Dịch thuật: Vọng Giang Nam (Ôn Đình Quân)


望江南
        梳洗罢, 独倚望江楼, 过尽千帆皆不是, 斜晖脉脉水悠悠. 肠断白蘋洲
                                                 (温庭筠) (1)
VỌNG GIANG NAM
          Sơ tẩy bãi, độc ỷ vọng giang lâu. Quá tận thiên phàm đô bất thị, tà huy mạch mạch thuỷ du du. Trường đoạn bạch tần châu.
                                                                                                 (Ôn Đình Quân) (1)
VỌNG GIANG NAM
          Sáng sớm điểm trang xong, một mình lên lầu bên sông trông ngóng. Những chiếc thuyền đi qua đều không phải thuyền đang mong đợi. Ánh nắng chiều bàng bạc mặt nước mênh mông. Đau lòng nhìn bãi bạch tần.

          Chỉ có 27 chữ, bài từ đã bộc lộ hết nỗi lòng của những tư phụ (thiếu phụ mong chồng đi xa trở về) xưa nay.
          Từ của Phi Khanh đa phần sâu kín hàm súc, uyển chuyển, nhưng bài từ này lại tươi sáng trong trẻo, linh hoạt mẫn tiệp. Mở đầu 8 chữ, viết về việc tư phụ chuyên tâm điểm trang và lòng mong được trùng phùng. Sáng sớm tư phụ đã một mình lên lầu trông ngóng, mỗi chiếc thuyền qua đều chăm chú nhìn xem, hân hoan chờ đợi. Nhưng thất vọng rồi lại thất vọng, ngàn cánh buồm qua đi cũng chưa thấy thuyền của người chồng đi xa trở về. Và cứ như thế mà đứng đợi, không biết rằng ánh nắng chiều đã buông phủ trên sông, giòng nước xanh mênh mông cứ tuôn chảy về đông. Tạ Tuyên Thành 谢宣城 (2) từng viết:
Thiên tế thức quy chu,
Vân trung biện giang thụ.
天际识归舟
云中辨江树
(Nơi chân trời xa nhìn thấy thuyền trở về
Trong đám mây khó phân biệt hàng cây bên sông
Nói lên niềm vui nhìn thấy thuyền trở về. Ở bài từ này đã dùng ngược lại ý đó, ý ở chỗ làm nổi bật mối sầu. Câu của Tiểu Tạ vốn là tuyệt xướng, nên ở đây không cần phải điểm tô thêm, người đọc tự lĩnh hội. Đoạn kết bài từ là “trường đoạn” 肠断, có thể biết “bạch tần châu” 白蘋洲 là chốn thương tâm. Triệu Trưng Minh 赵徵明 đời Đường trong bài Tư quy 思归 có viết:
Do nghi vọng khả kiến
Minh nguyệt thướng cao lâu
Duy kiến phân thủ xứ
Bạch tần mãn phương châu.
犹疑望可见
明月上高楼
惟见分手处
白蘋满芳洲
Cứ ngỡ ngóng nhìn có thể thấy
Nên trong đêm trăng sáng lên lầu cao
Chỉ thấy nơi từng chia tay
Rau tần trắng mọc đầy cả bãi thơm.
          Duyên do sự tình không nói rõ, nỗi lòng mong nhớ của tư phụ dồn hết vào đám cỏ thơm nơi bãi xa, dồn hết vào đám hoa tần đang đong đưa trong gió …
          Trong lịch sử của từ, Ôn Phi Khanh có địa vị rất cao, không chỉ Hoa gian tập 花间集 xếp ông lên đầu, mà các nhà bình luận đời sau cũng cho rằng ông là nhân vật trọng yếu trong lịch sử của từ. Trong những bài từ do ông sáng tác, người đọc có thể nhìn thấy “li tao”, nhìn thấy phong nhã tỉ hứng, nhìn thấy độc thiện kì thân, cho dù Ôn Phi Khanh vô tình hay hữu ý, vô hình trung đã đề cao địa vị của từ, người đọc không thể đơn thuần xem chúng là những tục khúc diễm ca không có ý nghĩa.
          Đương thời Ôn Phi Khanh sáng tác từ không được mọi người coi trọng, nhưng về sau thì khác, do bởi thành tựu ở từ quá cao, thậm chí che lấp thi danh của ông, kì thực những sáng tác về thơ của Phi Khanh cũng đáng được khen ngợi, đặc biệt là 2 câu trong bài Thương sơn tảo hành 商山早行:
Kê thanh mao điếm nguyệt
Nhân tích bản kiều sương
鸡声茅店月
人迹板桥霜
(Tiếng gà từ ngoài điếm xa vang đến, bầu trời hãy còn vầng trăng khuyết,
Trên chiếc cầu gỗ còn chưa tan những giọt sương đã in dấu chân người đi.)
Hai câu nói lên nỗi vất vả khi phải ra đi từ sáng sớm này rất được mọi người thán phục. Trích dẫn ra ở đây:
- Một là để có thể thấy các bình luận gia đa phần là vì người mà phế bỏ lời của họ, tuy không phải là dĩ ngoa truyền ngoa, nhưng cũng đủ để oan uổng tiền nhân. Ôn Phi Khanh tuy không phải là bậc đạo đức quân tử gì, nhưng tuyệt nhiên không phải là kẻ tiểu nhân bỉ lậu. Cái mũ “vô hạnh văn nhân” 无行文人 ngày nay xem ra có lẽ phải phản chứng cá tính độc đáo của Phi Khanh.
- Hai là nhiều người biết đến 2 câu đó nhưng không biết ai là tác giả, nêu ra đây cũng xem như là tuyên truyền cho Phi Khanh, để hoàn thiện tư thế của ông.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- ÔN ĐÌNH QUÂN 温庭筠 (812 – 870): vốn tên là Kì , tự Phi Khanh 飞卿, người Thái Nguyên 太原 (nay là huyện Kì tỉnh Sơn Tây 山西). Lúc trẻ cậy tài, “có thể theo tiếng đàn tiếng sáo mà làm ra những bài từ diễm lệ phù hoa”, cũng vì ngỗ ngược với bọn quyền quý nên nhiều lần thi nhiều lần không đậu. Mỗi lần vào thi, làm phú theo vần do quan đề ra, ông đan tay 8 lần làm thành bài phú, lúc bấy giờ người đời gọi ông là “Ôn bát xoa” 温八叉. Ôn Đình Quân và Lí Thương Ẩn 李商隐 đều nổi tiếng, thế xưng là “Ôn Lí”, khi vịnh sử, vịnh vật, thường phát
xuất niềm cảm khái có tài nhưng không gặp được thời.
          (Nguồn Đường thi tam bách thủ 唐诗三百首, Nhiếp Xảo Bình 聂巧平 chú dịch. Sùng văn thư cục, 2003, trang 228.)
(2)- TẠ TUYÊN THÀNH 谢宣城: tức Tạ Thiếu 谢朓 (464 – 499), tự Huyền Huy 玄晖 người thời Nam triều. Ông từng làm Thái thú ở Tuyên Thành 宣城 nên người đời gọi ông là Tạ Tuyên Thành. Tạ Thiếu và Tạ Linh Vận 谢灵运 là cùng một tộc, nên được gọi là “Nhị Tạ”, Tạ Linh Vận là Đại Tạ, Tạ Thiếu là Tiểu Tạ.

                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn, 15 / 7 / 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
VỌNG GIANG NAM
望江南
Trong
ĐƯỜNG TỐNG TỪ NHÂN
DANH GIA DANH TÁC THƯỞNG ĐỘC
唐宋词人名家名作赏读
Lí Ngọc Trân 李玉珍
Chủ biên: Lí Vĩnh Điền 李永田, Đổng Hi Bình 董希平
Tuyến trang thư cục, 2007
Previous Post Next Post