Dịch thuật: Chế độ thẻ bài trong Tử cấm thành


CHẾ ĐỘ THẺ BÀI
TRONG TỬ CẤM THÀNH

          Trong cung trăm việc phức tạp, những nô bộc cùng tạp dịch để hoàng gia sai khiến có đến cả ngàn người. Đông người như thế, mỗi ngày ra vào cấm môn, nếu có những kẻ coi thường pháp luật trà trộn vào, sẽ trực tiếp uy hiếp sự an toàn của hoàng đế cùng các hậu phi. Vì thế đời Thanh đã đặt ra chế độ thẻ bài đeo nơi thắt lưng (yêu bài chế 腰牌制)
          Thẻ bài được làm bằng gỗ, có hình chữ nhật, bên trên khắc họ tên, tuổi, đặc trưng diện mạo của người đeo cùng số hiệu, đồng thời ghi rõ niên đại chế tác cùng nha môn của họ, nhìn qua là biết. Điều thú vị ở thẻ bài đời Thanh là khi miêu tả đặc trưng diện mạo của mỗi người, đa phần đều ghi là “diện hoàng hữu tu” 面黄有须 (mặt vàng có râu), “diện hoàng vi tu” 面黄微须 (mặt vàng ít râu), “diện tướng vi ma” 面相微麻 (mặt hơi rỗ), khiến mọi người nín cười không được. Chẳng qua trước khi phát minh ra kĩ thuật chụp ảnh, cách làm này cũng là một biện pháp có hiệu quả.
          Các loại tạp dịch trong cung đều do phủ Nội vụ phụ trách trưng tập, nhận vào một ai đó thì người đó phải tuyệt đối đáng tin, đồng thời phải có người bảo lãnh. Một khi được lưu dụng, nha môn sở thuộc sẽ đem họ tên, quê quán, tuổi tác, tướng mạo của người đó chép làm 2 bản, một bản được lưu trong hồ sơ của phủ nội vụ, một bản sẽ đưa đến các cửa như Đông Hoa 东华, Tây Hoa 西华, Long Tông 隆宗, Cảnh vận 景运 để tiện việc kiểm tra đối chiếu mỗi khi ra vào, sau đó phát thẻ bài.
          Thẻ bài của các sai dịch không được chuyển nhượng, trao đổi hoặc cho mượn, ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị. Thẻ bài cứ 3 năm đổi một lần, trong 3 năm nếu có biến động sẽ tuỳ thời mà thay đổi.
          Chế độ thẻ bài đời Thanh bắt đầu từ thời Gia Khánh 嘉庆. Tháng 2 năm Gia Khánh thứ 8 phát sinh một vụ án chấn động cả trong và ngoài triều, đó là “Trần Đức hành thích án” 陈德行刺案. Thường dân Trần Đức dấu dao trong người, trước mắt đám hộ vệ quân đã lẻn vào cửa Đông Hoa, sau đó vượt qua nghi môn đông và tây, đến nấp ở cửa Thần Vũ 神武. Khi Gia Khánh đi qua, Trần Đức xông ra rút dao đâm. Lần hành thích đó tuy không làm bị thương Gia Khánh, nhưng sự kiện nghiêm trọng như thế xuất hiện trong hoàng cung có đội hộ vệ quân dày đặc là chuyện hiếm có, có thể thấy hiệu quả phòng vệ của cung đình nhà Thanh. Gia Khánh nổi giận, cực kì bất mãn đối với đội phòng vệ cùng những người có liên quan. Gia Khánh ra huấn dụ rằng:
          Canh phòng bảo vệ cấm môn nơi đại nội là việc vô cùng quan trọng, cho nên trẫm ân cần giáng chỉ, đề phòng kẻ phạm pháp, phát sinh sự cố. Nay một lần nữa nghiêm truyền các nơi trực phòng, khi tuyển chọn cần vụ, đầu bếp, nếu ai nát rượu, phạm pháp, không có quê quán thì lập tức trục xuất, không được lưu dụng. Phải có lí lịch rõ ràng, có người bảo lãnh mới được lưu dụng.
          Không bao lâu sau, Nội các ngự sử là Phí Tích Chương 费锡章 kiến nghị đề xuất biện pháp cụ thể chỉnh đốn cấm môn:
          Từ trước tới giờ trong Tử cấm thành đương sai hành tẩu không hề được kiểm tra, nay kiến nghị đeo thẻ bài nơi thắt lưng để nghiêm xuất nhập.
          Lúc này, chế độ thẻ bài mới chính thức xác lập.
          Tháng 12 năm Gia Khánh thứ 16, triều Thanh ban bố Kê sát môn cấm chương trình 稽察门禁章程 gồm 11 điều, bổ sung quy định và thuyết minh đối với dạng thức thẻ bài cùng cách sử dụng và kiểm tra, khiến thẻ bài mang tính pháp chế, nó được sử dụng cho đến cuối đời Thanh.
          Sau khi chế độ thẻ bài được thiết lập, ở một trình độ nào đó quả thực đã có tác dụng chỉnh đốn nghiêm túc cấm môn, nhưng vẫn phát sinh những việc xấu. Khoảng thời Hàm Phong 咸丰, một người không có thẻ bài lại lẻn vào hoàng cung, định lấy trộm kim sách, kim ấn nhưng đã bị bắt. Có thể thấy, chế độ thẻ bài cũng không phải là kế sách vạn toàn.
          Cuối đời Thanh, các đế vương hoàng hậu rất thích hí kịch. Từ Hi Thái hậu 慈禧太后 càng thích Kinh kịch, thường tổ chức cho bọn thái giám diễn kịch. Không chỉ thế, bà còn thường cho gọi những gánh Kinh kịch nổi tiếng lúc bấy giờ vào cung để diễn, Thăng bình thự 升平署 (1) sẽ cấp thẻ bài cho họ để ra vào hoàng cung. Theo những ghi chép ở Yêu bài sách 腰牌册 được lập vào tháng 2 năm Quang Tự 光绪 thứ 25, diễn viên của ban hát được vào diễn trong cung có hơn 40 người. Dưới đây sẽ sao lục thẻ bài của một số diễn viên:
          Trần Đức Lâm 陈德林 (tức 陈德霖), 38 tuổi, mặt vàng không râu.
          Tôn Cúc Tiên 孙菊仙, 53 tuổi, mặt vàng không râu.
          Tôn Di Vân 孙怡云, 35 tuổi, mặt vàng không râu.
          Tương Cửu Tiếu 相九肖, 36 tuổi, mặt vàng không râu.
          Đàm Hâm Bồi 谭鑫培, 51 tuổi, mặt vàng không râu.
          Những ghi chép trong Yêu bài chế là tư liệu hiếm có dùng để nghiên cứu chế độ thẻ bài cùng tình hình diễn kịch ở cuối đời Thanh.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THĂNG BÌNH THỰ 升平署: cơ quan nắm giữ hoạt động diễn xuất hí khúc trong cung đình cuối đời Thanh, trước đó gọi là Nam phủ 南府.
          Thời Khang Hi 康熙 lập Nam phủ, lệ thuộc phủ Nội vụ, thu nạp nghệ nhân dân gian để diễn trong cung đình. Thời Càn Long 乾隆 quy mô Nam phủ mở được rộng. Năm Đạo Quang 道光 thứ 7 (năm 1827) đem thập ban học nhập vào, đồng thời lập phòng hồ sơ, đổi tên Nam phủ thành Thăng bình thự, vẫn chủ trì việc diễn xuất trong cung mãi đến năm Tuyên Thống 宣统 thứ 3 (năm 1911) mới chấm dứt, trải qua 162 năm.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/293619.htm

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 4/10/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
TỬ CẤM THÀNH YÊU BÀI CHẾ
紫禁城腰牌制
Tác giả: Tào Liên Minh 曹连明
Trong quyển
CUNG QUY LỄ TỤC THÁM U
宫规礼俗探幽
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Trung Quốc văn sử xuất bản xã – 2006

Previous Post Next Post