TỨ
ĐẠI MĨ NAM THỜI CỔ
CHẾT
NHƯ THẾ NÀO?
(tiếp theo)
Vệ giới là một
trong 4 vị mĩ nam có cái chết buồn cười nhất. Ông là nhân sĩ thời Nguỵ Tấn, tướng
mạo rất xinh đẹp, vẻ đẹp như châu ngọc, các cô theo đuổi đông đến nỗi có thể
biên chế thành một đội quân chính quy, điều này không hề là nói khoác. Có một lần
Vệ Giới ra ngoài, các cô vây lấy, “người xem lèn kín như một bức tường”, vòng
trong vòng ngoài chật đến nỗi nước không thoát ra được. Có thể Vệ Giới ngay tại
hiện trường ngất đi, sau khi về đến nhà chẳng bao lâu thì mất. Điển cố “Khán
sát Vệ Giới” 看杀卫玠 từ đây mà ra. Từ cái đẹp mà dẫn đến bi kịch
quả thật khiến mọi người cảm thán không thôi.
TỐNG NGỌC 宋玉 (2) : dung tử 庸死 (cái chết tầm thường)
Có thể nói, Tống
Ngọc là người có vận mệnh tốt nhất. Cái đẹp của ông lưu truyền thiên cổ, nhưng
rốt cuộc cái đẹp của ông như thế nào đến nay vẫn là một bí ẩn, bởi ngay cả hình
ảnh của ông cũng không lưu lại. Nhưng chúng ta có thể từ những ghi chép trong
bài Đăng Đồ Tử háo sắc phú 登徒子好色赋 có thể biết được
phần nào. Theo Đăng Đồ Tử háo sắc phú 登徒子好色赋 , Đăng Đồ Tử báo
với Sở vương rằng Tống Ngọc là một mĩ nam rất có tài ăn nói, nhưng lại háo sắc,
cho nên tuyệt đối không được để cho Tống Ngọc đến hậu cung. Nghe được những lời
ấy, Tống Ngọc đã phản kích. Tống Ngọc đến trước Sở vương xin Sở vương làm chứng
nhân phán xử xem thử ai mới là kẻ háo sắc. Tống Ngọc nói rằng:
Mĩ nữ
trong thiên hạ, không đâu đẹp bằng gái nước Sở; mĩ nữ nước Sở không đâu đẹp bằng
gái ở quê thần; mĩ nữ ở quê thần không đâu đẹp bằng cô gái ở cách vách nhà thần.
Cô gái cách vách nhà thần nếu thêm một phân thì quá cao, nếu bớt một phân thì
quá thấp; thoa phấn vào thì trắng quá, thoa son vào thì đỏ quá. Chân mày như
lông chim cao vút, da như tuyết trắng, eo thon, răng trắng. Giai nhân tuyệt đại
như thế lại trèo tường nhìn thần suốt 3 năm, thế mà thần không hề động tâm, như
vậy lẽ nào lại cho thần là kẻ háo sắc? Ngược lại, Đăng Đồ Tử chẳng ra gì. Đăng
Đồ Tử có vợ xấu, vợ ông ta đầu bù tóc rối, hai tai dị dạng, môi cong ra ngoài,
hàm răng cao thấp không đều, bước đi tập tễnh, lại thêm lưng gù, toàn thân đầy
ghẻ chốc. Đăng Đồ Tử rất thích bà ta, cùng với bà ta sinh 5 người con. Đại
vương xem, chỉ cần là cô gái là Đăng Đồ Tử thích ngay, cho nên ông ta háo sắc
hơn thần.
Kì thực, nếu lấy quan điểm hiện đại để đánh
giá, Đăng Đồ Tử không bỏ vợ từ thuở hàn vi là việc đáng để tán dương. Nhưng khẩu
tài của Tống Ngọc phi phàm, Sở vương bị ông ta thuyết phục đâm ra mê muội phán
định Đăng Đồ Tử là kẻ háo sắc. Phán định đó khiến cho Đăng Đồ Tử từ đó về sau
phải mang trên người tội danh háo sắc, và trở thành đại danh từ chỉ kẻ háo sắc.
Không chỉ có
vẻ đẹp, Tống Ngọc còn có tài năng văn học trác việt, có địa vị bậc thầy
trên văn đàn. Tác phẩm đại biểu Cửu ca 九歌 của ông có thể
sánh với Li tao 离骚 của Khuất Nguyên 屈原 trong lịch sử văn học Trung Quốc, và được gọi là song bích
trong Sở từ. Trong lịch sử văn học, Tống Ngọc còn sáng tạo ra nhiều “cái đầu
tiên”: ông là người đầu tiên viết về bi thu, cũng là người đầu tiên viết về giới
nữ. Sự miêu tả mang tính kinh điển của ông đối với giới nữ đã có ảnh hưởng vô
cùng lớn đối với lớp người sau như Tào Thực 曹植. Có người cho rằng
Tống Ngọc còn là người đầu tiên viết về kĩ nữ, đồng thời chỉ ra “thần nữ” 神女trong tác phẩm đại biểu Thần
nữ phú 神女赋 của ông chính là
kĩ nữ. Tác phẩm mà Tống Ngọc để lại có 16 thiên, duy chỉ có thiên Cửu biện 九辩 có thể khẳng định là do Tống Ngọc viết.
Nhưng mĩ nam tài
sắc song toàn như thế, một đời sĩ đồ ảm đạm. Tống Ngọc xuất thân trong một gia đình bần
hàn, nhưng để mưu cầu con đường chính trị, có lần ông đến kinh thành nước Sở, làm Văn học
thị tùng bên cạnh Sở vương. Theo truyền thuyết, lần đó ông được Sở vương coi trọng.
Nhưng con người Tống Ngọc trên thực tế không phải là để làm quan, không hợp với
thời, cho nên cuối cùng ông rời khỏi triều đình, quay về lại quê nhà, sống hết đời người với lòng tràn đầy hối tiếc.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- VỆ GIỚI 卫玠 (286 – 312): tự Thúc Bảo 叔宝, người ở An Ấp 安邑, Hà Đông 河东thời Tấn, danh sĩ thanh đàm và là Huyền lí học gia nổi tiếng.
(2)- TỐNG NGỌC 宋玉 : tác gia từ phú nước Sở cuối thời Chiến quốc,
người Yên Thành 鄢城 (nay thuộc Hồ Bắc 湖北). Thành tựu nghệ
thuật của ông rất cao, là tác gia Sở từ kiệt xuất sau Khuất Nguyên 屈原. Người đời sau gọi 2 người là “Khuất Tống”.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/10/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
CỔ ĐẠI TỨ ĐẠI MĨ NAM ĐÔ THỊ CHẨM MA TỬ ĐÍCH
古代四大美男都是怎么死的
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật