Dịch thuật: Bất vũ chi hạc


BẤT VŨ CHI HẠC
不舞之鹤
HẠC KHÔNG BIẾT MÚA

Giải thích: thành ngữ này dùng để châm biếm những người không có tài năng gì, hoặc dùng để biểu thị bản thân khiêm xưng.
Xuất xứ:   Nam triều. Tống. Lưu Nghĩa Khánh 刘义庆: Thế thuyết tân ngữ 世说新语.

          Nhà Dương Hỗ 羊祜 có nuôi một con hạc. Con hạc này thân trắng như tuyết, trên cổ có một chấm đỏ, Dương Hỗ vô cùng yêu quý, thường đích thân cho hạc ăn. Sau khi ăn no, có lúc hạc sãi bước đi nhẹ nhàng trong sân, giống như một bậc quân tử; có lúc hạc giương cánh vỗ nhịp nhàng khi xoè khi cụp, bước chân khi chậm khi nhanh, giống như một “vũ đạo gia”. Mỗi khi gặp như thế, Dương Hỗ vui mừng không thể tả.
          Một lần nọ, Dương Hỗ khoe với khách rằng con hạc của ông ta có tính linh, biết múa. Khách hiếu kì muốn xem “hạc múa”. Dương Hỗ bèn đưa  khách ra sân tìm hạc. Nào ngờ chim hạc sợ người lạ, thấy khách đến liền núp sau gốc cây. Vất vả lắm hai người mới khiến hạc bước ra, bộ lông trắng nuốt của hạc đã bị vấy bẩn, không còn vẻ đẹp đẽ khôi ngô như ngày nào, đầu lại cúi gằm xuống, mặc cho dụ dỗ như thế nào, hạc ta cũng không chịu múa. Khách thất vọng nói rằng: 
          Hoá ra chỉ là một con hạc không biết múa.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 8/10/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
BẤT VŨ CHI HẠC
不舞之鹤
Trong quyển
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.

Previous Post Next Post