Dịch thuật: Hoàng Đế có phải là nhân vật trong truyền thuyết?

HOÀNG ĐẾ CÓ PHẢI LÀ
NHÂN VẬT TRONG TRUYỀN THUYẾT?

          Trong các sách vở xưa có cách nói “Tam hoàng ngũ đế” 三皇五帝, trong đó “Ngũ đế” chỉ Thái Hạo 太皋 (1) ở phương đông, Viêm Đế 炎帝 ở phương nam, Thiếu Hạo 少昊 ở phương tây, Chuyên Húc 颛顼 ở phương bắc, Hoàng Đế 黄帝 ở trung ương. Trong truyền thuyết, Hoàng Đế là tổ tiên của dân tộc Trung Hoa, nhưng rốt cuộc Hoàng Đế là người hay là thần? Tại sao lại được gọi là “Hoàng Đế”? Hiện nay vẫn có nhiều cách nói khác nhau.
          Có học giả cho rằng, Hoàng Đế là thần sấm chớp trong truyền thuyết thần thoại, về sau mới quật khởi làm Hoàng Đế ở trung ương. Trương truyền ông ta có 4 mặt, có thể đồng thời nhìn được cả 4 hướng đông tây nam bắc. Bất luận ở đâu phát sinh sự cố đều không thoát khỏi mắt ông. Sau này Hoàng Đế đánh thắng các thiên đế của 4 hướng đông tây nam bắc, lập nên thần quốc của mình.
          Sau khi Hoàng Đế và Viêm Đế đình chiến đã hợp nên liên minh bộ lạc thống nhất, trở thành tổ tiên của dân tộc Trung Hoa. Cho nên, người Trung Quốc ngày nay tự xưng là “con cháu của Viêm Hoàng”
          Cũng có học giả cho rằng, Hoàng Đế kì thực là người, ông ta là vị thủ lĩnh liên minh bộ lạc ở vào giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ. Trong Sử kí – Ngũ đế bản kỉ 史记 - 五帝本纪 chép rằng:
          Hoàng Đế giả, Thiếu Điển chi tử, tính Công Tôn, danh Hiên Viên. Sinh nhi thần linh, nhược nhi năng ngôn, ấu nhi vật (2) tề, trưởng nhi đôn mẫn, thành nhi thông minh. Hiên Viên chi thời, Thần Nông thị thế suy, chư hầu tương xâm phạt, bạo ngược bách tính, nhi Thần Nông thị bất năng chinh, vu thị, Hiên Viên nãi tập dụng can qua, dĩ chinh bất hưởng, chư hầu hàm lai tân tùng.
          黄帝者, 少典之子, 姓公孙, 名轩辕. 生而神灵, 弱而能言, 幼而物 (2) , 长而敦敏, 成而聪明. 轩辕之时, 神农氏势衰, 诸侯相侵伐, 暴虐百姓, 而神农氏不能征, 于是, 轩辕乃习用干戈, 以征不享, 诸侯咸来宾从.
          (Hoàng Đế là con của Thiếu Điển, họ Công Tôn, tên là Hiên Viên. Khi ông mới sinh ra đã có tính cách linh thiêng, lúc còn nằm trong tã đã biết nói, lớn một chút đã nhanh nhẹn, lớn lên siêng năng cần mẫn, thành niên rất thông minh. Thời Hiên Viên, thế lực của Thần Nông đã suy yếu, chư hầu đánh lẫn nhau, làm hại bách tính,Thần Nông không chinh phạt được, vì vậy, Hiên Viên đã dùng vũ lực thảo phạt những chư hầu không triều phục Thần Nông, nhân đó chư hầu đều thần phục nghe theo)
          Những ghi chép này dường như nói rõ Hoàng Đế trong lịch sử là người đầu tiên đã hình thành và phát triển dân tộc Trung Hoa. Vì thế, nói ông ta là người là có lí. Thế thì tại sao ông ta lại được gọi là “Hoàng Đế”?
         Người xưa nói rằng, trong 5 vị thiên đế, Hoàng Đế là vị thủ lĩnh trung ương quản lí cả 4 hướng, và cũng nhân vì chuyên quản lí đất đai, mà đất ở trung nguyên có sắc vàng, cho nên gọi là “Hoàng Đế”. Một số học giả cho rằng, điều này phản ánh vào thời thượng cổ, mọi người sùng bái đất vàng. Trong cổ sử cũng nói ông ta “dĩ thổ đức vi vương” 以土德为王 (lấy thổ đức để làm vương). Người đời sau nhân đó mà sùng thượng sắc vàng, đem sắc vàng tượng trưng cho quyền lực và tôn quý. “Long bào” 龙袍 và “mã quái” 马褂 (3) mà đế vương các đời mặc đều có màu vàng chính là do đây mà ra.
          Trong các điển tịch lịch sử và trong truyền thuyết thần thoại của Trung Quốc đều có nhiều những ghi chép liên quan đến Hoàng Đế, nhưng do bởi thời gian quá lâu, nhiều cách nói đã  không thể khảo chứng. Nhưng, xem Hoàng Đế là thuỷ tổ của dân tộc Trung Hoa là điều không có gì phải nghi ngờ.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Theo Lễ kí – Nguyệt lệnh 礼记 - 月令, chữ “Hạo” trong “Thái Hạo” 太昊, giống chữ “Hạo” trong “Thiếu Hạo” 少昊. Riêng ở đây là chữ .
(2)- Với câu “ấu nhi vật tề” 幼而 , một số tư liệu chép là “ấu nhi tuần tề” 幼而, như:
(3)- MÃ QUÁI 马褂: một loại áo ngắn của nam vào đời Thanh, mặc bên ngoài áo dài.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 8/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
HOÀNG ĐẾ THỊ TRUYỀN THUYẾT TRUNG ĐÍCH NHÂN VẬT MẠ
黄帝是传说中的人物吗
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post