Dịch thuật: Tập tục đầy tháng

TẬP TỤC ĐẦY THÁNG

          Khi em bé sinh ra được một tháng, nhiều địa phương ở Trung Quốc tổ chức lễ mừng đầy tháng, tập tục này được gọi là “Di nguyệt lễ” 弥月礼. Mừng đầy tháng rất có ý nghĩa đối với em bé và sản phụ. Em bé đầy tháng đáng để chúc mừng; sản phụ sang tháng sau cũng đáng để kỉ niệm, vì vậy lễ mừng đầy tháng cũng rất long trọng và náo nhiệt. Bà con bạn bè đến chúc mừng tặng quà gọi là “Di nguyệt chi kính” 弥月之敬. Đặc biệt là người mới lên chức bà ngoại, phải sắm sửa quần áo giày mũ … để tặng cho cháu ngoại. Nhà sản phụ cũng tổ chức một buổi tiệc để mời bà ngoại, tục gọi là “Thỉnh ngoại ma” 请外妈, quà bà ngoại tặng cần phải có kính tròn, Quan đao (1) và khoá bản mệnh (2): kính tròn là để chiếu yêu, Quan đao là để xua đuổi tà ma, khoá bản mệnh là để giữ bản mệnh.
          Những nhà giàu có thậm chí nhà trung bình đều tổ chức tiệc đầy tháng, khoản đãi những người lớn tuổi trong tộc họ, bà con nội ngoại, đây gọi là “Biện mãn nguyệt” 办满月. “Biện mãn nguyệt” là quyền lợi đặc biệt của bé trai, sinh bé gái thì không được náo nhiệt bằng. Cũng có những nhà giàu lần đầu sinh bé gái tổ chức tiệc mừng. Trong lễ mừng đầy tháng cần dâng lễ ở miếu, kính hiến Lâm thuỷ phu nhân để bày tỏ lòng cám ơn.
          Ở nhiều địa phương, ngày em bé đầy tháng, còn có những tập tục như cạo bỏ tóc thai, bế ra cổng đi vài vòng …
          Cạo bỏ tóc thai gọi là “giảo đầu” 铰头, “lạc thai phát” 落胎发, nghi thức cạo đầu rất long trọng, nghiêm túc. Cạo đầu cũng có quy củ nhất định. Một số nơi mời 3 cô gái trẻ hàng xóm, tay cầm kéo cắt tượng trưng 3 lần, sau đó người mẹ sẽ cắt cho em bé. Một số địa phương khi cạo đầu lưu lại chỏm tóc trên trán gọi là “thông minh phát” 聪明发, chừa một nhúm phía sau ót gọi là “sanh căn phát” 撑根发, toàn bộ lông mày cũng được cạo sạch. Tóc thai của em bé gọi là “huyết phát” 血发, vì nhận từ cha mẹ nên khi cạo bỏ phải chừa lại một ít để tỏ lòng hiếu kính, tóc đã cạo được thu cất cẩn thận. Có nơi đem tóc thai đó bọc lại trong vải đỏ, đính vào dưới gối của em bé, có nơi đem vo thành khối tròn dùng chỉ màu kết lại rồi treo ở đầu giường để trừ tà. Ở một số nơi nghi thức cạo bỏ tóc thai lại do người cậu của em bé chủ trì, hoặc nghi thức có người cậu tham gia vào: nếu cậu không đến, thì vo một nắm tỏi đã giã để biểu thị người cậu có mặt. Tập tục này có thể xem là những gì còn sót lại của xã hội mẫu hệ.
          Tập tục ra cửa là do bà ngoại hoặc người cậu bế em bé ra đầu ngõ hoặc đến hàng xóm đi vài vòng. Do bởi là lần đầu tiên em bé ra khỏi nhà, cần phải “hướng thượng tẩu” 向上走 (đi lên), nên cũng phải chọn nhà hàng xóm có địa thế cao hơn mà đi đến, ngụ ý tương lai em bé sẽ từng bước từng bước đi lên.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- QUAN ĐAO 关刀: một loại đao có cán dài tương truyền do Quan Công 关公 sáng chế ra nên có tên như thế.
(2)- KHOÁ BẢN MỆNH: tức “trường mệnh toả” 长命锁.
          Tiền thân của “trường mệnh toả” là “trường mệnh lũ” 长命缕, nên cũng gọi là “trường mệnh lũ”, còn có những tên khác như: “trường sinh lũ” 长生缕, “tục mệnh lũ” 续命缕, “diên niên lũ” 延年缕, “ngũ sắc lũ” 五色缕, “tịch binh tăng” 辟兵缯, “chu sách” 朱索,, “bách sách” 百索, ngoài ra cũng được gọi là “kí danh toả” 寄名锁, đây là vật trang sức đeo trước ngực em bé. Mọi người cho rằng, chỉ cần đeo vật trang sức này thì có thể trừ được tai hoạ, “khoá” được sinh mệnh. Cho nên nhiều em bé từ khi sinh ra đã đeo “trường mệnh toả” mãi cho đến lúc trưởng thành.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/73763.htm

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 9/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
MÃN NGUYỆT LỄ TỤC
满月礼俗
Trong quyển
TÀI VẬN NHÂN DUYÊN CÁT HUNG HOẠ PHÚC
财运姻缘吉凶祸福
Tác giả: Tôn Bảo Quang 孙保光
Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2007.
Previous Post Next Post