Dịch thuật: Nguồn gốc tết Nguyên tiêu (bài 1)

NGUỒN GỐC TẾT NGUYÊN TIÊU
(bài 1)

          Đêm rằm tháng Giêng hàng năm là tết Nguyên tiêu 元宵, một ngày tết truyền thống trong dân gian Trung Quốc, còn được gọi là “Đăng tiết” 灯节. Tết Nguyên tiêu theo phong tục cũ, từ thành thị đến nông thôn, khắp nơi đều treo đèn kết hoa, xem hoa đăng, chơi đố đèn, cảnh tượng vô cùng náo nhiệt. Đêm đó, bất luận là hoàng thân quốc thích, bách tính bình dân, hay thiếu nữ chốn phòng khuê, đều phá lệ tham gia, thuận theo tập tục, cùng nhau xách đèn, ra phố vui chơi. Từ thời Đường, Tống, Minh, Thanh, tết Nguyên tiêu đã trở thành một hoạt động vui chơi quan trọng mang tính chất quần chúng trong các dịp lễ tết của năm. Tao nhân mặc khách ngâm thơ viết phú tăng thêm nhã hứng cho ngày tết. Đến hiện nay, vào tết Nguyên tiêu, thả đèn, xem đèn vẫn là một hoạt động vui chơi mà mọi người ở các nơi rất thích, đặc biệt là mấy năm trở lại đây, xuất hiện những cảnh tượng phồn vinh hơn trước. Mọi người rất thích tết Nguyên tiêu, thế thì tết Nguyên tiêu bắt đầu từ lúc nào? Có ý kiến cho rằng tết Nguyên tiêu hình thành vào thời Đường. Ý kiến khác cho rằng tết Nguyên tiêu là từ thời Hán lưu truyền lại. Cũng có ý kiến cho rằng tết Nguyên tiêu là hoạt động tôn giáo khởi nguồn từ Phật giáo.
          Trong dân gian, truyền thuyết về nguồn gốc của tết Nguyên tiêu lại càng không nhất trí. Có truyền thuyết cho rằng, Tuỳ Dượng Đế 隋炀帝 ham mê sắc dục, muốn cưới em gái của mình. Cô em không đồng ý tìm cách thoái thác, chỉ khi nào đêm rằm tháng Giêng xuất hiện đầy sao trên mặt đất mới chịu thành hôn. Tuỳ Dượng Đế bèn hạ lệnh dân chúng khắp nơi ở kinh thành vào đêm rằm tháng Giêng nhà nhà đều thắp đèn, ai trái lệnh sẽ bị chém. Tối hôm đó, cô em lên lầu nhìn thấy khắp nơi đều có ánh đèn, ngỡ là sao trên mặt đất liền nhảy xuống lầu tự tận. Để tưởng niệm cô gái không chịu khuất thân ô nhục, hàng năm cứ đến rằm tháng Giêng, dân gian đều thắp đèn.
          Có truyền thuyết cho rằng tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ Hán Vũ Đế 汉武帝. Do bởi lúc bấy giờ vào tết Nguyên tiêu các cung nữ rất nhớ đến cha mẹ ở nhà, cung cấm thâm nghiêm làm sao ra được để về thăm?  Đông Phương Sóc 东方朔 đa mưu túc trí sau khi biết được rất cảm thông liền nghĩ ra một cách. Trước tiên cho phao tin trong dân gian rằng thần hoả sắp phái người đến hoả thiêu thành Định An 定安 khiến cho trong cung trong thành đều lo sợ, sau đó dâng kế lên Hán Vũ Đế, vào đêm rằm tháng Giêng, mọi người trong cung nên ra bên ngoài để tránh tai hoạ, khắp kinh thành đường lớn ngõ nhỏ, nhà cửa sân vườn đều treo đèn đỏ giống như khắp thành có lửa để đánh lừa thần hoả. Vũ Đế đồng ý, các cung nữ nhân cơ hội ấy được về nhà sum họp. Từ đó, hàng năm vào rằm tháng Giêng đều có tục thả đèn.
          Ngoài ra còn có một truyền thuyết nữa, tết Nguyên tiêu có nguồn gốc từ một tập tục nông sự “phóng sáo hoả” 放哨火. Hàng năm vào khoảng rằm tháng Giêng vụ cày xuân sắp đến, nông dân bận rộn chuẩn bị cày cấy. Vào tối hôm đó, nông dân một số nơi đem cỏ khô củi mục gom góp lại rồi phóng hoả thiêu đốt để diệt trừ sâu hại.                                                                                                                                                               
                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn ngày 11 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
NGUYÊN TIÊU ĐĂNG TIẾT KHỞI NGUYÊN CHI MÊ
元宵灯节起源之谜
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
Previous Post Next Post