Dịch thuật: Sàng từ đời Hán trở về trước

SÀNG TỪ ĐỜI HÁN TRỞ VỀ TRƯỚC

          Lịch sử về chiếc sàng của Trung Quốc có từ rất lâu, theo truyền thuyết Thần Nông 神农 phát minh ra sàng; Thiếu Hạo 少昊 chế ra “trách sàng” 箦床 (Quảng bác vật chí 广博物志, quyển 39). Những ghi chép trong sử sách có liên quan đến sàng cũng rất nhiều, như trong Chiến quốc sách – Tề sách 战国策 - 齐策 có ghi:
Mạnh Thường Quân xuất hành quốc, chí Sở, hiến tượng nha sàng.
孟尝君出行国, 至楚, 献象牙床
 (Mạnh Thường Quân chu du các nước, đến nước Sở, vua Sở tặng chiếc tượng nha sàng)
Trong Tây kinh tạp kí 西京杂记:
Vũ đế vi thất bảo sàng, thiết vu Quế cung.
武帝为七宝床, 设于桂宫
(Vũ Đế làm ra thất bảo sàng, đặt ở Quế cung)
          Ngoài ra còn có Chu lễ 周礼, Nhĩ nhã 尔雅, Xuân Thu Tả truyện 春秋左传, Thương Tử 商子, Liệt tiên truyện 列仙传, Hán Vũ Đế nội truyện 汉武帝内传, Yên thư 燕书 … đều có miêu tả về sàng.
          Vật thực liên quan đến sàng có thể lấy chiếc sàng gỗ sơn thời Chiến quốc phát hiện tại Tín Dương 信阳 Hà Nam 河南 làm đại biểu. Chiếc sàng này là vật thực sớm nhất được thấy hiện nay. Nó dài 218cm, rộng 139cm, có 6 chân, chân cao 19cm. Mặt sàng được trải những tấm giát, bốn phía của sàng có thành sàng, mặt trước và mặt sau chừa một khoảng trống để tiện lên xuống. Thân sàng có hoa văn, công nghệ rất tinh xảo, trang sức hoa lệ, cho thấy sàng lúc bấy giờ đã tương đối phổ biến.
          Lưu Hi 刘熙 đời Hán trong Thích danh – Sàng thiên 释名 - 床篇 đã viết:
Sàng, trang dã, sở dĩ tự trang tái dã.
, 装也, 所以自装载也.
(Sàng là chứa đựng, là vật mà mình tự ở trên đó)
          Và:                               Nhân sở toạ ngoạ viết sàng
人所坐卧曰床
(Vật mà người ngồi hoặc nằm lên gọi là sàng)
          Trong Thuyết văn 说文 có câu:
Sàng, thân chi an dã.
, 身之安也
(Sàng là vật mà ở đó thân mình được yên ổn)
          Trong Thi – Tiểu nhã – Tư can - 小雅 - 斯干:
Tái tẩm chi sàng
载寝之床
(Nằm ngủ trên sàng)
          Trong Thương Quân thư 商君书:
Nhân quân xử khuông sàng chi thượng, nhi thiên hạ trị.
人君处匡床之上, 而天下治
(Bậc đế vương ở trên khuông sàng mà thiên hạ được bình trị)
Khuông sàng ở đây chỉ dụng cụ để ngồi. Sàng mà có thể nằm đương nhiên có thể dùng để ngồi, còn loại sàng chuyên để ngồi đa phần tương đối nhỏ, không thể dùng để nằm. Khuông sàng chỉ loại sàng nhỏ hình vuông dành cho một người ngồi, tức “độc toạ sàng” 独坐床. Những ghi chép trong sử sách về khuông sàng có rất nhiều, như trong Tề vật luận 齐物论 của Trang Tử 庄子:
Dữ vương đồng khuông sàng, thực sô hoạn
与王同匡床, 食刍豢
(Cùng với vua chung khuông sàng, ăn món ngon)
          Trong Hoài Nam Tử - Thuyên ngôn 淮南子 - 诠言:
Tâm hữu ưu giả, khuông sàng nhẫm tịch, phất năng an dã.
心有忧者, 匡席衽席, 弗能安也
(Trong lòng lo âu, cho dù có khuông sàng nhẫm tịch cũng không thể yên)
          Có thể thấy, khuông tịch cũng là một loại chuyên để ngồi, đã sử dụng phổ biến vào thời Xuân Thu Chiến quốc.
          Đến thời Hán, với danh xưng “sàng”, phạm vi sử dụng càng rộng hơn. Không chỉ có vật để nằm, ngồi mới gọi là sàng, mà những vật dụng khác đa số cũng được gọi là sàng, như sơ tẩy sàng 梳洗床, hoả lô sàng 火炉床, cư sàng 居床, y sàng 欹床, sách sàng 册床… Có người còn xem con ngựa là sàng gọi là “nhục Hồ sàng” 肉胡床.
          Hậu kì thời Tây Hán lại xuất hiện danh xưng “tháp” , chỉ một loại dùng  để ngồi. Trong Thích danh 释名 ghi rằng:
Trường hiệp nhi ti giả viết tháp.
长狭而卑者曰榻
(Loại dài hẹp mà thấp gọi là tháp)
          Trong Thông tục văn 通俗文 cũng nói:
Tam xích ngũ viết tháp, độc toạ viết bình, bát xích viết sàng.
三尺五曰榻, 独坐曰枰, 八尺曰床.
(Loại 3 thước 5 gọi là tháp, loại chỉ riêng ngồi gọi là bình, loại 8 thước gọi là sàng)
          Tháp là một loại sàng, ngoài đặc điểm thấp nhỏ so với các sàng thông thường khác, những điểm khác đều không có sai biệt gì lớn, cho nên mọi người quen gọi chung là sàng tháp. Khảo cổ khai quật đã cung cấp cho chúng ta những tư liệu hình tượng liên quan đến tháp. Như hai tháp ở bức bích hoạ trong mộ đời Hán tại huyện Vọng Đô 望都 Hà Bắc 河北, trên hai tháp có 2 người ngồi: Chủ kí sử 主记史 và Chủ bộ (bạ) 主簿 (Văn vật tham khảo tư liệu 文物参考资料 năm 1959, kì 12); tháp nhỏ độc toạ ở bức bích hoạ trong mộ đời Hán Nguỵ tại Bổng Đài Tử 棒台子 Liêu Dương 辽阳 (Vương Tân Tăng 王新增: Liêu Dương thị Bổng Đài Tử nhị hiệu mộ bích hoạ 辽阳市棒台子二号墓壁画, đăng trên tạp chí Khảo cổ 考古, năm 1960, kì 1); Toạ tháp ở bức vẽ trong mộ đời Hán tại Mâu thôn 矛村 Từ Châu 徐州 (Giang Tô tỉnh Văn Quản hội: Giang Tô Từ Châu Hán mộ hoạ tượng thạch 江苏徐州汉墓画象石, Khoa học xuất bản xã, năm 1959); Tháp nhỏ bằng gỗ sơn ở mộ Tư Mã Kim Long 司马金龙 thời Bắc Nguỵ tại Đại Đồng 大同. Những văn vật phát hiện được cũng nhiều, như tháp bằng đá đào được tại mộ số 2 ở huyện Vọng Đô 望都 Hà Bắc 河北; Tháp nhỏ đào được tại mộ thời Tấn ở phía bắc khuôn viên Đại học Nam  Kinh (Nam Kinh Đại học bắc viên Đông Tấn mộ 南京大学北园东晋墓, đăng trên Văn vật 文物  năm 1973, kì 4); tháp bằng gốm đào được tại mộ số 7 thời Tấn ở Tượng Sơn 象山 Nam Kinh 南京 (Nam Kinh Tượng Sơn ngũ hiệu, lục hiệu, thất hiệu mộ thanh lí giản báo 南京象山五号六号七号墓清理简报, đăng trên Văn vật 文物  năm 1972, kì 11). Những tháp này có 2 dạng: hình vuông và hình chữ nhật. Dựa vào hình dáng và thước tấc, chúng đều là loại “độc toạ tháp” dành riêng cho 1 người sử dụng. Trên thực tế, độc toạ tháp và độc toạ sàng trước thời Hán là cùng một vật. Từ đời Hán trở về sau, “sàng” chuyên chỉ loại dụng cụ dùng để nằm ngủ, còn “tháp” cũng trở thành danh xưng đặc định riêng chỉ dụng cụ ngồi dành cho nghỉ ngơi hoặc dùng để đãi khách.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 21/7/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
HÁN ĐẠI DĨ TIỀN ĐÍCH SÀNG
汉代以前的床
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI GIA CỤ
中国古代家具
Tác giả: Hồ Đức Sinh 胡德生
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1997.
Previous Post Next Post