Dịch thuật: Điều tiếu lệnh (Đới Thúc Luân)



调笑令
        边草, 边草, 边草尽来兵老. 山南山北雪晴, 千里万里月明. 明月, 明月, 胡笳一声愁绝.
                                                  (戴叔伦)
ĐIỀU TIẾU LỆNH
          Biên thảo, biên thảo, biên thảo tận lai binh lão. Sơn nam sơn bắc tuyết tình, thiên lí vạn lí nguyệt minh. Minh nguyệt, minh nguyệt, Hồ già nhất thanh sầu tuyệt.
                                                                                        (Đới Thúc Luân)
ĐIỀU TIẾU LỆNH
          Cỏ nơi biên tái, cỏ nơi biên tái, cỏ hết lính đã già. Phía nam phía bắc núi, tuyết phủ dày, trăng sáng nơi xa muôn ngàn dặm. Trăng sáng, trăng sáng, tiếng sáo Hồ ngậm ngùi u uất, khiến lòng thêm sầu hận.


           Thơ ca của Đới Thúc Luân (1) đa phần lấy cuộc sống nông thôn làm đề tài, nêu lên những mâu thuẫn của xã hội lúc bấy giờ, đồng thời ông cũng có một số bài thơ về biên tái, phong cách thê lương bi thiết. Với từ, Đới Thúc Luân đã theo phong cách của thơ, cỏ nơi biên tái mênh mông, vô cùng vô tận, giống như những binh sĩ chốn biên cương ngày đêm mong mỏi ngày trở về, mãi đến khi cỏ hết người cũng đã già mà kì hạn vẫn còn xa. Trong khoảng không trống trải, trời đổ băng đất đóng tuyết nơi phương bắc, ngóng nhìn trăng giống vầng trăng quê nhà cách xa ngàn dặm, tưởng nhớ đến người vợ lúc này cũng đang nhớ đến mình, mà không ngăn nỗi bi thương. Bỗng tiếng sáo Hồ vang lại, trong đêm vắng mênh mông, nghẹn ngào u uất, như khóc như than, chinh nhân làm sao mà không sầu hận! Có người nói rằng, đến như bài Ngư gia ngạo 渔家傲 (Tái hạ thu lai - 塞下秋来) của Phạm Trọng Yêm 范仲淹 (2), với nét trầm uất thê lương đã là tiên phong ở  phái Hào phóng của từ thời Tống; thì từ bài từ của Phạm Trọng Yêm đi ngược lên đến bài từ Điều tiếu lệnh này của Đới Thúc Luân, biểu hiện dạng thức bi thương sầu oán Tần thời minh nguyệt Hán thời quan, vạn lí trường chinh nhân vị hoàn 秦时明月汉时关, 万里长征人未还 (3), phải nói là tiên phong của tiên phong.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
1- ĐỚI THÚC LUÂN 戴叔伦 (732 – 789): tự Ấu Công 幼公, người Kim Đàn 金坛 Nhuận Châu 润州 (nay thuộc huyện Kim Đàn tỉnh Giang Tô), đậu Tiến sĩ năm Trinh Nguyên 贞元 thứ 16 (năm 800), nhậm chức Phủ Châu thứ sử 抚州刺史 (nay là thành phố Phủ Châu tỉnh Giang Tây), thăng Dung quản kinh lược sử 容管经略史. Về già dâng biểu xin xuất gia làm đạo sĩ. Ông chủ trương thi ca phải có dư vị viễn vận, từng nói rằng:
          Thi gia chi cảnh, như Lam Điền nhật noãn, lương ngọc sinh yên, khả vọng nhi bất khả trí vu mi tiệp chi tiền dã.
          诗家之景, 如蓝田日暖, 良玉生烟, 可望而不可置于眉睫之前也.
          (Cảnh trong thơ của thi gia, phải như nơi Lam Điền ấm áp, ngọc tốt sinh khói, chỉ có ngắm từ xa chứ không thể để ngay trước mắt)
          (Dẫn từ Tư Không biểu thánh văn tập 司空表圣文集 quyển 3, Dữ Cực Phố thư 与极浦书  của Tư Không Đồ 司空图)
          Chủ trương này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với lí luận thi ca của phái Thần vận 神韵 sau này.
          (Nguồn Đường thi tam bách thủ 唐诗三百首, Nhiếp Xảo Bình 聂巧平 chú dịch. Sùng văn thư cục, 2003, trang 228.)
2- PHẠM TRỌNG YÊM 范仲淹 (989 – 1052): tự Hi Văn 希文, người huyện Ngô (nay thuộc tỉnh Giang Tô), đậu Tiến Sĩ năm Đại Trung Tường Phù 大中祥符 thứ 8 đời Tống Chân Tông, từng giữ các chức Thiểm Tây kinh lược an phủ phó sứ 陕西经略安抚副使, Tham tri chính sự 参知政事. Phạm Trọng Yêm là chính trị gia nổi tiếng thời Bắc Tống, nhân vật chủ trì chủ yếu của phong trào “Khánh Lịch  tân chính” 庆历新政, và cũng là văn học gia nổi tiếng.
          (Nguồn Tống từ tam bách thủ 宋词三百首, Thượng Cương Thôn Dân 上彊村民 biên soạn, Lưu Văn Lan 刘文兰 chú dịch. Sùng văn thư cục, 2003, trang 5)
3- Hai câu này ở bài Xuất tái 出塞 của Vương Xương Linh 王昌龄 thời Đường
Tần thời minh nguyệt Hán thời quan,
 Vạn lí trường chinh nhân vị hoàn
 秦时明月汉时关
万里长征人未还
Trăng sáng thời Tần Hán, biên quan thời Tần Hán đến nay vẫn như xưa,
Người đi trấn thủ nơi biên tái xa ngàn dặm chưa thể trở về.

                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn, 30 / 6 / 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐIỀU TIẾU LỆNH
调笑令
Trong
ĐƯỜNG TỐNG TỪ NHÂN
DANH GIA DANH TÁC THƯỞNG ĐỘC
唐宋词人名家名作赏读
Lí Ngọc Trân 李玉珍
Chủ biên: Lí Vĩnh Điền 李永田, Đổng Hi Bình 董希平
Tuyến trang thư cục, 2007
Previous Post Next Post