THÍ THỜI MINH THANH

          Viện thí 院试 là cấp thi đầu tiên của kỳ thi quốc gia được tổ chức tại phủ thành hoặc châu trực thuộc tỉnh. Vị trưởng quan chủ trì khảo thí là Học chính 学政, cũng còn được gọi là Học đài 学台, Tông sư 宗师. Quan Học chính do Hoàng Đế bổ nhiệm từ những quan viên ở Hàn lâm viện, Lục bộ. Họ đến các tỉnh nhậm chức, nhiệm kỳ là 3 năm. Trong nhiệm kỳ của mình, quan Học chính lần lượt đến các phủ, châu do mình quản lý để chủ trì khảo thí. Quan Học chính đích thân đến trường thi gọi là Án lâm 案临. Trong bộ tiểu thuyết cổ điển Nho lâm ngoại sử 儒林外史  thường có nói  “năm đó vị Tông sư án lâm” v.v… chính là chỉ việc quan Học chính đến chủ trì Viện thí.
         Viện thí bao gồm 2 loại đó là Tuế thí 岁试Khoa thí 科试. Nhiệm vụ cơ bản của Tuế thí là:
          Thứ nhất: từ Đồng sinh tổ chức thi chọn ra Tú tài 秀才
          Thứ hai: đối với những thí sinh vốn là Tú tài tiến hành thi để giám định năng lực, dựa vào thành tích ưu hoặc liệt để thưởng hoặc phạt. Hồi thứ 3 trong Nho lâm ngoại sử Chu Học Đạo 周学道 “trước tiên cho khảo thí sinh viên hai trường, trường thứ 3 là Đồng sinh của hai huyện Nam Hải và Phiên Ngu” Tiên khảo liễu lưỡng trường sinh viên, Đệ tam trường thị Nam Hải, Phiên Ngu lưỡng huyện Đồng sinh - 先考了两场生员, 第三场是南海, 番禺两县童生
          Hai trường đầu chính là để giám định Tú tài, còn trường sau là từ Đồng sinh thi đỗ chọn ra Tú tài. Đồng sinh thông qua Tuế thí mới được xem là Tiến học 进学, tức trở thành học sinh của nhà nước, gọi là Sinh viên 生员, tục gọi là Tú tài 秀才, Tướng công 相公. Những Tú tài này lần lượt được sắp xếp đưa vào Phủ học (trường nhà nước thuộc phủ) hoặc Huyện học (trường nhà nước thuộc huyện). Tuy họ không nhất định phải đến đó để học nhưng về danh nghĩa họ là học sinh của những trường này. Sinh viên có thành tích tốt ở Tuế thí mới có thể tham gia Khoa thí. Thông qua Khoa thí mới được tham gia kỳ thi cao hơn đó là Hương thí 乡试, gọi là Lục khoa 录科.
          Sinh viên đầu đời Minh được chính phủ cấp phát Lẫm thiện ngân 廪膳银  ( tiền phụ cấp cho việc ăn uống). Về sau do bởi số sinh viên ngày càng nhiều, chỉ những Tú tài có thành tích ưu tú trong kỳ Tuế thí và Khoa thí mới được Lẫm thiện ngân của nhà nước, những Tú tài này gọi là Lẫm sinh 廪生. Đối với những Tú tài không được hưởng Lẫm thiện ngân của nhà nước xem như được tăng thêm, gọi là sinh viên mở rộng, gọi tắt là Tăng sinh 增生, địa vị thấp hơn Lẫm sinh. Những Tú tài mới bắt đầu nhập học gọi là sinh viên phụ học, gọi tắt là Phụ sinh 附生. Những Phụ sinh sau khi trải qua tiếp hai kỳ Tuế thí và Khoa thí mới có thể trở thành Tăng sinh hoặc Lẫm sinh tuỳ theo thành tích. Số Lẫm sinh và Tăng sinh đời Thanh có hạn định, thường tuỳ theo phủ, châu, huyện lớn nhỏ mà quyết định.
          Được là Tú tài, địa vị so với người thường cao hơn một bậc, khi yết kiến Tri huyện có thể không cần phải quỳ, quan phủ cũng không thể tuỳ tiện dùng hình phạt đối với họ, có thể thấy địa vị của họ đã khác trước. Cho nên ở hồi thứ 3 trong Nho lâm ngoại sử có nói đến việc Phạm Tiến 范进 sau khi đã đỗ Tú tài, cha vợ họ Hồ làm nghề giết mỗ dạy anh ta rằng:
          Nễ như kim ký trúng liễu Tướng công, phàm sự yếu lập cá thể thống lai …. Nhược thị gia môn khẩu giá ta tố điền đích, bái phấn đích, bất quá thị bình đầu bách tích, nễ nhược đồng tha củng thủ tác ấp, bình khởi bình toạ, giá tựu thị hoại liễu học hiệu đích quy củ, liên ngã kiểm thượng đô vô quang liễu.
          你如今既中了相公, 凡事要立个体统来 ….. 若是家门口这些做田的,
粪的, 不过是平头百姓, 你若同他拱手作揖, 平起平坐, 这就是坏了学校的规矩, 连我脸上都无光了.
          (Anh đến nay đã thi trúng Tướng công, phàm làm việc gì cũng phải có thể thống… Nếu gặp những người biết làm ruộng hốt phân, họ chẳng qua chỉ là người bình thường, nếu chấp tay vái chào ngồi đứng ngang hàng đó là đã huỷ hoại quy củ của trường, ngay cả ta cũng chẳng được vinh dự gì)
          Hồi thứ 20 nói đến việc Khuông Siêu Nhân 匡超人vào trường, sau khi về là nhà nói với người anh rằng:
          Tựu thị na niên ngã tố liễu gia khứ dữ nương đích na kiện bổ phục, nhược bản gia thân thích môn gia thỉnh tửu, khiếu nương dã xuyên khởi lai, hiển đắc dữ chúng nhân bất đồng. Ca tương lai tại gia, dã yếu khiếu nhân xưng hô ‘Lão gia’, phàm sự lập khởi thể thống lai, bất khả tự kỷ đảo liễu giá tử.
          就是那年我做了家去与娘的那件补服, 若本家亲戚们家请酒, 叫娘也穿起来, 显得与众人不同. 哥将来在家也要叫人称呼老爷’, 凡事立起体统来, 不可自己倒了架子
          (Ngày trước, khi em đi có may cho mẹ chiếc bổ phục, nếu bà con đến thăm thì nói mẹ mặc vào để khác với mọi người. Anh sau này ở nhà cũng nên bảo mọi người gọi anh là ‘Lão gia’, phàm làm việc gì cũng phải có thể thống, không thể tự hạ thấp mình)
          Những dẫn chứng trên cho thấy rõ, trúng được Tú tài là đã thoát khỏi giai cấp bình dân, bắt đầu bước vào vòng của giai cấp thống trị, trở thành khởi điểm trên đường sĩ hoạn.
          Tú tài phải thông qua Khoa thí mới có thể tham dự kỳ thi cao hơn là Hương thí 乡试. Thời Minh Thanh, thông thường vào khoảng tháng 7 năm tổ chức Hương thí, tại các tỉnh thành tập trung tổ chức kỳ Khoa thí, phàm những người chưa thể tham dự Khoa thí tại các phủ huyện có thể nhân cơ hội này thi bổ sung, gọi là Lục di 录遗. Trong thời gian này, nếu Đồng sinh mua được chức Giám sinh cũng có thể ghi tên vào Lục di, sau đó tham gia Hương thí. Như trong Nho lâm ngoại sử, hồi thứ 3, Chu Tiến 周进 theo mọi người vào tham quan Cống viện 贡院, nhân vì mấy mươi năm thi Tú tài không đỗ, nên trông thấy các phòng của Cống viện  đã ngăn không được cảm xúc khóc to lên. Về sau, người anh vợ là Kim Hữu Dư 金有余 cùng với mấy người buôn góp tiền mua cho anh ta chức Giám sinh, trong truyện đã viết rằng:
   Chính trị Tông sư lai tỉnh lục di, Chu Tiến tựu lục liễu cá Cống giám thủ quyển.
正值宗师来省录遗, 周进就录了个贡监首卷
      (Gặp lúc quan Tông sư đến tỉnh để lục di, Chu Tiến được đỗ đầu Cống giám)
Vì thế Chu Tiến đủ tư cách tham gia Hương thí. Sau đó “đến ngày mồng 8 tháng 8 vào thi trường đầu”, tức Hương thí, cuối cùng đỗ Cử nhân.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 13/11/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
VIỆN THÍ
院试
Trong quyển
MINH THANH VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
明清文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post