MANG GIÀY VỚI LỄ TIẾT
Hài 鞋 (giày buộc dây) thời cổ còn gọi là “lí” 履, “tỉ” 屣, “lũ” 屦. Dựa theo sự khác nhau về nguyên liệu chế tác và kiểu dáng, còn có thảo hài 草鞋 (giày cỏ), “mộc hài” 木鞋 (guốc gỗ), “bì ngoa” 皮靴 (giày ủng). Ở Trung Quốc cổ đại, mang giày với lễ tiết có mối quan hệ nhất định.
Trước khi sử dụng những loại ghế có chân cao, người xưa đã trải chiếu ngồi. Để không làm bẩn chiếu, khi vào chiếu phải cởi giày. Ngoài ra, do bởi cách ngồi lúc bấy giờ là tư thế quỳ, hai gối chạm đất, phần mông đặt trên hai gót chân, và để tránh làm bẩn quần áo, cũng cần phải cởi giày. Cởi giày khi bước vào nhà người khác không chỉ vì vấn đề vệ sinh mà còn là một hành vi lễ lịch sự mang tính nhã khiết, nếu không, sẽ bị cho là thất lễ. Khi ra cửa đón khách, lại cần phải mang giày, bởi mang giày đón khách cũng cấu thành một nội dung của lễ tiết lúc bấy giờ.
Trong Lễ kí – Khúc lễ thượng 礼记 - 曲礼上 có ghi:
Thị toạ vu trưởng giả, lũ bất thướng vu đường
侍坐于长者, 屦不上于堂
(Khi hầu bậc trưởng thượng, không được mang giày lên nhà)
Ý nói lớp nhỏ khi hầu bậc trưởng thượng nên cởi giày, mà phải cởi ở ngoài cửa, không để giày trong nhà. Trong Trang Tử - Ngụ ngôn 庄子 - 寓言 có thuật câu chuyện của Dương Tử Cư 阳子居 đến thăm Lão Đam 老聃 để cầu học, khi tới lữ xá liền:
Tiến quán sấu cân trất
进盥漱巾栉
(Dâng nước rửa mặt súc miệng, khăn lược)
Thoát lũ hộ ngoại, tất hành nhi tiền
脱屦户外, 膝行而前
(Cởi giày để ngoài cửa, quỳ gối tiến vào)
Nơi trường học, khi học sinh nghe thầy giảng bài cũng như thế, cho nên
Cổ nhân giảng học chi đình, hộ ngoại lũ hằng mãn
古人讲学之庭, 户外屦恒满
(Nơi dạy học của người xưa, ngoài cửa luôn đầy giày dép)
(Phúc Cách 福格: Thính vũ tùng đàm听雨丛谈, quyển 11, “Thoát tích” 脱舄)
Thời Xuân Thu, khi tại tông miếu tế tổ tiên hoặc bề tôi khi gặp chúa thượng, quân vương, không chỉ phải cởi giày mà còn phải cởi cả tất, đi chân đất, đó là lễ tiết tôn kính nhất. Thái Ung 蔡邕, văn học gia thời Đông Hán đón Vương Xán 王粲; Hà Yến 何晏, Lại bộ thượng thư nước Nguỵ đón Vương Bật 王弼, trong sử đều ghi là “đảo tỉ nghinh chi” 倒屣迎之 (mang ngược giày ra đón) (Thái Bình ngự lãm 太平御览, quyển 698. Tỉ 屣), đại khái chỉ để hình dung họ nhiệt tình đón khách, chưa hẳn đã “mang ngược giày”.
Chốn quan trường, việc cởi giày càng thực hiện nghiêm túc, thậm chí được đưa vào trong chế độ lễ nghi của nhà nước. Trong Hán quan cựu nghi 汉官旧仪 quyển thượng chép rằng: thuộc quan duyện sử 掾史 của phủ Thừa tướng lúc bấy giờ khi gặp Thừa tướng phải:
Thoát lí, Thừa tướng lập tịch hậu đáp bái
脱履, 丞相立席后答拜
(Cởi giày, sau khi Thừa tướng đứng dậy phải vái đáp lại)
Triều đình cử hành đại triều nghi, quan viên lên triều diện kiến hoàng đế, phải cởi giày. Chỉ có một số ít đại thần nhận được sự đãi ngộ đặc biệt của hoàng đế có thể mang giày lên điện. Như đầu thời Tây Hán, Thừa tướng Tiêu Hà 萧何 nhân vì có công lớn, Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦 đặc tứ ông có thể đeo kiếm, mang giày vào triều. Tào Tháo 曹操 cuối thời Hán, Tiêu Loan 萧鸾 nước Tề thời Nam triều, Hầu Cảnh 侯景 tướng quốc nước Lương thời Nam triều cũng từng được đặc quyền “kiếm lí thướng điện” 剑履上殿 (đeo kiếm mang giày lên điện). Nghi lễ triều hạ là sau khi hoàng đế ngồi ngự toạ, vương công bách quan khi lên điện, trước tiên phải cởi giày, tháo kiếm, dâng ngọc khuê bích lên hoàng đế. Lễ xong xuống điện, mang giày và đeo kiếm trở lại.
Tế Thiên đế, tổ tông cần phải hết sức thành kính, cho nên giày tất đều phải cởi. Hoàng đế là “thiên tử” cũng cần phải thực hành lễ tiết.
Hoàng đế chí nam giai, thoát lũ, thăng đàn.
皇帝至南阶, 脱屦, 升坛.
(Hoàng đế đến bậc thềm phía nam, cởi giày lên đàn)
sau đó mới quỳ trước bài vị Hoàng Thiên.
(Tống thư 宋书, quyển 14. Nam giao 南郊)
Sau khi ghế thay thế chiếu, việc cởi giày trong lễ tiết cũng dần mất. Triệu Dực 赵翼, sử học gia đời Thanh khi tổng kết lễ tiết này cùng sự biến hoá của nó đã nói:
Cổ giả bản dĩ thoát miệt vi chí kính, kì thứ tắc thoát lí. Chí Đường, tắc tế tổ ngoại, vô thoát lí chi chế.
古者本以脱袜为至敬, 其次则脱履. 至唐, 则祭祖外, 无脱履之制.
(Thời cổ vốn xem việc cởi tất là tôn kính hàng đầu, kế đến mới là cởi giày. Đến thời Đường, ngoài lúc tế tổ ra, không còn chế độ cởi giày)
Sự khái quát này đại để là đúng, như niên hiệu Trinh Quan 贞观 đời Đường Thái Tông, cho phép quan viên mang ủng lên điện. Trước đó, không cho phép mang loại ủng theo kiểu của dân tộc vùng biên giới phía bắc lên điện, từ khi quan Trung thư lệnh Mã Chu 马周 dùng nỉ lót thêm vào, “liền cho phép”. Thời Đường Huyền Tông, thi nhân Lí Bạch 李白 khi hầu hoàng đế uống rượu làm thơ cũng từng mang ủng vào cung, và để làm nhục Cao Lực Sĩ 高力士, từng mượn rượu say, bảo Cao Lực Sĩ cởi ủng cho mình nơi triều đường.
Thời Tống Nhân Tông, Hàn lâm thị độc thị giảng giảng kinh sử cho hoàng đế trong cung, cũng “mang giày mà vào. Đế truyền ngồi, ban cho trà, đến vách phía nam ngồi xuống, sau đó lại đứng lên để giảng”
Sự phổ cập các loại ghế đã khiến cho tập tục ăn ở đi lại của con người có sự thay đổi, quan niệm về lễ tiết cũng theo đó mà thay đổi. Lúc gặp nhau mà cởi giày đi chân đất trở thành là hành vi bất nhã; mang giày để có được sự chỉnh tề trong ăn mặc trở thành hành vi lễ kính. Hơn nữa mang giày gì, mang như thế nào đối với lễ tiết cũng phải chú ý. Kéo lê giày hoặc mang dép lê là cử chỉ không được trang trọng.
Lễ tục cởi giày tuy dần dần biến mất, nhưng trong một vài trường hợp nào đó, vẫn còn bảo lưu lễ chế. Cho nên Triệu Dực 赵翼 cho rằng từ thời Đường “ngoài lúc tế tổ ra, không còn chế độ cởi giày” dường như là hơi tuyệt đối.
Ở những buổi lễ long trọng, trong một thời gian tương đối dài, vẫn theo cổ lễ của thời Hán Nguỵ. Đại triều hội vào dịp Nguyên đán, Đông chí ở thời Đường, lễ nghi quy định các quan viên vào điện:
Chí giải kiếm tịch, thoát tích, giải kiếm
至解剑席, 脱舄, 解剑
(Đến chỗ chiếu tháo kiếm, cởi giày, tháo kiếm)
Bái hạ xong:
Thăng giai, bội kiếm, nạp tích, phục vị.
升阶, 佩剑, 纳舄, 复位
(Lên thềm, đeo kiếm, mang giày, trở về chỗ cũ)
Năm Thiên Thánh 天圣 thứ 5 đời Nhân Tông triều Bắc Tống (năm 1027), đại triều hội Nguyên đán cũng là các quan sau khi đến thềm trước điện:
Thoát kiếm, tích, dĩ thứ thăng, phân đông tây vị.
脱剑, 舄, 以次升, 分东西位.
(Tháo kiếm, cởi giày, sau đó lên điện, phân đông tây hai bên)
Triều hội nghi 朝会仪 ban hành vào thời Tống Thần Tông cũng quy định như thế. Thúc phụ của Nhân Tông là Chu Cung Túc Vương Triệu Nguyên Nghiễm 周恭肃王赵元俨, được ban đặc quyền “kiếm lí thướng điện”. Loại đặc quyền này chỉ thể hiện trong những lễ nghi khánh điển trọng đại, được xem là một vinh dự đặc biệt. Những hiện tượng và quy chế mâu thuẫn nhau ở thời kì Đường Tống này chính là biểu hiện tính phức tạp của giai đoạn giao thoa giữa sự vật cũ và mới.
Từ thời Nam Tống trở về sau, tàn dư lễ chế cởi giày nơi triều đường về cơ bản đã mất. Đến đầu đời Minh, Chu Nguyên Chương 周元璋 quy định
Phàm nhập điện tất lí
凡入殿必履
(Vào điện phải mang giày)
Mang giày lên điện đã trở thành nội dung trong lễ nghi thường triều.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/8/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
HÀI ĐÍCH XUYÊN TRƯỚC DỮ LỄ TIẾT
鞋的穿著与礼节
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật