ĐỐI NGƯU ĐÀN CẦM
对牛弹琴
ĐÀN GẢY TAI TRÂU
Giải
thích: ví với việc đem những lí lẽ cao siêu nói với
người ngu ngốc. Cũng dùng để chê ai đó khi nói chuyện không biết nhìn đối tượng.
Xuất
xứ: Nam triều . Lương . Tăng Hựu 僧祐: Hoằng
Minh tập 弘明集.
Thời
cổ, âm nhạc gia Công Minh Nghi 公明仪 đánh đàn rất xuất sắc, mỗi khi ông ngồi đàn bên cửa sổ, người
qua lại thường dừng chân lắng nghe, nghe rất mê say.
Một
lần nọ, Công Minh Nghi mang đàn dạo chơi ngoài thành, nhìn thấy non xanh nước
biếc, mây trắng bay lững lờ trên trời cao; từ xa vang lại tiếng sáo mục dồng du
dương, trên cây bên cạnh mấy chú chim đang hót, Công Minh Nghi liền lấy đàn đánh lên. Ông đàn,
đàn … bỗng cảm thấy không có ý nghĩa, bởi không có ai thưởng thức. Nhìn chung
quanh, cách đó không xa có một con trâu đang ăn cỏ. Ồng nghĩ: Ta sẽ đánh đàn cho trâu nghe.
Vì
thế ông liền ngồi bên cạnh trâu, mười ngón tay thong thả, từ từ đàn lên.
Đàn được một lúc, ông ngẩng đầu lên nhìn trâu, thấy nó vẫn cứ cúi đầu ăn cỏ, dường
như chẳng nghe thấy gì. Công Minh Nghi không cam tâm, lại tiếp tục đàn, đàn đến
nỗi tay đã mỏi nhừ. Thấy trâu cũng chỉ mải mê với đám cỏ non, ông buông tiếng
than, cuối cùng hiểu ra rằng: đàn cho trâu nghe, chỉ là uổng phí công sức mà
thôi.
Ông buồn rầu đứng lên, định ra về. Ai
ngờ khi thu xếp đàn, trong lúc vô ý đụng phải một dây đàn, dây đàn phát ra tiếng,
hơi giống tiếng kêu của con nghé. Con trâu nghe qua liền ngừng ăn cỏ, ngẩng đầu
nhìn chung quanh, thấy không có gì, vẫy vẫy đuôi bước đi trên đám cỏ. Công Minh
Nghi trông thấy, tự giễu mình: không phải trâu ngu, mà là mình ngu, đàn mà
không chịu nhìn đối tượng. Đối với trâu mà nói, tiếng kêu của đồng loại mới là
thứ âm nhạc tốt nhất đối với nó, những khúc nhạc cao nhã nó làm sao hiểu được.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/11/2012
Dịch từ nguyên tác
Trung văn
ĐỐI NGƯU ĐÀN CẦM
对牛弹琴
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ
CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại
văn nghệ xuất bản xã, 2004.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật