NGƯỜI
ĐẾN TUỔI ĐINH LÀ BAO NHIÊU?
BÀN
VỀ CHỮ “ĐINH”
Nói
đến chữ Đinh 丁 mọi người dễ dàng liên tưởng đến
họ Đinh. Người mang họ Đinh có không ít, hơn nữa Đinh là một họ có từ xưa, thời
Chu, sau khi Tề công tử Lữ Cấp 吕伋 mất có thuỵ hiệu là Đinh Công 丁公 đã có họ Đinh. Đinh không chỉ là họ mà còn là tên của 6
vị đế vương nhà Thương, như Tổ Đinh 祖丁, Vũ Đinh 武丁, Canh Đinh 庚丁 v.v…. Nhưng bất luận là họ hay tên đều không phải là nghĩa
gốc của chữ Đinh. Nghĩa gốc của Đinh là Đinh thực 丁实 (1), nghĩa là rắn chắc, vạm vỡ. Cho
nên người trưởng thành gọi là Đinh tráng
丁壮, người đang lúc đinh tráng cũng
còn được gọi là Đinh niên 丁年. Trong Lý Lăng đáp Tô Vũ thư 李陵答苏武书 thời Hán có câu:
Đinh niên phụng sứ,
hạo thủ nhi quy.
丁年奉使, 皓首而归
(Lúc trẻ vâng mệnh đi sứ, đến
lúc đầu bạc mới được trở về)
Nói về Tô Vũ 苏武 lúc còn trẻ đi sứ Hung Nô, đến
khi đầu bạc mới từ Bắc Hải 北海 trở về.Ý nghĩa của Đinh niên và Đinh tráng ở đây tương cận, nhưng nếu tìm hiểu tỉ mỉ, một người đến bao nhiêu tuổi
là đinh niên? Trong lịch sử có quy định thống nhất không? Xin thưa là có. Thời
cổ 40 tuổi là đinh (2), thời Tuỳ 21 tuổi là đinh, thời Đường vào những
năm Thiên Bảo 天宝
quy định là 23 tuổi. Trong Nhật tri lục 日知录 quyển 32 có nói rất rõ:
Đường Vũ Đức (Cao Tổ) lục niên chế định,
nhân thuỷ sinh vi Hoàng, tứ tuế vi Tiểu, thập lục tuế vi Trung, nhị thập nhất
tuế vi Đinh, lục thập vi Lão.
唐武德 (高祖) 六年制定, 人始生为黄, 四岁为小, 十六岁为中, 二十一岁为丁, 六十为老
(Năm
Vũ Đức thứ 6 (Đường Cao Tổ) quy định, người mới sinh là Hoàng, 4 tuổi là Tiểu,
16 tuổi là Trung, 21 tuổi là Đinh, 60 tuổi là Lão)
Thiên
Bảo quy định, thập bát dĩ thượng vi Trung nam, nhị thập tam vi Đinh.
天宝规定十八以上为中男, 二十三为丁
(Niên hiệu Thiên Bảo quy định lại,
18 tuổi trở lên là Trung nam, 23 tuổi là Đinh)
Quy
định tiền hậu bất nhất này e rằng có liên quan đến việc lao dịch lúc bấy giờ. Đỗ
Phủ 杜甫
trong bài Tân Phong chiết tý ông 新丰折臂翁 có viết:
Hộ hữu tam đinh điểm
nhất đinh.
户有三丁点一丁
(Nhà có ba con trai bị bắt đi hết
một)
Và trong bài Tân An lại 新安吏
Huyện tiểu cánh vô
đinh.
县小更无丁
(Huyện nhỏ càng không có con
trai).
Việc
bắt lính đại quy mô lúc bấy giờ nếu như không hạn định số tuổi chắc chắn là không được. Đây cũng là
nguyên nhân việc hạn định số tuổi thường biến động. Về từ Đinh tráng 丁壮, trong Tự hỗ nghĩa phủ
hợp án 字诂义府合按 của Hoàng Sinh 黄生 và Hoàng Vĩnh Cát 黄永吉 cho rằng Đinh 丁
và Đương (Đang) 当 đồng âm, Đinh tức Đương, người
đương lúc Đinh tráng chính là Đương tráng (3), luận giải
này là xác đáng. Từ Đinh tráng có thể
liên tưởng đến Đinh ưu 丁忧. Đinh ưu 丁忧 chính là Đương ưu
当忧, lúc có tang cha mẹ. Chữ Đinh ở đây cũng được giải thích là Đương.
Đinh là Đinh thực, Đinh tráng về sau phái sinh nghĩa chỉ người chuyên phục
vụ một công việc nào đó, như Đinh
trong Viên đinh (园丁 – người làm vườn). Có người cho
rằng, nghĩa này xuất hiện tương đối muộn, khoảng thời Bắc Nguỵ, Tuỳ, Đường. Lúc
bấy giờ còn có các tên gọi như Sơn đinh
山丁, Hà đinh 河丁, Huề đinh 畦丁… Về sau lại có Huyện đinh 县丁, Hương đinh 乡丁, Bảo đinh 保丁. Cho nên xuất phát từ thời kỳ lịch
sử mà xem xét vấn đề, từ Bào đinh 庖丁 trong câu Bào đinh giải ngưu 庖丁解牛 ở Trang Tử - Dưỡng sinh
chủ 庄子
- 养生主) thời Tiên Tần, không thể giải
thích là Trù công (厨工 – đầu bếp) hoặc Trù sư (厨师 – đầu bếp), mà nên giải thích Đinh trong Bào đinh là tên người, bởi vì chữ Đinh lúc bấy giờ vẫn chưa có khái niệm chỉ người chuyên một công việc
nào đó. Trong giáo trình Ngữ văn bậc trung học đã chú giải chữ Đinh trong Bào Đinh là tên người, chú giải này là chính xác.
Với
thành ngữ Mục bất thức Đinh 目不识丁 xưa nay đã làm nhiều người nhọc
công. Tại sao chữ mà mắt không nhận biết lại là chữ Đinh mà không phải là chữ nào khác. Khổng Bình Trọng 孔平仲 đời Tống trong Tục Thế thuyết 续世说 đã nói rằng, chữ Đinh
vốn là chữ Cá 个 bị viết nhầm (4).
Đúng ra là nói Mục bất thức cá 目不识个, tức một chữ cũng không biết.
Có thuyết cho rằng chữ Đinh trong
Giáp cốt văn vốn có nghĩa là con ngươi của mắt, con người không nhìn thấy được
con ngươi của mình, đã không nhìn thấy có nghĩa là giống như người mù, đương
nhiên là một chữ cũng không biết.
Và trong tục ngữ có câu:
Đinh thị đinh, mão
thị mão.
丁是丁, 卯是卯
(Đinh là đinh, mão là mão )
Với tục ngữ này cũng có 2 cách
giải thích:
- Đinh, Mão là từ biểu thị thời gian,
Đinh là một trong 10 Thiên can, Mão là 1 trong 12 Địa chi.
- Đinh, Mão tức là 钉 (đinh) và 卯 (mão), đinh là cái mộng dương
còn mão là cái mộng âm.
Cho
dù là 2 cách giải thích, tục ngữ này vẫn biểu thị ý nghĩa làm việc cẩn thận,
không chút cẩu thả.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Thuyết văn giải tự 说文解字
Hạ thời vạn vật
giai đinh thực
夏时万物皆丁实
(Mùa Hạ muôn vật đều chắc khoẻ)
(Trung Hoa thư cục ảnh ấn)
(2)- Minh. Điền Nghệ Hành 明. 田艺蘅: Lưu thanh nhật trát 留青日札, quyển 65, trang 271. Thượng Hải
cổ tịch xuất bản xã.
(3)- Trong Tự hỗ nghĩa phủ hợp án 字诂义府合按, mục Đinh tráng 丁壮 có
ghi:
“Hán thư – Cao Đế kỷ” ‘Đinh tráng nhược quân lữ’. Cổ Đinh, Đương đồng
âm, đinh tráng ngôn kỳ niên chính đương tráng thời dã. Hậu ngữ tỉnh, toại đơn
hô vi Đinh, cố dân niên nhị thập thành đinh….
“汉书 - 高帝纪” ‘丁壮若军旅’. 古丁, 当同音, 丁壮言其年正当壮时也. 后语省,遂单呼为丁, 故民年二十成丁 …..
(Trong
“Hán thư – Cao Đế kỷ” có câu ‘Đinh tráng nhược quân lữ’ (Trai tráng khổ bởi việc
quân binh) (chữ Nhược 若 ở câu này là chữ Khổ - 苦, có lẽ in nhầm – ND). Thời xưa
chữ Đinh và chữ Đương âm đọc giống nhau, đinh tráng ý nói đang lúc tráng niên.
Lược bỏ chữ sau chỉ gọi là Đinh, cho nên người dân 20 tuổi là thành đinh…)
(Trung Hoa thư cục)
(4)- Trong Tục Thế thuyết 续世说 của Khổng Bình Trọng 孔平仲 đời Tống có ghi
‘Nhất Đinh’ tự ưng tác ‘nhất cá’ tự, nhân
triện văn ‘Đinh’ dữ ‘Cá’ tương tự, ngộ tác ‘cá’ nhĩ.
‘一丁’ 字应作 ‘一个’ 字, 因篆文 ‘丁’ 与 ‘个’ 相似, 误作个耳.
( ‘Nhất đinh’ phải viết là ‘nhất cá’,
do ở chữ triện ‘Đinh’ và ‘Cá’ viết giống nhau, nên viết nhầm chữ ‘Đinh’. (Trong nguyên tác in là: ngộ tác
‘cá’ nhĩ, ở đây phải là: ngộ tác
‘Đinh’ nhĩ – ND) )
Có
thể xem thêm ở Lưỡng ban thu vũ am tuỳ bút
两般秋雨盦随笔, quyển 7, trang 396. Thượng Hải
cổ tịch xuất bản xã.
Trong
Dung Trai tuỳ bút 容斋随) của Hồng Mại 洪迈 đời Tống cũng có ghi
Kim nhân đa dụng bất thức nhất đinh tự, vị tổ
Đường thư. Dĩ xuất xứ khảo chi, nãi ‘Cá’ tự, phi ‘Đinh’ tự, cái ‘Cá’ dữ ‘Đinh’
tương loại.
今人多用不识一丁字, 谓祖唐书. 以出处考之, 乃 ‘个’ 字, 非 ‘丁’ 字, 盖 ‘个’字与 ‘丁’ 字相类.
(Ngày
nay người ta đa phần dùng không biết chữ Đinh, bảo là theo Đường thư. Từ xuất xứ
mà khảo sát, là chữ ‘Cá’ không phải chữ ‘Đinh’. Do bởi ‘Cá’ và ‘Đinh’ tương tự.)
Xem
Bút ký tiểu thuyết đại quan 笔记小说大观, quyển 6. Quảng Lăng cổ tịch xuất
bản xã.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 5/10/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
NHÂN ĐÁO ĐINH NIÊN THỊ KỶ TUẾ
ĐÀM “ĐINH”
人到丁年是几岁
谈
“丁”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã,
1998.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật