Dịch thuật: Giáp cốt văn được phát hiện như thế nào?


GIÁP CỐT VĂN ĐƯỢC PHÁT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

          Vào năm Quang Tự 光绪 thứ 25 (năm 1899), Tế tửu Quốc tử giám Vương Ý Vinh 王懿荣 (Quốc tử giám là học phủ cao nhất của nhà nước, Tế tửu tương đương với hiệu trưởng của trường đại học hiện nay) mắc phải bịnh sốt rét, mời thầy thuốc đến xem bịnh, thầy thuốc kê toa cho ông trong đó có món “long cốt” 龙骨. Sau khi đợi người nhà hốt thuốc mang về, Vương Ý Vinh đem món món “long cốt” xem qua, bỗng phát hiện trên “long cốt” có một số vết dao khắc. Ông quan sát kĩ và rất hứng thú với những hình khắc trên đó, nhưng đó không phải là hình vẽ. Qua sơ bộ tìm hiểu phân tích, ông cho rằng những dấu khắc này rất có thể là văn tự của người xưa để lại.
          Vương Ý Vinh là chuyên gia nghiên cứu văn vật cổ và văn tự cổ, ông lập tức sai người đến hiệu thuốc mua toàn bộ số “long cốt” về nghiên cứu kĩ, cuối cùng phát hiện, những “long cốt” này  là mai rùa và xương thú tức giáp cốt, văn tự trên giáp cốt là loại văn tự được phát triển trên cơ sở phù hiệu và đồ án nguyên thuỷ. Văn tự giáp cốt đa số là “bốc từ” 卜辞, đây là những ghi chép của quý tộc chủ nô đời Thương hướng đến tổ tiên hoặc quỷ thần chiêm bốc hoặc tế lễ. Người đời sau gọi những văn tự này là “giáp cốt văn” 甲骨文, giáp cốt văn được phát hiện như thế.
          Những mảnh giáp cốt này từ đâu đến? Hoá ra, chúng được phát hiện tại Ân Khư 殷墟, phía tây bắc thành phố An Dương 安阳 tỉnh Hà Nam 河南. Ân Khư là đô thành của triều Thương. Trước năm Quang Tự thứ 24 (năm 1898) nông dân địa phương phát hiện ra “long cốt”, họ cho rằng “long cốt” có thể trị bịnh nên đã bán cho hiệu thuốc. Lúc bấy giờ, Vương Ý Vinh đã mua lại với giá cao, mỗi chữ là 2 lạng bạc. Giáp cốt văn đã được thế giới coi trọng.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 6/9/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
GIÁP CỐT VĂN THỊ CHẨM DẠNG BỊ PHÁT HIỆN ĐÍCH
甲骨文是怎样被发现的
Trong quyển
VĂN NGÔN VĂN TOÀN GIẢI
文言文全解
(Sơ trung bản)
Chủ biên: Thẩm Diễm Xuân (沈艳春),
            Đô Hưng Đông (都兴冬),
            Hà Thục Quyên (何淑娟)
Trường Xuân: Cát Lâm đại học xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post