BA CUNG TRONG TỬ CẤM THÀNH
Đi qua khoảng sân sau 3 điện là điện
Thái Hoà, điện Trung Hoà và điện Bảo Hoà là đến một toà cung môn hoa lệ, gọi là
Càn Thanh môn 乾清门, đây là cửa
chính của “nội đình” được xây vào thời Minh. Trước cửa là một cặp sư tử vàng và
10 chiếc chậu lớn được xếp đối xứng với nhau. Phía trong là 3 cung: cung Càn
Thanh 乾清 ở
trước, là tẩm cung của hoàng đế; tiếp đến là cung Khôn Ninh 坤宁, là chính cung của hoàng hậu; giữa 2 cung là một
toà điện có dạng đình hình vuông, gọi là
điện Giao Thái 交泰, là tiểu lễ
đường ở nội đình. Phía sau 3 cung ở hai bên đông tây mỗi bên có 4 cửa, thông đến
6 cung phía đông và 6 cung phía tây (1). Trong lịch sử quen gọi tam
cung lục viện chính là ở đây.
Cung Càn Thanh là cung đầu tiên của 3
cung ở nội đình, được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 18 triều Minh (năm 1420). Trải qua hai triều
Minh Thanh cung nhiều lần bị hoả hoạn và được trùng tu lại. Kiến trúc hiện tại
được xây vào năm Gia Khánh 嘉庆
thứ 3 triều gàyThanh (năm 1798). 14 vị hoàng đế triều Minh cùng 2 hoàng đế triều
Thanh là Thuận Trị 顺治 và Khang
Hi 康熙 đều lấy cung Càn Thanh làm tẩm
cung. Các vị hoàng đế này đều cư trú và xử lí chính sự hàng ngày tại cung này.
Hoàng đế đọc sách học tập, phê duyệt tấu chương, triệu kiến quan viên, tiếp kiến
sứ thần nước ngoài cùng cử hành điển lễ nội đình và gia yến cũng đều tiến hành ở
đây. Nơi chính điện của cung Càn Thanh treo tấm biển có 4 chữ “Chính đại quang
minh” 正大光明 do đích thân hoàng đế Thuận
Trị viết, sau tấm biển có hộp đựng sắc phong vị hoàng đế tương lai do hoàng đế
Ung Chính lập. Để vỗ yên lòng dân, cung
Càn Thanh từng cử hành qua 2 lần “thiên tẩu yến”, một lần là vào năm Khang Hi
thứ 61 (năm 1722), một lần khác là vào năm Càn Long thứ 50 (năm 1785). Đời
Thanh, cung Càn Thanh còn là nơi đặt linh cửu của hoàng đế. Bất luận hoàng đế
qua đời ở đâu, trước tiên phải đưa linh cửu của ông ta (còn gọi là “tử cung” 梓宫) về đặt ở cung Càn Thanh.
Đối ứng với cung Càn Thanh là cung
Khôn Ninh. Vào triều Minh đây là tẩm cung của hoàng hậu. Cung Khôn Ninh được
xây vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 triều Minh (năm 1420). Năm Chính Đức 正德 thứ 9 (năm 1514) và năm Vạn
Lịch 万历
thứ 24 (năm 1596), cung 2 lần bị hoả hoạn. Năm Vạn Lịch thứ 33 (năm 1605) xây dựng
lại. Triều Thanh theo triều Minh, năm Thuận Trị thứ 2 (năm 1645) trùng tu, năm
thứ 12 (năm 1655), mô phỏng theo cung Thanh Ninh 清宁 ở Thịnh kinh 盛京 Thẩm Dương 沈阳 trùng tu lại một lần nữa. Năm Gia Khánh thứ 2 (năm
1797) cung Càn Thanh bị cháy, lan đến thiềm trước cung. Năm Gia Khánh thứ 3
(năm 1798) trùng tu lại. Hai bên cung là Nhật tinh môn 日精门 và Nguyệt hoa môn 月华门 tượng trưng cho mặt trời mặt trăng. Đời Thanh,
Tây noãn các 西暖阁 trở thành
nơi tế thần, mỗi khi gặp siêu tế, tịch tế, đại tế, hoàng đế và hoàng hậu đích
thân tham gia. Thần được tế ở đây có cả Thích Ca Mâu Ni, Quan Vân Trường, thần
Mông Cổ … Đông noãn các 东暖阁 trở thành
động phòng trong lễ kết hôn của hoàng đế. Trong hôn lễ của 3 vị hoàng đế Khang
Hi 康熙, Đồng Trị 同治, Quang Tự 光绪
đều động phòng ở đây. Cung Càn Thanh đại biểu cho dương tính, cung Khôn Ninh đại
biểu cho âm tính, cả hai biểu thị “âm dương kết hợp, thiên địa hợp bích”.
Điện Giao Thái nằm giữa cung Càn Thanh
và cung Khôn Ninh, hoàn thành vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (năm 1420), trùng tu lại
vào năm Gia Khánh thứ 3. Đây là nơi mà hoàng hậu triều Thanh tổ chức lễ mừng thọ.
Tên gọi “Giao Thái” ngụ ý càn khôn tương giao, thiên địa hoà hợp, quốc gia thượng
hạ phong hoá tương thông, muôn đời vững bền thịnh trị. Phía đông bảo toạ ở điện
Giao Thái có một chiếc đồng hồ tính giờ, phía tây có chiếc chuông lớn tự kêu được
chế tạo vào thời Càn Long, Thần Vũ môn và lầu chuông trống khi báo giờ đều lấy
đây làm chuẩn. Tấm thiết bài mà hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh cấm chỉ nội thần
can dự vào chính sự cũng được dựng ở điện này. Năm 1748, hoàng đế Càn Long căn
cứ vào thuyết “Thiên thư nhị thập hữu ngũ” 天书二十有五
trong Chu Dịch 周易, đem 25 ngọc tỉ đại biểu
cho hoàng quyền (ấn của hoàng đế) cất giữ nơi đây.
CHÚ
THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)-
6 cung phía đông:
Cung Cảnh Nhân 景仁, cung Thừa Càn 承乾,
cung Chung Tuý 钟粹, cung Diên
Hi 延禧, cung Vĩnh Hoà 永和, cung Cảnh Dương 景阳.
- 6
cung phía tây:
Cung Vĩnh Thọ 永寿, cung Dực Khôn 翊坤,
cung Trừ Tú 储秀, điện Thái
Cực 太极, cung Trường Xuân 长春, cung Hàm Phúc 咸福.
Nguồn Tử cấm chi điên lược ảnh 紫禁之巅掠影, chủ biên Thôi Trắc 崔陟. Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2006.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/10/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
HUYẾN LỆ ĐÍCH NỘI ĐÌNH HẬU TAM
CUNG
绚丽的内廷后三宫
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN MINH
KÌ TÍCH
中国文明奇迹
Chủ biên: Mặc Nhân (墨人)
Trung Quốc hí kịch xuất
bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật