TỤC XĂM MÌNH THỜI NGUYÊN THUỶ
Xăm mình là một trong những hình thức
trang sức thời nguyên thuỷ, và là loại trang sức cố định. Dùng kim xăm thành đồ
án hoa văn nhất định, sau đó lấy nhọ nồi hoặc màu bôi lên, sau khi da liền lại
sẽ để lại hình xăm vĩnh viễn không phai.
Trong những sử sách cổ đại Trung Quốc,
có không ít những ghi chép về phong tục xăm mình. Như Sử kí – Triệu thế gia 史记
- 赵世家 ghi rằng:
Tiễn
phát văn thân, thác tí tả nhẫm, Âu Việt chi dân dã.
剪发文身, 错臂左衽, 欧越之民也
(Cắt tóc xăm mình, khắc hình lên
cánh tay gài vạt áo về bên trái là dân Âu Việt)
Trong Hán thư – Địa lí chí 汉书
- 地理志 cũng có ghi:
Văn
thân đoạn phát, dĩ tị xà long chi hại
文身断发, 以避蛇龙之害
(Xăm mình cắt tóc để tránh rắn
và giao long xâm hại)
Trong Lĩnh ngoại đại đáp 岭外代答, quyển 10:
Hải
Nam Lê nữ dĩ tú diện vi sức …..Kì tú diện dã do trung châu chi Kê dã. Nữ niên cập
kê, trí tửu hội thân cựu, nữ bạn tự thi châm bút, vi cực tế hoa huỷ phi nga chi
hình.
海南黎女以绣面为饰 ….. 其绣面也犹中州之笄也. 女年及笄, 置酒会亲旧, 女伴自施针笔, 为极细花卉飞蛾之形.
(Con gái tộc người Lê ở Hải Nam xăm mặt
để trang sức ….. Xăm mặt cũng giống như Kê lễ ở trung châu. Con gái đến tuổi
trưởng thành, bày tiệc rượu mời bà con bạn bè, bạn gái sẽ châm hình bông hoa hoặc
hình bướm cực nhỏ.)
Chu Sĩ Giới 朱仕玠 trong Tiểu Lưu Cầu mạn chí 小琉球漫志 viết rằng:
Văn
thân mệnh chi tổ phụ, nhẫn thống thích chi, vân bất cảm bội tổ dã.
文身命之祖父, 忍痛刺之, 云不敢背祖也.
(Xăm mình là mệnh lệnh từ tổ phụ, chịu
đau để xăm, ý là không dám trái ý tổ
tiên)
Đến nay, tộc Lê 黎, tộc Cao Sơn 高山, tộc Độc Long 独龙, tộc Di 彝, tộc Thái 傣, tộc Đức Ngang 德昂, tộc Ngoã 佤, tộc Bố Lãng 布朗 và người Khắc Mộc 克木 vẫn còn giữ tục xăm mình.
Từ những ghi chép trên, có 2 điều
tương đối rõ:
- Trung Quốc từ xưa đến nay có tục xăm
mình và chưa hề bị gián đoạn.
- Tục xăm mình đa phần ở khu vực đông
nam, phía nam và tây nam.
Từ những tư liệu khảo cổ, phía nam và
tây nam đều phát hiện những tư liệu có tục xăm mình, nhưng ở phía bắc cũng có
thể tìm thấy. Có người cho rằng hoa văn trên mặt người ở văn hoá Ngưỡng Thiều 仰韶 là xuất phát từ tục khắc hình
lên mặt (1). Trên gốm màu ở tây bắc cũng có hình người xăm mình. Giá
trị nhất là trên tượng nữ thần thuộc văn hoá Hồng Sơn 红山 nơi phần eo có hình xăm, sau
lưng là đồ án hoa văn hình sừng trâu, có thể thấy ở cư dân nguyên thuỷ phương bắc
cũng có tục xăm mình. Xăm mình lúc khởi đầu có thể là khi thành viên của thị tộc
trưởng thành, hình xăm trên người của họ có một tiêu chí nhất định, dùng để
phân biệt trong quan hệ hôn nhân, đồng thời xăm mình cũng có tác dụng tránh tà.
Sự thực, trong thị tộc nguyên thuỷ tồn tại quy củ phức tạp quyết định mối quan
hệ hỗ tương giữa nam nữ. Để tránh nhầm lẫn trong hôn phối, con người khi đến thời
kì trưởng thành trên da của họ phải có kí hiệu tương đương. Ở thời đại thị tộc,
nguyên tắc căn bản thông hôn là chế độ thị tộc ngoại hôn, cấm chỉ thị tộc nội
hôn. Chính vì như thế, mỗi thị tộc đều lấy đồ án của thị tộc để xăm, như vậy
nam nữ cùng một đồ án xăm mình cấm chỉ lấy nhau, nam nữ có đồ án xăm mình khác
nhau có thể lấy nhau, cho nên xăm mình lại có tác dụng hấp dẫn phối ngẫu thị tộc.
CHÚ CỦA
NGUYÊN TÁC
(1)- LƯU
ĐÔN NGUYỆN 刘敦愿:
Tái luận Bán Pha nhân diện hình thái đào
hoa văn 再论半坡人面形彩陶花纹 đăng
trên Khảo cổ thông tấn 考古通讯, 1975, kì 5
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 7/10/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
VĂN THÂN
文身
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUYÊN THUỶ XÃ HỘI QUYỂN
中国风俗通史
原始社会卷
Tác giả: Tống Triệu Lân 宋兆麟
Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã
– 2001.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật