Dịch thuật: Tập tục thôi nôi


TẬP TỤC THÔI NÔI

          Trong lịch sử, người xưa rất tin vào sự linh nghiệm của tập tục thôi nôi. Trong Tống sử 宋史 có ghi, khi tổ chức lễ thôi nôi cho Tào Bân 曹彬, cha mẹ của ông đã đem “trăm thứ đồ chơi” đặt trên chiếu, xem thử Tào Bân sẽ chọn món nào. Tào Bân tay trái nắm can qua, tay phải cầm món đồ dùng trong tế tự. Một lúc sau, Tào Bân bò đến cầm chiếc ấn, những món khác không hề để ý đến. Mọi người vô cùng kinh ngạc.
          Can qua là vũ khí, ý nói thiện chiến; lễ khí biểu thị nắm giữ việc tế lễ, có địa vị rất cao; còn chiếc ấn tượng trưng cho quyền lực. Về sau Tào Bân trưởng thành, quả nhiên nhờ lập chiến công được đeo ấn, làm quan đến chức Xu mật sứ 枢密使.
          Trong Hồng lâu mộng 红楼梦, thôi nôi của Giả Bảo Ngọc 贾宝玉 cũng vô cùng thú vị. Phụ thân của Bảo Ngọc là Giả Chính 贾政 muốn xem thử chí hướng của Bảo Ngọc mai sau sẽ thế nào, trong lễ thôi nôi “đã đem hết những đồ có trên đời bày ra để Bảo Ngọc bốc lấy”, ai ngờ Bảo Ngọc chẳng có hứng thú với món nào, chỉ  giơ tay bốc lấy hộp phấn và vòng ngọc để chơi. Giả Chính không vui, nói rằng: “tương lai chỉ là tay tửu sắc”.
          Do bởi thôi nôi là cách để cho bé bốc lấy một món đồ nào đó từ đó suy đoán chí hướng sau này của bé, cho nên thời cổ gọi là “thí nhi” 试儿. Tập tục thí nhi rất lâu đời, theo ghi chép trong sử sách, tập tục này có thể truy ngược lên đến thời Nam Bắc triều.
          Nhan Chi Thôi 颜之推 thời Bắc Tề trong Nhan thị gia huấn – Phong tháo 颜氏家训 - 风操 ghi rằng:
          Phong tục ở Giang Nam, khi em bé sinh được tròn năm, sẽ may áo mới, tắm rửa mặc đồ mới. Với con trai thì dùng cung tên giấy bút, với con gái thì dùng dao thước kim chỉ, đồng thời có cả món ăn cùng đồ chơi, đặt trước mặt đứa bé. Xem thử bé bốc món gì, từ đó mà nghiệm ra là tham hay liêm, ngu hay trí, tập tục này gọi là thí nhi.
          Tập tục thí nhi đương thời chủ yếu lưu hành ở phương nam.
          Đến thời Đường Tống, tập tục thôi nôi càng thịnh hành. Ngô Tự Mục 吴自牧 trong Mộng lương lục 梦梁录 gọi tục thôi nôi là “niêm chu thí tối” 拈周试晬. Em bé tròn một năm gọi là “chu tối” 周晬, cho nên về sau gọi cái mâm chuyên đựng đồ dùng trong lễ thôi nôi gọi là “tối bàn” 晬盘; lúc bấy giờ những nhà giàu có rất xem trọng lễ thôi nôi, không chỉ trải chiếu gấm giữa nhà mà còn thắp hương đốt đèn, trên chiếu để các món đồ, để em bé vào giữa, sau đó xem thử bé bốc món nào. Ngày hôm đó cũng bày tiệc khoản đãi bà con bạn bè, đồng thời tiếp nhận lễ vật của mọi người, còn tổ chức ca hát để giúp vui. Đời Thanh, trong hoàng cung cũng cử hành lễ thôi nôi. Hiện tại, trong viện bảo tàng Cố cung còn lưu giữ chiếc mâm dùng trong lễ thôi nôi của hoàng đế, mâm này làm bằng gỗ có chạm khắc, hình chữ nhật, chế tác cực kì tinh xảo. Lễ thôi nôi của hoàng tử, hoàng tôn, công chúa, dụng cụ tuy tinh xảo nhưng mục đích và ý nghĩa khác với thôi nôi của dân gian.
          Thời cận đại, các nơi trong cả nước đều thịnh hành tập tục thôi nôi. Vùng Bắc Kinh đem đồ vật để trên bàn, trước tiên tắm rửa cho em bé, mặc đồ mới, sau đó ẵm đến trước bàn, để cho bé tự bốc. Nếu bốc cây bút, tương lai nhất định sẽ là người có học thức; nếu bốc dao kéo sẽ là thợ; nếu bốc bàn toán sẽ là thương nhân. Các  nơi ở Giang Tây trên bàn để sách vở, bàn toán, dao kéo…  nếu bé bốc quyển sách, mọi người hoan hô như sấm động, cho rằng em bé mai sau này nhất định sẽ chuyên tâm học hành. Thời Thanh còn để xâu chuỗi, nếu bé bốc xâu chuỗi, cả nhà càng vui mừng, khách đến tham dự cũng chúc mừng, cho rằng đứa bé mai sau này nhất định sẽ làm quan.
          Tập tục thôi nôi cũng lan truyền đến các vùng dân tộc thiểu số. Tộc người Mãn ở đông bắc cũng thịnh hành tập tục này: Khi em bé đầy năm, đặt giấy, bút, bàn toán, cây roi, cây cuốc (làm bằng giấy) để cho bé bốc. Nếu bốc giấy bút tương lai sẽ học giỏi; bốc bàn toán tương lai sẽ là thương nhân; nếu là cây roi tương lai sẽ là đánh xe; nếu là cây cuốc sẽ là làm ruộng. Trong đó bốc được sách là mọi người vui mừng nhất.
          Tộc Triều Tiên vùng đông bắc cũng cử hành lễ thôi nôi. Trên bàn bày bánh, mứt, bút, sách, bàn toán, tất cả đều mang ý nghĩa tượng trưng. Sau khi đợi khách đến đông đủ, sẽ để bé tự bốc lấy món đồ ưa thích.
          Từ những vật phẩm được bày cùng với phản ứng của người thân và bạn bè, có thể thấy rõ giá trị quan của xã hội lúc bấy giờ. Xưa nay ở Trung Quốc, làm quan là “nhân thượng nhân”, đi học là để làm quan, luyện tập võ nghệ cũng là để làm quan; thương nhân, thợ bị xem thường. Trong sự kì vọng của lớp trưởng bối đối với đời sau, quan niệm đầy màu sắc phong kiến nàyđã biểu hiện tinh tế sâu sắc. Có thể thấy, với thôi nôi tuy không nhất định có thể đoán được tương lai của em bé, nhưng có thể đoán được chính xác nhịp đập của diễn biến về quan niệm giá trị xã hội và thời đại.

                                  Huỳnh Chương Hưng
                                  Quy Nhơn 2/11/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TRẢO CHU ĐÍCH Ý NGHĨA  HOÀ LỄ NGHI
抓周的意义和礼仪
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Previous Post Next Post