TÊN HIỆU
Tên hiệu 号 là tên gọi khác ngoài danh và tự, còn gọi là “biệt hiệu” 别号. Như Lí Bạch 李白 hiệu là Thanh Liên cư sĩ 青莲居士, Đỗ Phủ 杜甫 hiệu là Thiếu Lăng dã lão 少陵野老. Danh và tự của người xưa đa phần đều do trưởng bối đặt cho, như cha mẹ, ông bà nội hoặc huynh trưởng, còn tên hiệu thì lại do chính mình đặt. Với một người có danh vọng và văn hoá, đặt tên hiệu là để biểu thị tư tưởng chí hướng của mình. Đặt tên hiệu như thế nào luôn là sự việc mang nguyện vọng chủ quan và sắc thái tình cảm chủ quan của cá nhân. Đào Uyên Minh 陶渊明 đời Tấn trong Ngũ Liễu tiên sinh truyện 五柳先生传 viết rằng:
Tiên sinh bất tri hà hử nhân dã, diệc bất tường kì tính tự. Trạch biên hữu ngũ liễu thụ, nhân dĩ vi hiệu yên.
先生不知何许人也, 亦不详其姓字. 宅边有五柳树, 因以为号焉.
(Không biết tiên sinh người ở đâu, cũng không rõ tên họ là gì. Bên cạnh nhà có năm cây liễu nên lấy đó làm tên.)
Ở đây Đào Uyên Minh đã nói rõ mối quan hệ giữa danh, tự và hiệu.
BIỆT HIỆU
“Biệt hiệu” có nghĩa là ngoài tên hiệu ra còn có một tên hiệu khác.
Hoàng Tông Hi 黄宗羲 tư tưởng gia, sử học gia cuối đời Minh đầu đời Thanh tự là Thái Xung 太冲, hiệu là Nam Lôi 南雷, các học giả gọi ông là Lê Châu tiên sinh 梨洲先生.
Cố Viêm Vũ 顾炎武, học giả đời Thanh hiệu là Đình Lâm 亭林, người đời gọi ông là Đình Lâm tiên sinh 亭林先生.
“Tiên sinh” ở đây khác với “tiên sinh” hiện nay. Người xưa, sau tên hiệu thường thêm hai chữ “tiên sinh” có ý là “thế xưng” 世称 (đời gọi), “nhân xưng” 人称 (người đời gọi) mang tính cố định nhất định, không phải ai cũng có thể thêm hai chữ “tiên sinh”. Đó là hiện tượng thường thấy lúc bấy giờ. Hiện nay thỉnh thoảng vẫn gặp, như mọi người gọi Lỗ Tấn 鲁迅 là Lỗ Tấn tiên sinh 鲁迅先生.
HỰU HIỆU
Gọi là “hựu hiệu” 又号 là để chỉ ngoài hiệu, biệt hiệu ra còn có một hiệu khác. Như Trương Chi Động 张之洞 tự là Hiếu Đạt 孝达, một tự khác là 香涛, hiệu Nhất Công 壹公, một hiệu khác là Vô Cạnh cư sĩ 无竞居士, về già lấy hiệu là Bão Băng lão nhân 抱冰老人.
Khang Hữu Vi 康有为, lãnh tụ phái cải lương giai cấp tư sản danh là Tổ Di 祖诒 tự Quảng Hạ 广厦, hiệu Trường Tố 长素, một hiệu khác là Cánh Sân更甡.
Do bởi tên hiệu đa phần là do mình tự đặt cho, rất tuỳ tâm sở dục, nên vừa có thể thay đổi, lại không câu nệ về số lượng.
“Hiệu”, “biệt hiệu”, “hựu hiệu” đa phần là 2 chữ, như Lục Du 陆游 tự Vụ Quan 务观, hiệu Phóng Ông 放翁.
Hiệu cũng có 3 chữ trở lên, như Cát Hồng 葛洪 hiệu Bão Phác Tử 抱朴子.
Hoàng Đình Kiên 黄庭坚, văn học gia thời Bắc Tống, tự là Lỗ Trực 鲁直, hiệu Sơn Cốc đạo nhân 山谷道人, một hiệu khác là Phù Ông 涪翁.
Tô Thức 苏轼 hiệu là Đông Pha cư sĩ 东坡居士.
Thu Cẩn 秋瑾 nhà cách mạng dân chủ cận đại, tự Tuyền Khanh 璇卿, hiệu Cạnh Hùng 竞雄, một hiệu nữa là Giám hồ nữ hiệp 鉴湖女侠.
Tác giả của tiểu thuyết Tuý tỉnh thạch 醉醒石 có hiệu là Đông Lỗ cổ cuồng sinh 东鲁古狂生.
Tác giả của tiểu thuyết Kim cổ kì văn 今古奇闻 có hiệu là Đông bích sơn phòng chủ nhân 东壁山房主人.
Do bởi “hiệu” “biệt hiệu” “hựu hiệu” đa phần là do chính cá nhân đặt ra, mục đích nhằm biểu thị phong nhã hoặc có ngụ ý nào đó, cho nên khi nghiên cứu nhân vật cổ đại, các loại “hiệu” phải khảo đính rõ ràng để tránh hiểu lầm.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 17 tháng 6 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
HIỆU
号
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật