TÊN
GỌI CHUNG LOÀI CHIM MUÔNG
BÀN
VỀ CHỮ “CẦM”
Với chữ “cầm” 禽, nửa phần trên là chữ “kim” 今 làm thanh phù; nửa
phần dưới giống cái lưới có cán, một công cụ để bắt chim, làm ý phù. “Cầm” là
loại chữ hình thanh. Đây là căn cứ vào giáp cốt văn, phân tích tự hình mà có được
kết luận như thế. Trong Thuyết văn 说文 cho chữ “cầm” là
loại chữ tượng hình là không chuẩn xác.
Trong Hán ngữ cổ,
“cầm” là gọi chung loài chim muông, không giới hạn ở loài chim. Những loài thú
như sói, cọp cũng thuộc “cầm”. Hoa Đà 华陀 (*) có tác phẩm Ngũ cầm chi hí 五禽之戏, trong đó “ngũ cầm”
là:
Nhất viết hổ, nhị viết lộc, tam viết hùng, tứ
viết viên, ngũ viết điểu.
一曰虎, 二曰鹿, 三曰熊, 四曰猿, 五曰鸟
(Một là cọp, hai là hươu, ba là gấu, bốn là vượn, năm là chim)
Từ đó chúng ta có
thể phán đoán, chữ “cầm” thời cổ là chỉ “cầm thú”. Cũng như Hình Bính 邢昺 khi chú Nhĩ Nhã 尔雅 có nói:
Điểu bất khả vi thú, thú diệc khả dĩ vi cầm.
鸟不可为兽, 兽亦可以为禽
(Loài điểu không thể là thú, nhưng loài thú lại có thể là cầm)
Xem ra, khái niệm
“cầm” trong Hán ngữ cổ rộng hơn khái niệm “cầm” trong Hán ngữ hiện đại. Chữ “cầm”
trong Hán ngữ hiện đại dùng để chỉ loài chim.
Khi bộ Nhĩ Nhã 尔雅 ra đời, “cầm” và “thú”
đã có sự phân biệt rõ.
Nhị túc nhi vũ vị chi cầm, tứ túc nhi mao vị
chi thú (1).
二足而羽谓之禽, 四足而毛谓之兽
(Loài có 2 chân với lông vũ gọi là cầm, loài có 4 chân với lông
mao gọi là thú)
Nhĩ Nhã là bộ sách thời Hán, điều này
nói rõ, đến thời Hán khái niệm “cầm” đã thu hẹp chuyên chỉ loài “phi cầm” 飞禽 tức loài chim.
Chữ “cầm” trong cổ
văn thường dùng làm động từ, 禽 (cầm) chính là 擒 (cầm). Chữ 禽 là chữ gốc của chữ
擒. Phân tích từ giáp cốt văn, 禽 nguyên là động từ,
về sau mới thành danh từ chỉ con vật săn bắt được (2). Trong cổ văn
cũng thường lấy “cầm” 禽 để làm tên người.
Nếu “cầm” 禽 là danh từ thì khả năng dùng làm tên người
không lớn lắm. Như Liễu Hạ Huệ 柳下惠 thời Xuân Thu họ
Triển 展 tên Cầm 禽, con trưởng của
Chu Công Đán 周公旦 là Bá Cầm 伯禽, còn được gọi là
Cầm Phủ禽父.
Với “cầm” 禽, loại đuôi dài là “điểu” 鸟, loại đuôi ngắn
là “chuy” 隹. Người xưa cho rằng với loại đuôi dài, không
con nào bằng con “phụng” 凤, cho nên chữ “phụng”
ở dạng phồn thể có chữ “điểu” 鸟; với loại đuôi ngắn,
không con nào bằng con “hạc” 鹤, cho nên chữ “hạc”
có chữ “chuy”.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- TỪ TRIÊU HOA 徐朝花: Nhĩ Nhã kim chú 尔雅今注, trang 329, Nam
Khai đại học xuất bản xã.
(2)- TỪ TRIÊU HOA 徐朝花: Nhĩ Nhã kim chú 尔雅今注, nghĩa gốc của chữ
“cầm” 禽 là con vật săn bắt được, bao gồm cả loài chim
và loài muông. Nam Khai đại học xuất bản xã.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Trong Cổ đại Hán ngữ
của Vương Lực, chữ “Đà” trong “Hoa Đà” viết với bộ “nhân” (佗).
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/11/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐIỂU THÚ CHI TỔNG DANH
ĐÀM “CẦM”
鸟兽之总名
谈 “禽”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã,
1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật