MỘT SỐ TẬP TỤC
TRƯỚC VÀ SAU KHI SINH EM BÉ
“Sinh, lão, bệnh, tử” là việc lớn chốn dân gian, một sinh mệnh mới sinh ra rất được mọi người quan tâm. Trong quá khứ, khi em bé sắp ra đời, cả nhà đều lo liệu chuẩn bị mọi điều. Trước tiên là mời bà đỡ, tục gọi là “tiếp sinh bà” 接生婆. Bà đõ có nhiệm vụ giúp sản phụ sinh, sau khi sinh bà đỡ sẽ tắm rửa em bế. Trên cửa phòng của sản phụ dán một tờ giấy đỏ viết dòng chữ: Khương Thái Công tại thử, bách vô cấm kị 姜太公在此, 百无禁忌 (Khương Thái Công ở đây, mọi điều không cấm kị), tại giường cũng dán một đạo bùa, mục đích là để trừ tà. Đồ đạc trong phòng không được tuỳ tiện xê dịch di chuyển, sợ xúc phạm địa thần, không tốt cho em bé.
Một số nơi ở Trung Quốc, trước khi sản phụ sinh có tập tục thỉnh thần. Vị thần được thỉnh là Lâm Thuỷ phu nhân 临水夫人. Tượng thần được thỉnh từ miếu về phòng sản phụ để cầu mong bảo hộ, sản phụ ngày đêm thắp hương khấn vái. Nếu gặp trường hợp sinh khó, người trong nhà không ngừng khấn vái trước tượng thần. Nếu nguy hiểm qua đi, lại sinh được bé trai, sẽ bày một tiệc rượu để cảm tạ nương nương, đồng thời thỉnh thần “hồi loan” 回銮. “Hồi loan” là chỉ việc thần trở về lại miếu. Thời trước khi sinh bé gái, thường không bày tiệc rượu, chỉ có “hồi loan”.
Em bé vừa mới sinh ra, đối với gia đình mà nói đó là hỉ sự. Vì thế, khi em bé ra đời, chủ nhà sẽ đến nhà bà con, bạn bè, hàng xóm để báo hỉ. Báo hỉ cũng trở thành một hoạt động nghi lễ khi em bé ra đời. Sau khi sản phụ sinh, người chồng liền đến nhà cha mẹ vợ để “báo sinh” 报生. Khi đi phải mang theo một bình thiếc đựng hoàng tửu, vòi của bình cắm một cành bách hoặc vạn niên thanh, ngụ ý trường mệnh bách tuế; khi trở về, cha mẹ vợ sẽ tặng lại thực phẩm như gạo hoặc trứng. Một số nơi có tập tục xách gà báo hỉ. Ngày mà sản phụ lần đầu sinh, nhà chồng phải chuẩn bị 2 cân rượu, 2 cân thịt, 2 cân đường, 1 con gà, người chồng đến nhà cha mẹ vợ báo hỉ. Theo quan niệm truyền thống, nhà có thêm nhân khẩu chứng tỏ sự hưng vượng. Từ thời Tiên Tần đã có cách nói “lộng chương” 弄璋 “lộng ngoã” 弄瓦 (1) . “Chương” là một loại ngọc đẹp đại biểu cho nam; “ngoã” là một vật bằng đất đại biểu cho nữ. Cho nên sinh được bé trai thì gọi là “lộng chương chi hỉ” 弄璋之喜, sinh được bé gái thì gọi là “lộng ngoã chi hỉ” 弄瓦之喜, khi báo hỉ cũng có sự phân biệt, ví dụ ở vùng Triết Giang 浙江, nếu như xách theo gà trống đó là biểu thị sinh bé trai; nếu xách theo gà mái đó là biểu thị sinh bé gái; xách theo 2 con gà là biểu thị sinh đôi. Tộc Tháp Cát Khắc 塔吉克 ở vùng biên cương tây bắc lại dùng một phương thức báo hỉ khác: khi sinh bé trai, người cha liền bắn lên trời 3 phát súng, đồng thời đem súng đặt dưới gối của em bé, một là để báo hỉ, hai là để cầu chúc cho em bé được dũng cảm, tài năng; khi sinh bé gái, sẽ đi báo hàng xóm, đồng thời đặt cây chổi dưới gối em bé, cầu chúc cho bé mai sau lớn lên sẽ cần kiệm và giỏi việc nhà.
Một tập tục khác khi sinh em bé là nơi cửa phòng treo một kí hiệu. Điều này có 2 ý nghĩa: một là đánh dấu nơi mà sản phụ và em bé đang ở, nhằm nhắc mọi người chú ý; hai là xác định rõ giới tính nam nữ, dùng vật tượng trưng gởi gắm những kì vọng ân cần và những lời chúc nguyện thân yêu đối với em bé mới sinh ra.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- LỘNG CHƯƠNG 弄璋, LỘNG NGOÃ 弄瓦:
Xuất xứ từ bài Tư can 斯干, phần Tiểu nhã 小雅 trong Kinh Thi
……….
Nãi sinh nam tử
Tái tẩm chi sàng
Tái ý chi thường
Tái lộng chi chương
乃生男子
載寑之床
載衣之裳
載弄之璋
……….
Lại sinh con trai
Thì cho nằm ngủ trên giường.
Thì cho nó mặc áo quần (con trẻ của dân khi mới sinh ra thì chỉ được quấn tã)
Thì cho nó chơi viên ngọc chương
………
Nãi sinh nữ tử
Tái tẩm chi địa
Tái ý chi thế
Tái lộng chi ngoã
乃生女子
載寑之地
載衣之裼
載弄之瓦
……….
Lại sinh ra con gái
Thì cho nằm ở dưới đất
Thì lấy tã mà cho mặc
Thì lấy tấm ngói để cuốn tơ mà cho chơi.
(Theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi, tập 2, trang 938-941
NXB Văn học, Hà Nội, 1992)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/7/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
GIÁNG SINH LỄ TỤC
降生礼俗
Trong quyển
TÀI VẬN NHÂN DUYÊN CÁT HUNG HOẠ PHÚC
财运姻缘吉凶祸福
Tác giả: Tôn Bảo Quang 孙保光
Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2007.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật