TÊN THUỴ
Thời cổ các bậc đế vương, hậu phi, đại thần (bao gồm chư hầu, khanh đại phu, quan lại cấp cao), cho đến các học giả danh nhân có hành vi “trung dũng nghĩa liệt”, sau khi mất người ta căn cứ vào hành vi sự tích của họ lúc sinh tiền mà đặt cho một xưng hiệu đặc biệt, đó chính là tên thuỵ (thuỵ hiệu - 谥号). Như Gia Cát Lượng 诸葛亮 tên thuỵ là Trung Vũ 忠武, Âu Dương Tu 欧阳修 tên thuỵ là Văn Trung文忠, Nhạc Phi 岳飞 tên thuỵ là Vũ Mục 武穆. Người đời sau gọi Gia Cát Trung Vũ, Nhạc Vũ Mục chính là đã căn cứ vào tên thuỵ của họ. Tiêu chuẩn, quy tắc để đánh giá tên thuỵ gọi là “thuỵ pháp” 谥法.
Bắt đầu từ khoảng đầu đời Chu đã có tên thuỵ. Lúc bấy giờ thiên tử, chư hầu sau khi mất, do bởi tị huý nên đã đặt một mĩ xưng, đó là tên thuỵ. Chữ “Văn” 文 trong Chu Văn Vương, chữ “Vũ” 武 trong Chu Vũ Vương có thể được xem là tên thuỵ sớm nhất. Thuỵ pháp còn gọi là “Dịch danh lễ” 易名礼 hoặc “Canh danh điển” 更名典 cũng bắt đầu từ thời đó. Về tên thuỵ và cách đặt tên thuỵ, Trương Thủ Tiết 张守节 đời Đường trong Thuỵ pháp giải 谥法解 đã viết rằng:
Duy Chu Công Đán, Thái Công Vọng khai tự vương nghiệp, kiến công vu Mục Dã, chung tương táng, nãi chế thuỵ, toại tự thuỵ pháp.
惟周公旦, 太公望开嗣王业, 建功于牧野, 终将葬, 乃制谥, 遂叙谥法.
( Chỉ Chu Công Đán, Thái Công Vọng mở mang và kế thừa vương nghiệp, lập công ở Mục Dã, lúc mất được an táng, mới đặt tên thuỵ, định ra thuỵ pháp)
Cách đặt tên thuỵ là “lễ chế” quan trọng trong xã hội phong kiến. Nguyên tắc, nội dung và tác dụng liên quan đến tên thuỵ đều được quy định rõ ràng. Về việc này, Vương Ngạn Uy 王彦威 đời Đường trong Tặng Thái bảo vu phả thuỵ nghị 赠太保于颇谥议 đã trình bày cụ thể:
Cổ chi thánh vương lập thuỵ pháp chi ý, sở dĩ chương thiện ác, thuỳ khuyến giới, sử nhất tự chi bao, du phất miện chi tứ, phiến ngôn chi biếm nhục, quá thị
triều chi hình, thử bang gia chi lễ điển, hướng bệ hạ khuyến trừng chi đại bính dã.
古之圣王立谥法之意, 所以彰善恶, 垂劝戒, 使一字之褒, 逾绂冕之赐, 片言之贬辱, 过市朝之刑, 此邦家之礼典, 向陛下劝惩之大柄也.
(Thời xưa ý của thánh vương lập ra thuỵ pháp là để làm sáng tỏ điều thiện điều ác, nhằm khuyên răn, một lời khen còn hơn được ban cho dây đeo ấn cùng mũ miện, một lời chê còn hơn bị hình phạt chốn thị triều. Đó là điển lễ của quốc gia, là đại quyền để khuyên răn bệ hạ)
Tên thuỵ thường dùng một vài chữ để biểu đạt, những chữ này có hàm nghĩa cố định, biểu thị tình cảm và thái độ đối với người mất. Theo những ghi chép trong Thuỵ pháp giải 谥法解, thời cổ tổng cộng có 164 thuỵ hiệu, trước mỗi thuỵ hiệu thêm một kết luận. Kết luận này căn cứ vào hành vi hoặc tốt hoặc xấu lúc sinh tiền mà phân thành 3 loại: mĩ (đẹp), bình (bình thường), ác (xấu).
- Loại thứ 1: mĩ thuỵ, tức ca ngợi. Như:
Văn 文, Vũ 武, Chiêu 昭, Nguyên 元, Bình 平, Hoàn 桓, Khang 康, Cảnh 景, Huệ 惠, Tuyên 宣, Thành 成, Minh 明, Hiến 献, Mục 穆 …
Đây là loại tên thuỵ đặt cho những người lúc sống làm những điều tốt hoặc có công lao.
- Loại thứ 2: ác thuỵ, tức chê. Như: Linh 灵, Lệ 厉, Bạo 暴, Hôn 昏 …
“Dượng” 炀 của Tuỳ Dượng Đế 隋炀帝 biểu thị ý nghĩa “háo nội viễn lễ” 好内远礼 (1), cũng là một loại ác thuỵ. Đây là tên thuỵ dành cho người lúc sống có hành vi trái với lễ. Nhìn chung, chỉ có những ông vua vong quốc phế sát hoặc đại quyền rơi vào tay kẻ khác mới có ác thuỵ, còn phần lớn đều có mĩ thuỵ.
- Loại thứ 3: bình thuỵ, tức đồng tình. Như: “Ai” 哀 của Đường Ai Đế, biểu thị “cung nhân đoản chiết” 恭仁短折 (2), đây chính là sự thương xót. Ngoài ra còn có: Hoài 怀, Hàm 憨, Điệu 悼 … cũng đều là bình thuỵ. Đây là loại tên thuỵ dành cho những ông vua đoản mệnh ở ngôi chẳng được bao lâu, hoặc những ông vua chí hướng chưa thực hiện đã qua đời.
Căn cứ vào nhu cầu, tên thuỵ có thể không ngừng tăng thêm. Như thời Bắc Tống nhiều lần tăng thêm tên thuỵ cho tổ tông, có tên thuỵ dài đến 14 chữ, 16 chữ, thậm chí đến 20 chữ. Tên thuỵ của Tống Thần Tông có đến 22 chữ:
Thể Nguyên Hiển Đạo Pháp Cổ Lập Hiến Đế Đức Vương Công Anh Văn Liệt Vũ Khâm Nhân Thánh Hiếu Hoàng Đế.
体元显道法古立宪帝德王功英文烈武钦仁圣孝皇帝
Có hoàng đế tuy đã mất từ lâu nhưng chưa được dâng tôn hiệu. Như Đường Cao Tông Lí Trị 李治 mất đã hơn 70 năm, đến năm Thiên Bảo 天宝 thứ 13 đời Đường Huyền Tông (năm 754) vẫn được dâng tôn hiệu là:
Thần Nghiêu Đại Thánh Đại Quang Hiếu Hoàng Đế
神尧大圣大光孝皇帝
Tôn hiệu được dâng lên sau khi người đó đã qua đời có thể gọi đó là tên thuỵ được nối dài.
Trong tên thuỵ của các vương triều phong kiến, trừ hoàng đế ra, hậu phi cũng có thể có tên thuỵ. Tên thuỵ của hậu phi nhìn chung do 2 bộ phận tổ thành, phần trước là đế thuỵ, phần sau là hậu thuỵ. Như tên thuỵ của Lữ Hậu 吕后 là Cao Hoàng (Hán Cao Tổ Hoàng Đế) Hậu. Tên thuỵ của hậu phi cũng giống như tên thuỵ của hoàng đế, cũng ngày càng dài ra. Đời Thanh, tên thuỵ của Từ Hi Thái Hậu 慈禧太后 gồm 20 chữ:
Hiếu Khâm Từ Hi Đoan Hựu Khang Di Chiêu Dự Trang Thành Thọ Cung Nhân Hiến Hi Hiển Hoàng Hậu (3)
孝钦慈禧端佑康颐昭豫庄诚寿恭仁献熙显皇后
Nhưng, như thế vẫn chưa nói rõ được mối quan hệ giữa người được đặt tên thuỵ với hoàng đế đang tại vị. Nếu như thêm vào “Thái” 太 hoặc “Thái Hoàng Thái” 太皇太 mối quan hệ sẽ rõ hơn và như vậy tên thuỵ sẽ dài hơn nữa.
Ngoài vua, hậu phi ra, đại thần cũng có thể có tên thuỵ. Như văn học gia, sử học gia thời Bắc Tống Âu Dương Tu 欧阳修 từng đảm nhiệm chức Xu mật phó sứ 枢密副使, Tham tri chính sự 参知政事 có tên thuỵ là Văn Trung 文忠.
Trên đây đều là tên thuỵ do triều đình đặt cho, đó gọi là “công thuỵ” 公谥 hoặc “quan thuỵ” 官谥, ngoài ra còn có “tư thuỵ” 私谥. Gọi là “tư thuỵ” là chỉ tên thuỵ của học giả có danh vọng hoặc danh nhân sau khi mất, người thân, bạn bè căn cứ vào sự tích của họ lúc sinh tiền mà đặt ra. Tên thuỵ thường đặt thêm “Tiên sinh” 先生, “Xử sĩ” 处士, “Cư sĩ” 居士, “Sĩ” 士, “Tử” 子. Như Đào Uyên Minh 陶渊明đời Tấn sau khi mất , Nhan Diên Niên 颜延年 viết điếu văn, đặt cho tên thuỵ là Tĩnh Tiết Tiên Sinh 靖节先生; Ẩn sĩ nổi tiếng Lâm Bô 林逋 thời Bắc Tống sau khi mất, có tên thuỵ là Hoà Tĩnh Tiên Sinh 和靖先生.
Căn cứ vào tiêu chuẩn khác nhau và yêu cầu khác nhau, tên thuỵ có thể sửa đổi. Như hoàng đế Sùng Trinh 崇祯 nhà Minh là Chu Do Kiểm 朱由检, tự ải ở Môi sơn 煤山, nhà Nam Minh đặt tên thuỵ cho ông là Tư Tông 思宗 (4), sau đổi lại là Nghị Tông 毅宗. Đến triều Thanh lại đổi tên thuỵ là Trang Liệt Đế 庄烈帝.
Thời cổ, tên thuỵ đa phần chỉ có 1 chữ. Như Hán Văn Đế, Hán Vũ Đế, “Văn”, “Vũ” là tên thuỵ. Từ thời thịnh Đường trở đi, số chữ ở tên thuỵ nhiều lên. Như Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 tên thuỵ lúc đầu là “Văn Hoàng Đế”, chỉ có 1 chữ. Đến thời Đường Huyền Tông được đổi thành:
Đại Vũ Đại Thánh Đại Quảng Hiếu Hoàng Đế
大武大圣大广孝皇帝
Thêm vào đó, với liệt tổ liệt tông nhất loạt đổi sang tên thuỵ có 7 chữ.
Thanh Cao Tông Càn Long 乾隆, tên thuỵ có đến 25 chữ, đó là:
Pháp Thiên Long Vận Chí Thành Tiên Giác Thể Nguyên Lập Cực Phu Văn Phấn Vũ Khâm Minh Hiếu Từ Thần Thánh Thuần Hoàng Đế.
法天隆运至诚先觉体元立极敷文奋武钦明孝慈神圣纯皇帝
Do bởi điểm xuất phát và điểm cuối cùng của việc đặt tên thuỵ cho một người nào đó có khác nhau, nên tên thuỵ có khi không tương xứng với hành vi của họ lúc sinh tiền, thậm chí tốt xấu lẫn lộn, xấu biến thành tốt. Như Tần Cối 秦桧 sau khi mất có tên thuỵ là “Trung Hiến” 忠献. Hơn 50 năm sau mới đổi lại là Mậu xú 谬丑.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HÁO NỘI VIỄN LỄ 好内远礼:
“Nội” ở đây chỉ nội đình tức hậu cung. “Háo nội” tức say mê phi tần.
“Viễn lễ” tức xa rời lễ nghĩa.
“Háo nội viễn lễ” tức say mê tửu sắc, xa rời lễ nghĩa.
(2)- CUNG NHÂN ĐOẢN CHIẾT 恭仁短折: tức cung kính nhân nghĩa nhưng đoản mệnh mất sớm.
(3)- Theo http://wenwen.soso.com/z/9182953190.htm, tên thuỵ của Từ Hi gồm 25 chữ:
Hiếu Khâm Từ Hi Đoan Hựu Khang Di Chiêu Dự Trang Thành Thọ Cung Khâm Hiến Sùng Hi Phối Thiên Hưng Thánh Hiển Hoàng Hậu
孝钦慈禧端佑康颐昭豫庄诚寿恭钦献崇熙配天兴圣显皇后
(4)- Theo một số tài liệu, Tư Tông 思宗, Nghị Tông 毅宗 là miếu hiệu của Chu Do Kiểm.
Theo http://baike.baidu.com/view/17452 tên thuỵ của Chu Do Kiểm là:
Thủ Đạo Kính Kiệm Khoan Văn Tương Vũ Thể Nhân Trí Hiếu Trang Liệt Mẫn Hoàng Đế.
守道敬俭宽文襄武体仁致孝庄烈愍皇帝
Còn theo httP://zh.wikipedia.org/wiki, tên hiệu của Chu Do Kiểm là:
Thiệu Thiên Dịch Đạo Cương Minh Khác Kiệm Quỹ Văn Phấn Vũ Đôn Nhân Mậu Hiếu Liệt Hoàng Đế
绍天绎道刚明恪俭揆文奋武敦仁懋孝烈皇帝
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 26 tháng 6 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
THUỴ HIỆU
谥号
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật