TRỊNH TƯ TIẾU VẼ LAN
SUỐI LỆ HOÀ MỰC VIẾT LI TAO
Cuối thời Nam Tống, một nho sinh trẻ tuổi, thông qua khoa cử khảo thí một cách thuận lợi được triều đình bổ nhậm làm Sơn trưởng (1) Tĩnh Hoà thư viện 靖和书院. Đang lúc chuẩn bị đến nhiệm sở, quân Nguyên trở giáo đánh xuống phương nam, bức triều đình nhà Tống dời đến Lâm An 临安. Quân Tống trong khoảnh khắc tan vỡ, quân Nguyên nhanh chóng chiếm lấy Giang Nam . Nghe được tin ấy, vị nho sinh trẻ tuổi kia buông tiếng khóc, quyết định ẩn cư tại quê nhà, không hợp tác cùng vương triều mới. Đó chính là Trịnh Tư Tiếu 郑思肖, đại sư chuyên vẽ lan trên hoạ đàn Trung Quốc và là vị anh hùng dân tộc. Để kí thác tấm lòng yêu nước của mình, Trịnh Tiếu Tư lúc nằm lúc ngồi đều hướng về nam thể hiện chân tình không quên nhà Tống, và cũng do đó ông tự đặt cho mình hiệu “Sở Nam” 所南, đổi tên thành “Tư Tiếu” 思肖(2). Chữ “tiếu” 肖 là thanh phù của chữ “triệu” 趙. Ông ẩn cư ở Tô Châu 苏州, ở tấm biển treo trên cửa, ông viết 4 chữ lớn “Bản huyệt thế gian” 本穴世间, rất nhiều người không hiểu ý nghĩa của 4 chữ này. Trịnh Tư Tiếu giải thích rằng:
Lấy chữ “thập” 十 trong chữ “bản” 本 đặt dưới chữ “huyệt” 穴 thành chữ “tống” 宋. Chữ “bản” bỏ chữ “thập” 十 đi còn lại chữ “đại” 大, đọc liền nhau thành “Đại Tống” 大宋. Tôi là dân Đại Tống còn sót lại, nay nước mất nhà tan, sông núi thì còn, sông núi tuy không phải là của Đại Tống nữa nhưng lòng tôi vẫn như xưa, vẫn là người của Đại Tống.
Người nghe đều cảm thán, kính trọng bội phần. Trịnh Tư Tiếu khai khẩn 30 mẫu ruộng nơi ẩn cư, tự mình cày cấy, sống một cuộc sống nhà nông đạm bạc. Ông yêu hoa lan, xem hoa lan còn hơn cả tùng trúc mai “tuế hàn tam hữu”. Trúc có tiết nhưng không hoa, mai có hoa nhưng ít lá, tùng có lá nhưng không hương. Chỉ có lan là gồm đủ: có hoa, có lá, có hương. Từ rất lâu, Lan đã được Khuất Nguyên 屈原 khen tặng là “mĩ nhân”, sinh trưởng nơi u cốc, ngụ ý không ham danh lợi, lá của lan dài, gặp được gió tiêu sái phong lưu, như phẩm cách cao thượng, tiết tháo, thuần khiết của con người. Trịnh Tư Tiếu có cảm tình đặc biệt với lan, mỗi khi các loài thảo mộc đâm chồi trổ lá, ông vào nơi núi sâu tìm lan, thưởng hoa uống rượu, vừa làm thơ vừa vẽ lan. Một năm nọ quan huyện sai người đi mời Trịnh Tư Tiếu đến huyện đường, yêu cầu ông vẽ một bức mặc lan. Trịnh Tư Tiếu không chịu vẽ, quan huyện bảo rằng:
Nếu ông vẽ cho ta một bức mặc lan, ta miễn cho ông tất cả thuế khoá. Nếu không đồng ý, không những thuế khoá không bớt một phân mà còn phải ở nha môn làm tạp dịch 3 tháng.
Trịnh Tư Tiếu đáp rằng:
Chỉ người có đủ đức tài mới có thể sánh cùng với lan
Quan huyện lửa giận bừng bừng, muốn dùng hình phạt ra oai. Trịnh Tư Tiếu kiên cường như sắt thép, thét lên rằng:
Đầu ta có thể lấy được chứ lan thì không thể có được
Quan huyện chẳng có cách nào bèn sai người giam Trịnh Tư Tiếu vào đại lao. Sự việc nhanh chóng lan truyền, quan phủ biết được, cảm thấy làm lớn chuyện không xong bèn truyền lệnh thả Trịnh Tư Tiếu.
Trịnh Tư Tiếu (1241 – 1318), tự Ức Ông 忆翁 hiệu Sở Nam 所南, một hiệu khác là Tam Ngoại Dã Nhân 三外野人 , quê quán Liên Giang 连江 (nay là Phúc Châu 福州 Phúc Kiến 福建), nhà ở Giang Nam , ẩn cư ở Ngô Trung (nay là Tô Châu 苏州 Giang Tô 江苏). Trịnh Tư Tiếu vẽ lan luôn không vẽ đất, gọi đó là “lộ căn lan” (露根兰), ông giải thích rằng: “đất bị người khác đoạt mất”, lời giải thích ấy đã kí thác nỗi buồn đau đối với cố quốc.
Nghê Vân Lâm 倪云林 đời Nguyên từng đề thơ cho bức “Mặc lan đồ” 墨兰图 của Trịnh Tư Tiếu:
Thu phong lan huệ hoá vi mao
Chỉ hữu Sở Nam tâm bất cải
Lệ tuyền hoà mặc tả li tao
秋风兰蕙化为茅
南国凄凉气已消
只有所南心不改
泪泉和墨写离骚
Gió thu thổi đến làm cho lan huệ hoá thành cỏ tranh
Nước Nam thê lương khí vận đã hết
Chỉ có Sở Nam lòng không đổi
Nước mắt như suối hoà với mực viết li tao.
Phải nói rằng, bài thơ này là sự giải thích đúng nhất việc Trịnh Tư Tiếu vẽ lan. Tranh hoa lan của ông để lại không nhiều, chỉ có 2 bức. Một bức là “Mặc lan đồ” 墨兰图 một cây một hoa, sắc thanh đạm trang nhã, lá nhỏ, dài nhưng mềm mại biểu hiện phong vận thanh cao thoát tục, đề thơ rằng:
Nhất quốc chi hương
Nhất quốc chi thương
Hoài bỉ hoài vương
Vu Sở hữu quang
一国之香
一国之殇
怀彼怀王
于楚有光
Hương thơm của cả nước
Hi sinh vì cả nước
Nhớ đất nhớ vương
Rực sáng nơi nước Sở.
Tấm lòng nhớ đến cố quốc hiện ra trên trang giấy. Bức hoạ này là tranh cuộn dài, có dòng đơn khoản của Sở Nam Ông, ngoài ra còn có thơ của các thi nhân đời Nguyên đời Minh như Lục Thâm 陆深, Vương Dục 王育, Liệt Triết 烈哲, Nguỵ Tuấn Dân 魏俊民, Trần Dục 陈昱, Trịnh Nguyên Hựu 郑元祐, Thích Đức Khâm 释德钦, Vương Miện 王冕, Hồ Hi 胡熙, Ân Thiên Hựu 殷天祐, Trâu Dịch 邹奕, Chúc Doãn Minh 祝允明.Bức hoạ này hiện do một người Nhật là A Bộ Phòng Thứ Lang 阿部房次郎 lưu giữ. Trong Thạch Cừ bảo cấp sơ biên 石渠宝笈初编 ghi chép tương đối rõ.
Bức thứ 2 cũng là “Mặc lan đồ” 墨兰图, vẽ 2 cây đối nhau ôm lấy hoa ở giữa, toàn bộ dùng mực than cốc để vẽ, bút pháp mạnh mẽ, sắc bén như gươm, biểu hiện tinh thần bất khuất, đề thơ rằng:
Hướng lai phủ thủ vấn (3) Hi Hoàng
Nhữ thị hà nhân đáo thử hương
Vị hữu hoạ tiền khai tị khổng
Mãn thiên phù động cổ hinh hương
向来俯首问 (3)羲皇
汝是何人到此乡
未有画前开鼻孔
满天浮动古馨香
Xưa nay tôi vẫn luôn theo học hỏi Hi Hoàng,
Giờ anh là ai, tại sao còn đến nơi đây.
Hoạ gia trước khi vẽ phải luôn tưởng tượng,
Nhưng ở tôi, mùi hương xưa cổ đã nồng khắp nơi nơi rồi
Lúc bấy giờ nhà Tống mất đã 26 năm , tác giả cũng đã là ông lão 65 tuổi, nhưng lòng tự tôn dân tộc của ông vẫn luôn mạnh mẽ. Hi Hoàng 羲皇 tức Phục Hi 伏羲, vị lãnh tụ của dân tộc Hán thời thượng cổ; ở đây chỉ loại mặc lan cổ nhã mà tác giả trước giờ luôn sùng kính. Tác giả hỏi: Anh là ai? Lẽ nào anh không biết đất nước đang bị quân Nguyên giày xéo. Sao lại đến “nơi này”, nơi mà bản thân anh không có đất để tồn tại. Hai câu đầu tác giả đã nhân cách hoá hoa lan, lấy lòng yêu nước tỏ bày nỗi đau mất nước, tình chân thật, ý si mê hoà cùng lệ mà viết nên. Hai câu sau nói về việc tự thân cảm thụ phẩm cách của hoa lan:
Vị hữu hoạ tiền khai tị khổng
Mãn thiên phù động cổ hinh hương
Ý nói, trước khi vẽ các hoạ gia phải luôn tưởng tượng, vận dụng cả ngũ quan, đặc biệt là mũi mới có thể ngửi được mùi hương nồng ấm khắp nơi, hơn nữa mùi hương lưu chuyển này còn có thêm “cổ ý”. “Hinh hương” vốn là thuộc tính tự nhiên, nhưng dưới ngọn bút của Trịnh Tư Tiếu lại tràn đầy thuộc tính xã hội, tượng trưng cho nhân cách cao khiết, kiên trinh. Hinh hương “mãn thiên phù động”, vả lại “cổ”, biểu hiện hương tâm của tác giả không bao giờ phai nhạt, phẩm cách tiết tháo không bao giờ thay đổi. Chữ “cổ” ở đây cùng với “Hi Hoàng” ở trên hô ứng với nhau. “Cổ” 古 tức “cố” 故 hài âm song quan. Không nói nước mất, không nói hoài niệm cố quốc, nhưng thông qua mặc lan, ý tại ngôn ngoại, kín đáo không lộ rõ, lời gần mà tình xa.
Bức hoạ này hiện được lưu giữ tại Viện mĩ thuật thành phố Đại Bản 大阪Nhật Bản.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- SƠN TRƯỞNG 山长: xưng vị dành cho thầy dạy học ở thư viện. Thời Ngũ đại, Tưởng Duy Đông 蒋维东 ẩn cư dạy học ở Hành Sơn 衡山, học trò gọi ông là “Sơn trưởng”. Thời Tống đem Bạch Lộc quốc học 白鹿国学 (cũng gọi là Lư Sơn quốc học 庐山国学) tại Bạch Lộc động 白鹿洞 ở Lư Sơn 庐山 được kiến lập vào khoảng niên hiệu Thăng Nguyên 升元 của nhà Nam Đường đổi thành Bạch Lộc động thư viện 白鹿洞书院, đây là nơi dạy học và cũng là nơi tàng trữ kinh sách. Đời Nguyên thiết lập thư viện tại các lộ, châu, phủ; và cũng lập Sơn trưởng. Hai đời Minh Thanh vẫn theo chế độ của nhà Nguyên. Thời Càn Long từng có lần đổi gọi là “Viện trưởng”. Cuối đời Thanh lại gọi là “Sơn trưởng”. Sau khi bãi bỏ khoa cử, “thư viện” đổi là “học hiệu”. Danh xưng “Sơn trưởng” cũng phế bỏ.
(2)- Các tư liệu đều không rõ tên thật của Trịnh Tư Tiếu, chỉ biết sau khi nhà Tống mất, ông đổi là Tư Tiếu.
(3)- Chữ thứ 5 câu thứ 1 ở bài thơ trên bức hoạ là chữ “vấn” 問 (giản thể là 问), trong nguyên tác in nhầm là chữ “hướng” 向, nay sửa lại.
Nguồn bức hoạ http://www.newsancai.com/big5/arts/16-painting
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 19 tháng 6 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TRỊNH TƯ TIẾU HOẠ LAN
LỆ TUYỀN HOÀ MẶC TẢ LI TAO
郑思肖画兰
泪泉和墨写离骚
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật