NGUỒN GỐC CHIẾC GƯƠNG ĐỒNG
Gương là vật thường dùng trong cuộc sống
hàng ngày. Người xưa gọi gương là “giám” 鉴 là do bởi trước khi phát minh
ra gương, để soi mình, người xưa dùng nước đựng trong chiếc chậu, nhìn vào có
thể thấy được bóng của mình trong nước. Chậu đựng nước đó gọi là “giám” 监. Khoảng thời Ân Thương, Trung
Quốc tiến vào thời đại đồ đồng, chiếc “giám” bằng đất nung được đổi sang bằng đồng,
vì thế chữ 监
đổi sang chữ 鉴.
Về sau, người xưa cảm thấy soi bóng mình ở chậu đồng đựng nước không tiện, họ
phát hiện trong việc chế tác đồ đồng, trên bề mặt miếng đồng được mài nhẵn bóng
có thể phản chiếu hình bóng một cách rõ ràng, vì thế đồng được chế tác thành mảnh
có mặt phẳng, thay cho mặt phẳng của nước, đó chính là chiếc gương sớm nhất.
Người xưa có nói:
Phù
dĩ đồng vi giám, khả dĩ chính y quan; dĩ cổ vi giám, khả dĩ tri hưng thế; dĩ
nhân vi giám, khả dĩ minh đắc thất (1).
夫以铜为鉴, 可以正衣冠; 以古为鉴, 可以知兴替; 以人为鉴, 可以明得失.
(Phàm lấy đồng làm gương, có thể chỉnh
sửa mũ áo; lấy thời xưa để làm gương, có thể biết được hưng thịnh và suy bại; lấy
người khác làm gương có thể rõ cái được mất)
Có thể thấy thời cổ, hai chữ “kính” 镜 và “giám” 鉴 được dùng thông nhau.
Gương đồng có từ lúc nào? Trước đây
trong giới học thuật cho rằng gương đầu có từ thời Chiến quốc. Người lúc bấy giờ còn nghiên cứu chế tạo ra
khuôn gốm, trên khuôn này khắc những hoa văn, sau đó đúc, tiến hành sản xuất số
lượng lớn. Vì vậy, gương đồng thời Chiến quốc, đa số phần lưng của gương đều có
đồ án trang sức tinh xảo. Gương thời Chiến quốc có thể chia làm 2 loại:
- Một loại thân gương tương đối dày,
chắc, đường biên bằng phẳng, hoa văn hình rắn cuộn là chủ yếu.
- Một loại thân gương cực mỏng, đường
biên cuốn lên, đồ án hoa văn chia làm 2 tầng, nhìn chung trên hoa văn có thêm
phù điêu các loại chủ đề.
Nhìn từ những chiếc gương đồng thời
Chiến quốc phát hiện được, tuy bị chôn dưới đất hơn 2000 năm, nhưng vẫn bảo
toàn được nguyên vẹn, khi đào lên vẫn không bị rỉ, bóng như sơn, có thể soi được.
Trong bộ Hoài Nam Tử 淮南子 thời Tây Hán có nói, đương thời dùng “huyền tích” 玄锡 bôi lên làm chất phản quang,
sau đó mài bóng. “Huyền tích” kì thực là thuỷ ngân. Có thể thấy thời Chiến quốc,
con người đã nắm vững được kĩ thuật luyện chế thuỷ ngân.
Theo sự phát triển không ngừng của
ngành khảo cổ Trung Quốc, thời gian bắt đầu xuất hiện gương đồng đã được đẩy
lên đến thời Thương hơn 3000 năm trước. Căn cứ để dựa vào là: những năm 30 của
thế kỉ 20, khi khai quật mộ Hầu Gia Trang 侯家庄 đời Thương tại An Dương 安阳 Hà Nam 河南, đã phát hiện được “viên hình
phiến, bối hữu nữu” 圆形片背有钮 (mảnh hình tròn, phần lưng có núm). Nhà khảo cổ Lương Tư Vĩnh
梁思永 suy đoán rằng đó là gương đồng. Năm 1957
trong ngôi mộ nước Quắc 虢 tại Thượng thôn lĩnh 上村岭 huuyện Thiểm 陕 Hà Nam 河南 phát hiện được 3 chiếc gương đồng
tương đối sớm thuộc cuối thời Tây Chu đến đầu thời Xuân thu. Những năm 70 của
thế kỉ 20, cũng phát hiện được 4 chiếc gương đồng ở mộ Phụ Hảo 妇好 tại Tiểu Đồn 小屯 An Dương 安阳, cách chế tạo giống với vật ở mộ
Hầu Gia Trang, điều này chứng tỏ phán đoán của Lương Tư Vĩnh là đúng.
Còn có một quan điểm khác cho rằng,
gương đồng khởi nguồn từ 4000 năm trước. Căn cứ vào: những năm 70 của thế kỉ 20
tại tỉnh Cam Túc 甘肃
và tỉnh Thanh Hải 青海
phát hiện được gương đồng thuộc văn hoá Tề Gia 齐家 cuối thời đại đồ đá mới. Như vậy
thuyết này đã đem thời gian ra đời của gương đồng đẩy lên thêm 1000 năm nữa. Do
bởi thuyết này còn thiếu chứng cứ nên chưa được nhiều người công nhận.
CHÚ THÍCH CỦA
NGƯỜI DỊCH
(1)- Khi
Nguỵ Trưng 魏征
mất, Đường Thái Tông rất đau buồn và đã nói câu này. Trong Cựu Đường thư 旧唐书 và Tân Đường thư 新唐书 đều có chép việc đó, nhưng có
khác đôi chỗ.
Theo Cựu Đường thư, quyển 71, Nguỵ Trưng:
Phù
dĩ đồng vi kính, khả dĩ chính y quan; dĩ cổ vi kính, khả dĩ tri hưng thế; dĩ
nhân vi kính, khả dĩ minh đắc thất. Trẫm thường bảo thử tam kính dĩ phòng kỉ
quá. Kim Nguỵ Trưng tồ thệ, toại vong nhất kính hĩ.
夫以銅為鏡, 可以正衣冠; 以古為鏡, 可以知興替; 以人為鏡, 可以明得失. 朕常保此三鏡以防己過. 今魏徵殂逝, 遂亡一鏡矣.
(Phàm lấy đồng làm gương, có thể chỉnh
sửa mũ áo; lấy thời xưa để làm gương, có thể biết được hưng thịnh và suy bại; lấy
người khác làm gương có thể rõ cái được mất. Trẫm thường giữ 3 gương này để đề
phòng những lỗi lầm của mình. Nay Nguỵ Trưng đã qua đời, đã mất đi một gương rồi)
Theo Tân Đường thư, quyển 110 liệt truyện thứ 22, Nguỵ Trưng:
Dĩ
đồng vi giám, khả chính y quan; dĩ cổ vi giám, khả tri hưng thế; dĩ nhân vi giám, khả minh đắc thất. Trẫm thường bảo thử tam giám, nội
phòng kỉ quá. Kim Nguỵ Trưng thệ, nhất giám vong hĩ.
以铜为鉴, 可正衣冠; 以古为鉴, 可知兴替; 以人为鉴, 可明得失. 朕尝保此三鉴, 内防己过. 今魏征逝, 一鉴亡矣.
(Lấy đồng làm gương, có thể chỉnh sửa
mũ áo; lấy thời xưa để làm gương, có thể biết được hưng thịnh và suy bại; lấy
người khác làm gương có thể rõ cái được mất. Trẫm thường giữ 3 gương này để đề
phòng những lỗi lầm của mình. Nay Nguỵ Trưng đã qua đời, đã mất đi một gương rồi)
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 17/10/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐỒNG KÍNH ĐÍCH KHỞI NGUYÊN CHI
MÊ
铜镜的起源之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI
CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu
Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn
phương xuất bản xã, 2009.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật