HÌNH PHÁP THỜI TIÊN TẦN
Tương truyền trong lịch sử Trung Quốc, trước khi triều đại đầu tiên là nhà Hạ kiến lập, tức thời Ngu Thuấn 虞舜 đã có hình pháp. Cao Dao 皋陶 từng được vua Thuấn trao chức quan nắm giữ hình pháp. Trong Tả truyện – Chiêu Công thập tứ niên 左传 - 昭公十四年 ghi rằng:
“Hạ thư” viết: ‘Hôn, mặc, tặc, sát’. Cao Dao chi hình dã.
“夏书” 曰: ‘昏, 墨, 贼, 杀’. 皋陶之刑也
(Trong “Hạ thư” có nói: Làm điều ác mà trộm lấy tiếng tốt của người khác (hôn), tham không biết chán làm bại hoại kỉ cương (mặc), phóng túng giết người không sợ (tặc), 3 tội này đều phải xử tử’. Đó là hình pháp do Cao Dao đặt ra)
Hình pháp nhà Hạ gọi là “Vũ hình” 禹刑. Sở dĩ gọi là “Vũ hình” đó là gọi chung pháp luật của nhà Hạ, không nhất định phải là những định chế của vua Vũ 禹. Trong sách cổ có ghi:
Hạ Hậu nhục tịch tam thiên
夏后肉辟三千
(Nhục hình đời nhà Hạ có 3 ngàn điều)
Hạ Hậu thị chính hình hữu ngũ, khoa điều tam thiên.
夏后氏正刑有五, 科条三千
(Nhà Hạ có 5 chính hình, 3 ngàn điều mục)
Hạ hình tam thiên điều
夏刑三千条
(Hình phạt nhà Hạ có 3 ngàn điều)
e rằng là của người đời sau suy đoán, chưa đáng tin. Để tăng thêm uy lực của hình pháp, nhà Hạ thường lấy danh nghĩa “thiên” để thực hành sự trừng phạt, gọi là “thiên thảo” 天讨, “thiên phạt” 天罚. Hình phạt thời bấy giờ tương đối tàn khốc, động một tí là “tru”, “sát” hoặc phạt làm nô lệ. Như, đối với người không phục tùng quân lệnh, cự tuyệt chiến đấu, không chỉ trừng phạt riêng bản thân người đó mà còn giết cả vợ con.
Hình pháp đời Thương có sự phát triển tương đối mới so với đời Hạ. Trong Tả truyện – Chiêu Công lục niên 左传 - 昭公六年 ghi rằng:
Thương hữu loạn chính, nhi tác Thang hình
商有乱政, 而作汤刑
(Đời Thương vì chính sự biến loạn nên đặt ra Thang hình)
Thang 汤 là người sáng lập ra nhà Thương, “Thang hình” 汤刑 chỉ pháp luật của cả đời Thương, hoặc nhân vì lúc chế định ra vào thời vua Thành Thang cho nên lấy “Thang” để đặt tên. Do bởi pháp luật đời Thương (Ân) bước đầu có quy mô, nên đến thời kì đầu của nhà Chu vẫn dùng pháp luật nhà Ân để thống trị đám di dân người Ân, tức hình phạt xét xử vẫn theo luật pháp nhà Ân.
Đối với hành vi nguy hại đến trật tự xã hội, giai cấp thống trị nhà Thương xử phạt rất nặng. Nhìn từ Giáp cốt văn ở Ân Khư 殷墟, đời Thương dường như đã có ngũ hình: mặc 墨, tị 劓, ngoạt 刖, cung 宫, đại tịch 大辟
- Mặc 墨: còn gọi là “kình” 黥, tức chạm khắc vào da thịt rồi bôi mực lên. Có người cho rằng chữ mà chữ 妾 (thiếp), chữ 童 (đồng) đi theo trong giáp cốt văn giống loại hình cụ dùng cho tội “mặc”.
- Tị 劓: tức xẻo mũi. Trong giáp cốt văn có chữ 自, chữ 自 vốn tượng hình cái mũi. Chữ 劓 có nghĩa phù là 自 (tị) và 刀 (đao), tượng trưng ý xẻo mũi
- Ngoạt 刖: tức chặt chân. Trong giáp cốt văn có chữ giống dùng cưa cưa đứt chân người.
- Cung 宫: con trai bị cắt sinh thực khí, con gái bị u bế. Trong giáp cốt văn có chữ giống dùng dao cắt sinh thực khí.
- Đại tịch 大辟: tức “sát”, “trảm”. Chữ 伐 (phạt) trong giáp cốt văn giống hình dùng cái qua chặt đầu người.
Cuối đời Thương, giai cấp thống trị còn dùng nhiều hình phạt tàn bạo khác. Vua Trụ 纣 đặt ra “bào lạc chi pháp” 炮烙之法, tức bôi dầu lên trụ đồng, đốt than lên cho đỏ , bắt tội nhân đi trên đó, tội nhân té vào đống than. Giai cấp thống trị nhà Thương còn cho xây nhà ngục khắp nơi, dùng hình cụ trói tù phạm. Chữ mà chữ 执 (chấp), 圉 (ngữ) đi theo trong giáp cốt văn, tức chữ 梏 (cốc) trong các sách cổ, có nghĩa là loại hình cụ dùng để cùm tay. Trong Chu lễ - Chưởng tù 周礼 - 掌囚, Trịnh Huyền 郑玄 chú rằng:
Tại thủ viết cốc, tại túc viết trất
在手曰梏, 在足曰桎
(Hình cụ cùm tay gọi là “cốc”, hình cụ cùm chân gọi là “trất”)
Thời Tây Chu, chế độ nhà nước đã hoàn thiện thêm một bước, chế độ pháp luật cũng có sự phát triển mới. Tương truyền khi nhà Tây Chu lập quốc đã có 9 thiên “Hình thư” 刑书. Thời Chu Mục Vương 周穆王, quan Tư khấu là Lữ Hầu 吕侯 đã làm ra “Lữ hình” 吕刑. Cuối đời nhà Thương nhân vì đặt nặng hình phạt nên những cuộc phản kháng kịch liệt của nhân dân nổi lên trở thành tấm gương soi, giai cấp thống trị nhà Chu nhận thức được chỉ dựa vào bạo lực trấn áp thì không thể duy trì sự thống trị, vì thế đã đề ra chủ trương “minh đức thận phạt” 明德慎罚 (làm sáng tỏ đức, cẩn thận trong hình phạt), sản sinh ra tư tưởng mục đích hình phạt là ở chỗ ngăn ngừa tội phạm, trong hình pháp sơ bộ phân biệt tội do cố ý (phi sảnh 非眚) và tội do sơ suất (sảnh 眚), tội nhất quán và tội ngẫu nhiên phạm phải. Đối với tội cố ý và nhất quán, tuy là tội nhỏ nhưng cũng xử trọng hình; tội do sơ suất và do ngẫu nhiên phạm phải cho dù tình tiết nghiêm trọng cũng có thể xem xét để giảm nhẹ hình phạt. Lúc bấy giờ còn đề xuất khái niệm định tội tương đối rõ, như:
Huỷ tắc vi tặc, yểm tặc vi tàng, thiết hối vi đạo, đạo khí vi gian.
毁则为贼, 掩贼为藏, 贿为盗, 盗器为奸
(Phá hoại phép tắc là tặc, che dấu tặc là tàng, ăn trộm của cải là đạo, ăn trộm báu vật là gian)
Chủ trương xử án định tội cần phải có căn cứ sự thực. Những kiện tụng liên quan đến ngũ hình cũng cần phải có những chứng cứ đáng tin mới có thể thực hiện hình phạt. Đối với những án còn nghi ngờ cần phải thận trọng xử lí. Thời Tây Chu, một số nguyên tắc hình pháp được xác lập trên cơ sở tư tưởng “minh đức thận hình” 明德慎刑, “thứ ngục thứ thận” 庶狱庶慎 (những việc liên quan đến hình ngục và những điều cẩn thận khi trừng phạt), là sự phát triển to lớn trong lí luận hình pháp cổ đại Trung Quốc.
Thời Tây Chu, để tăng cường địa vị thống trị của quốc quân, phàm có hành vi xâm phạm đến quân chủ đều bị cho là tội phạm nghiêm trọng nhất, phải dùng hình phạt nặng nhất để xử, cho nên:
Phóng thí kì quân tắc tàn chi
放弑其君则残之
(Những kẻ đày vua hoặc giết vua phải xử tử)
Để duy trì sự thống trị thế tập, tăng cường chế độ đẳng cấp tông pháp, thời Tây Chu còn xuất hiện các tội danh như : “bất hiếu” 不孝, “bất đễ” 不悌, “bất mục” 不睦, “bất nhân” 不姻, “bất kính tổ” 不敬祖… “Bất hiếu bất hữu” 不孝不友, “nguyên ác đại đỗi” 元恶大憝 đều phải chịu hình phạt không thể tha thứ. Để bảo vệ tài sản riêng của quý tộc không bị xâm phạm, hình pháp đời Chu quy định xâm phạm tài sản riêng sẽ xử tử hình.
Dựa vào những sách cổ và những minh văn trên đồ đồng chúng ta có thể biết, thời Tây Chu ngoài “ngũ hình” ra còn có những hình phạt như “tiên” 鞭, “thục” 赎 …
Tiên (tức đánh roi), tương truyền trước đời Chu đã có hình phạt này. Cuối thời Tây Chu, ở minh văn trên cái “di” 匜 bằng đồng có ghi: “tiên nhữ thiên” 鞭汝千 (đánh ngàn roi), “tiên nhữ ngũ bách” 鞭汝五百 (đánh năm trăm roi), chứng tỏ thời Tây Chu đã dùng hình phạt này.
Thục là loại hình phạt dùng tài vật để thay cho nhục hình hoặc tử hình. Trong Thượng thư – Lữ Hình 尚书 - 吕刑 có ghi:
Mặc tịch nghi xá, kì phạt bách hoàn
墨辟疑赦, 其罚百锾
(Tội mặc còn ngờ được tha, phạt một trăm hoàn)
Đại tịch nghi xá, kì phạt thiên hoàn
大墨辟疑赦, 其罚千锾
(Tội chết còn ngờ được tha, phạt một ngàn hoàn)
Và với câu trên cái “di” bằng đồng phù hợp với những ghi chép trong “Lữ hình”
Kim đại xá nhữ, tiên nhữ ngũ bách, phạt nhữ tam bách hoàn
今大赦女, 鞭女五百, 罚女三百锾.
(Nay tha cho ngươi, phạt đánh ngươi 500 roi, phạt tiền ngươi 300 hoàn)
Đầu thời Xuân Thu các nước chư hầu về cơ bản vẫn theo pháp luật thời Tây Chu, từ giữa thời Xuân Thu trở về sau, sự thay đổi sâu sắc về chính trị xã hội, kinh tế đã thúc đẩy sự thay đổi chế độ pháp luật. Giai cấp thống trị chấp chính các nước chư hầu thích ứng với hình thế mới, lần lượt công bố những luật pháp thành văn mới. Trong Tả truyện – Chiêu Công lục niên 左传 - 昭公六年 có ghi:
Trịnh nhân chú hình thư
郑人铸刑书
(Người nước Trịnh đúc hình thư)
Đỗ Dự 杜预 đã chú rằng:
Chú hình thư vu đỉnh, dĩ vi quốc chi thường pháp
铸刑书于鼎, 以为国之常法
(Đúc hình thư vào đỉnh, làm thường pháp của nước)
30 năm sau, quan Đại phu nước Trịnh là Đặng Tích 邓析 để quán triệt chủ trương của mình, từng tự mình sửa đổi cựu pháp, biên soạn hình thư. Nhân vì được chép ở thẻ tre nên sử gọi là “Trúc hình”. Về sau được nước Trịnh dùng. Kế tiếp nước Trịnh đúc hình thư, vào năm 513 trước công nguyên, Triệu Ưởng 赵鞅, Tuân Dần 荀寅 nước Tấn cũng đem những pháp luật được chế định thời Phạm Tuyên Tử 范宣子执政 đúc trên đỉnh, sử gọi là “Hình đỉnh”.
“Hình thư”, “Trúc hình”, “Hình đỉnh” đều không tồn tại. Nhưng nhìn từ chính sách được thực hành, tân pháp mà các nước thời Xuân Thu ban hành, chắc chắn là có lợi cho sự phát triển xã hội. Hơn nữa bản thân việc công bố pháp luật thành văn đã đột phá được truyền thống cũ “hình bất khả tri, tắc uy bất khả trắc” 刑不可知, 则威不可测 (hình phạt không thể biết, uy không thể lường), đây là đòn đánh mạnh vào đặc quyền pháp luật mà giới quý tộc lũng đoạn.
Thời Chiến quốc, các nước chư hầu kế tục trào lưu công bố pháp luật thành văn từ giữa thời Xuân Thu trở về sau, lần lượt chế định về thực chất là pháp luật nhà nước quân chủ chuyên chế. Thời Nguỵ Văn Hầu 魏文侯, Lí Khôi 李悝 soạn “Pháp kinh” 法经, đây là tập đại thành lập pháp các nước từ thời Xuân Thu trở đi. “Pháp kinh” phân làm 6 thiên: đạo 盗, tặc贼, tù 囚, bộ 捕, tạp 杂, cụ 具. 4 thiên đầu là “chính luật”, nội dung chủ yếu là những quy định luật pháp trừng trị tội “đạo” “tặc”. Còn “tạp luật” quy định các loại tội danh và hình phạt khác trừ “đạo” “tặc” ra. “Giảm luật” là những quy định căn cứ vào những tình tiết khác nhau mà tăng nặng hoặc giảm nhẹ xử phạt. Sự xuất hiện của “Pháp kinh” là bước phát triển to lớn trong lịch sử pháp chế cổ đại Trung Quốc. Về đại thể, “Pháp kinh” lấy tội danh làm cương, gọi là “giai tội danh chi chế”, so với trước đó lấy hình danh để gọi tội danh, tức xử tội danh có hình phạt tương đồng đưa vào cùng một chương một tiết, càng khoa học hơn. “Pháp kinh” lấy hình pháp làm chủ, có thêm hệ thống tố tụng pháp và nội dung các pháp luật khác, có ảnh hưởng rất lớn đối với lập pháp đời sau.
Thời Chiến quốc, , tư tưởng tội nhẹ cũng dùng trọng hình và “dĩ hình chỉ hình” 以刑止刑 (dùng hình phạt để ngăn chận hình phạt) của Pháp gia đã ảnh hưởng đến hình pháp, cực kì tàn khốc, cho nên có cách nói:
Chiến quốc chi thế, hình pháp thâm khổ
战国之世, 刑法深苦
(Thời Chiến quốc, với hình pháp vô cùng khổ sở)
Lấy nước Tần làm ví dụ, hình phạt lúc bấy giờ đã có sự phân loại đồ hình và tử hình. Trong đồ hình có “lệ thần, thiếp” 隶臣, 妾, “quỷ tân” 鬼薪, “bạch xán” 白粲, “thành đán, thung” 城旦, 舂. Khi phán xử đồ hình thường gia thêm nhục hình, như “kình vi lệ thần” 黥为隶臣, “hình vi quỷ tân” 刑为鬼薪, “kình tị vi thành đán” 黥劓为城旦. Phán xử tội phạm đồ hình, trên thực tế chính là nô lệ phục dịch ở phủ quan. Tử hình có xe xé xác, mổ bụng, chặt đầu, chém ngang lưng, rút gân, bỏ vạc nấu … Ngoài ra còn có quy định “di tam tộc” và chịu liên luỵ.
Bộ pháp luật thành văn cổ nhất hiện tồn ở Trung Quốc là bản sao bộ phận luật đời Tần được phát hiện nơi mộ đời Tần ở Thuỵ Hổ địa 睡虎地, huyện Vân Mộng 云梦, tỉnh Hồ Bắc 湖北 vào những năm 70 của thế kỉ 20. Các điều đa phần được chế định vào thời Chiến quốc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/8/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TIÊN TẦN HÌNH PHÁP
先秦刑法
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật