Dịch thuật: Những cấm kị ở trà là sản vật trà sự đưa vào hoạt động Phật sự

NHỮNG CẤM KỊ Ở TRÀ 
LÀ SẢN VẬT TRÀ SỰ
 ĐƯA VÀO HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ

          Những cấm kị ở trà có nguồn gốc sâu xa với thiền tông, nó là một cống hiến của thiền tông đối với văn hoá trà.
          Đơn thuần nhìn từ tính chất của trà, trà là vật thanh khiết. Như Vi Ứng Vật 韦应物 trong bài Hỉ viên trung trà sinh 喜园中茶生 đã vịnh:
Khiết tính bất khả ô,
Vi ẩm địch trần phiền;
Thử vật tín linh vị,
Bản tự xuất sơn nguyên.
洁性不可污
为饮涤尘烦
此物信灵味
本出自山原
Tính chất thanh khiết không bị nhuốm bẩn
Đem làm thức uống có thể rửa được bụi phiền
Thức uống có mùi vị thơm ngon này
Vốn mọc nơi núi cao, đồng nội
Bài thơ chỉ ra tính thuần chất của trà, không hoà lẫn với các loại khác, nếu không như thế, vị của trà sẽ không được thuần khiết. Có thể thấy, trong quan niệm của mọi người, trà là vật thần thánh không bị nhiễm, tượng trưng cho sự cao khiết không tì vết. Thông qua trà sự, mọi người có thể làm sạch thân tâm, tẩy trừ phiền não để đạt đến một cảnh giới nào đó. Ở Trung Quốc, trước khi có thiền tông đã có trà, trà được xem là một loại vật chất. Sau khi bước vào thiền tông, lĩnh vực tinh thần tương đối huyền diệu, trà đã được phú cho một số những cấm kị, khiến cho nó có sắc thái của một loại thức uống tinh thần. Và khi trà từ lĩnh vực tôn giáo bước ra lại xã hội, đã sản sinh ảnh hưởng và tác dụng cực lớn đối với thú uống trà của văn nhân sĩ đại phu.
          Thiền tông có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc cổ đại, và thiền tông có phương thức tu hành đặc biệt. Phương thức tu hành này quyết định việc sản sinh những cấm kị ở trà. Theo truyền thuyết, Phật tổ thuyết pháp ở Linh Sơn (灵山), từng nâng cành hoa lên hiểu dụ chúng tăng. Chúng tăng không ai hiểu sự huyền diệu bí ẩn, duy chỉ có Tôn giả Ca Diếp 迦叶 mặc nhiên lĩnh hội mỉm cười. Phật tổ rất tán thưởng vị đệ tử thông minh này, đã “dĩ tâm truyền tâm” truyền Phật pháp cho Ca Diếp, Ma Ha Ca Diếp 摩诃迦叶 chính là vị tổ sư đầu tiên của thiền Tông. Câu chuyện Phật học này hàm ẩn một cách khéo léo mấy đặc điểm cơ bản của thiền tông:
          - Đầu tiên, nhìn từ thiền tông, ngã tâm tức Phật, Phật tức ngã tâm, nhật nguyệt tinh thần, sơn hà đại địa, khách thể chủ thể, Phật ngã tăng tục, tất cả đều là sự biến hoá huyền ảo của tâm ta. Thiền tông hướng mọi người truy cầu là “Phạn ngã hợp nhất” 梵我合一 (1), tức tâm tức Phật, vượt lên cõi tục giữ được cảnh giới trong lòng.
          - Thứ hai, muốn đạt tới cảnh giới “Phạn ngã hợp nhất”, cần phải khai quật Phật tính vốn có của mỗi người – bản tâm, chỉ cần nhận thức được “ngã tâm tức Phật”, thì có thể triệt ngộ chân ý Phật pháp, điều này cần phải toạ thiền tiệm tu hoặc trong lòng đốn ngộ, chú ý coi trọng phương thức giải thoát tự tâm giác ngộ.
          - Thứ ba, tại cảnh giới không trong không ngoài, vạn vật đồng nhất, “Phạn ngã hợp nhất” thần bí biến hoá kì ảo, nhất thiết giai không, bất kì ngôn ngữ văn tự nào cũng đều không thể giải thích phân tích, không thể biểu đạt, chỉ có thể dựa vào sự thể nghiệm thần bí của nội tâm. Thiền tông coi trọng “dĩ tâm truyền tâm”, đối với ngôn ngữ, lựa chọn thái độ phủ định; “không mắc vào văn tự, không chấp vào văn tự”, để chư tăng tự giải tự ngộ.
           Tất cả hoạt động Phật sự ở cửa thiền đều triển khai quanh cảnh giới “Phạn ngã hợp nhất”, đồng thời tuân theo sự thể nghiệm nội tâm của chính mình mà nắm vững phương thức tu hành. Khi thiền tông có tình cảm đặc biệt đối với trà vốn có tính chất thanh khiết, đã kết hợp Phật sự với trà sự, đem trà sự thu nạp hoàn toàn vào hoạt động Phật sự, từ đó sản sinh ra thuyết gọi là “thiền trà nhất vị” 禅茶一味, đồng thời, vì mục đích tôn giáo của bản thân hoạt động Phật sự, tiến hành một số hạn chế đối với trà sự, từ đó sản sinh ra những cấm kị ở trà.
          Phật giáo cho rằng, thế giới vạn vật đều từ vĩnh hằng, “chân như” tuyệt đối mà phái sinh ra, nhưng thế giới vạn vật rất hỗn loạn, ngay cả thân tâm của bản thân nhân loại cũng ô uế, bị vô số khổ nạn và phiền não che lấp. Vì thế, muốn có được trí tuệ trong sáng đạt tới cảnh giới vô dục vô niệm, vô hỉ vô ưu, cần phải tiến hành tu luyện. Cửa thiền chính là chốn tịnh độ của tăng lữ hi vọng dẹp bỏ phiền não dục vọng, khát cầu thoát thân từ trong hiện thực huyên náo. Ở đó, tăng lữ tự nhiên phải tuân theo thanh quy giới luật của Phật môn, bất luận là ăn mặc, ngủ nghỉ, hoặc lao động đều có phép tắc nghiêm nhặt, và đương nhiên uống trà cũng không ngoại lệ.    
                                                                                                     (còn tiếp)

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- PHẠN NGÃ HỢP NHẤT 梵我合一:
           Trung Quốc gọi đại tự nhiên hoặc vũ trụ là “Thiên” , Ấn Độ gọi là “Phạn” . Còn “nhân” của Trung Quốc, Ấn Độ gọi là “ngã” (Atman, A đặc mạn 阿特曼, linh hồn). Trung Quốc nói “Thiên nhân” 天人, Ấn Độ nói là “Phạn ngã” 梵我, ý nghĩa cơ bản tương đồng. Vũ trụ - Phạn là “đại ngã” 大我; A đặc mạn là “tiểu ngã” 小我. “Phạn ngã hợp nhất” (Moksha) là mệnh đề triết học xuất phát từ Áo nghĩa thư 奥义书 (Upanishads) của Ấn Độ cổ đại, trở thành tinh hoa của Áo nghĩa thư và cũng là tinh hoa văn hoá của Ấn Độ cổ đại.
          Theo Sinh mệnh chung cực mục đích: Phạn (đại ngã) ngã (tiểu ngã) hợp nhất 生命终极目的: (大我) (小我) 合一.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn, 2 / 7 / 2012
Previous Post Next Post