NGƯU LANG CHỨC NỮ
Khiên Ngưu 牵牛, Chức Nữ 织女 là thần thoại, hình thái nguyên sinh của nó là sự sùng bái các vì sao của tiên dân Trung Quốc. Thời Tiên Tần, truyền thuyết Chức Nữ với Khiên Ngưu được lưu truyền rộng rãi, đến khoảng thời Đông Hán đã hình thành một câu chuyện tình yêu hoàn chỉnh.
Tương truyền, Chức Nữ là cháu ngoại của Vương Mẫu nương nương, thông minh và xinh đẹp, đa tài đa nghệ, chuyên dệt những đám mây màu xinh đẹp. Ngưu Lang là mục đồng ở chốn nhân gian bị anh và chị dâu ngược đãi. Chức Nữ thấy Ngưu Lang trung hậu siêng năng nên đã xuống cõi trần thành thân với Ngưu Lang. Từ đó hai người, nam thì cày cấy, nữ thì dệt vải rất tương thân tương ái, và họ sinh được hai đứa con một trai một gái. Vương Mẫu nương nương biết được nổi trận lôi đình, bắt Chức Nữ về lại thiên đình. Ngưu Lang đem hai đứa con bỏ vào hai đầu giỏ, vội vàng gánh theo. Vương Mẫu nương nương nhìn thấy, lập tức lấy cây trâm cài đầu vạch lên không trung một đường, giữa Ngưu Lang và Chức Nữ liền xuất hiện một giòng sông cuồn cuộn chảy. Từ đó về sau, hai người chỉ có thể cách sông mà nhìn nhau, cùng nhau than khóc. Về sau Ngọc Đế động lòng trắc ẩn, cho hai người hàng năm vào đêm mồng 7 tháng 7 gặp nhau một lần. Ngày đó, chim hỉ thước ở các nơi kết bầy bay về, lấy thân mình làm thành chiếc cầu để Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Đến nay, vào đêm mùa hạ, nhìn lên trời cao chúng ta có thể nhìn thấy giòng sông đó, mọi người gọi đó là Thiên hà 天河 hoặc Ngân hà 银河. Hai bên Ngân hà có thể nhìn thấy sao Chức Nữ và sao Ngưu Lang. Nhìn kĩ hai bên sao Ngưu Lang chúng ta thấy hai ngôi sao nhỏ lấp lánh, đó chính là hai đứa con mà Ngưu Lang gánh theo trong giỏ.
Trong dân gian vốn có tập tục khất xảo 乞巧 vào đêm Thất tịch 七夕. Đêm đó, phụ nữ đặt một chiếc bàn ở giữa sân, bày ra hoa quả, đốt đèn thắp hương để lễ bái hai sao, hi vọng xin được trí tuệ và sự khéo tay ở Ngưu Lang và Chức Nữ. Tập tục này trở thành lễ Khất xảo trong dân gian. Lễ Khất xảo còn được gọi là “Nữ nhi tiết” 女儿节 (tết con gái), “Thiếu nữ tiết” 少女节 (tết thiếu nữ). Ngưu Lang và Chức Nữ cũng được xem là thiên thần tượng trưng cho tình yêu trong sáng và hôn nhân mĩ mãn. Trong quá khứ, nhiều nơi lập miếu Chức Nữ, miếu Chức Nữ ở Thái Thương 太仓 Tô Châu 苏州 là nổi tiếng nhất, thanh niên nam nữ đến miếu Chức Nữ lễ bái cầu xin, mong có được một tình yêu trọn vẹn và hôn nhân mĩ mãn.
Rất rõ ràng, từ truyền thuyết này cho đến việc hình thành tập tục trong dân gian, đã thoát li khỏi sự sùng bái nguyên thuỷ các vì sao. Người ta dựa vào mô thức gia đình kinh tế tiểu nông nam cày nữ dệt mà sáng tạo ra hình tượng vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ. Nhưng hai người họ, một là tiên nữ, một là phàm nhân, trên thực tế đã đại biểu cho hai giai cấp có địa vị khác nhau. Còn Vương Mẫu nương nương, người đã ngăn trở tình yêu của họ chính là đại biểu cho thế lực gia trưởng phong kiến, kiên trì dựa theo truyền thống “môn đương hộ đối” 门当户对 mà thao túng hôn nhân. Việc đồng tình đối với Ngưu Lang Chức Nữ là sự ca tụng đối với tình yêu chân chính; và kết cục họ gặp nhau trên cầu ô thước chính là hướng tới tự do hôn nhân tốt đẹp. Vì thế, đa số học giả cho rằng chủ đề tư tưởng của truyền thuyết này đó là thanh niên nam nữ đấu tranh không khoan nhượng với thế lực bảo thủ lớn mạnh nhằm giành lấy tình yêu và quyền lợi hôn nhân cho mình. Do đó, trong việc sùng bái các thần về hôn nhân của thời xưa thì việc sùng bái Ngưu Lang Chức Nữ được xem là có ý nghĩa tích cực nhất.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 6/7/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
NGƯU LANG CHỨC NỮ THƯỚC KIỀU HỘI
牛郎织女鹊桥会
Trong quyển
TÀI VẬN NHÂN DUYÊN CÁT HUNG HOẠ PHÚC
财运姻缘吉凶祸福
Tác giả: Tôn Bảo Quang 孙保光
Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2007.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật