ĐẰNG VƯƠNG CÁC
Đằng Vương các 滕王阁 vốn được xây cất vào năm Vĩnh Huy 永徽 thứ 4 đời Đường Cao Tông (năm 653), nhân vì Lí Nguyên Anh 李元婴chủ nhân của Đằng Vương các lúc bấy giờ được phong là Đằng Vương 滕王 nên toà các có tên như thế. Quy mô của toà các lúc ban đầu tương đối lớn, cao 9 trượng, gồm 3 tầng, đông tây dài 9 trượng 6 xích, nam bắc rộng 4 trượng 5 xích, nhưng toà các này chẳng bao lâu đã bị hư hại. Đằng Vương các sở dĩ nổi tiếng là do bài tản văn Đằng Vương các tự 滕王阁序. Năm Thượng Nguyên 上元 thứ 2 đời Đường Cao Tông (năm 675), quan châu mục lúc bấy giờ là Diêm Bá Tự 阎伯屿 cho trùng tu lại Đằng Vương các. Sau khi hoàn thành, vào dịp tiết Trùng Dương đã tổ chức yến tiệc chiêu đãi tân khách tại đây. Ngày hôm đó, Vương Bột 王勃 ghé qua, và đã viết nên thiên tản văn nổi tiếng Thu nhật đăng Hồng phủ Đằng Vương các tiễn biệt tự 秋日登洪府滕王阁饯别序 tức Đằng Vương các tự 滕王阁序. Từ đó, bài tự nhờ toà các mà được nổi tiếng, toà các nhờ bài tự mà được vang danh. Hơn 1300 năm nay, Đằng Vương các trải qua 28 lần hưng phế. Đằng Vương các là nơi sĩ đại phu các đời tiếp đón đưa tiễn nhau, là nơi vui chơi yến tiệc. Vị hoàng đế khai quốc đời Minh là Chu Nguyên Chương 朱元璋 cũng đã từng thiết yến tại đây, sai các quan các văn nhân làm thơ phú điền từ, cùng xem hoa đăng.
Bố cục chỉnh thể của Đằng Vương các hiện nay (1) đã có nhiều biến đổi to lớn, phía tây thành Nam Xương 南昌 đã hình thành một quần thể kiến trúc phỏng cổ quy mô to lớn hoàn chỉnh. Từ đường Dung Môn 榕门phía đông tiến vào, một cổng chào to lớn kiểu thời Tống với 4 trụ 7 lầu nghinh đón khách, đi vào trong khoảng 50m, xuyên qua dãy hàng quán kiểu cổ với ngói xanh trụ đỏ là đến một khu vườn. Quảng trường rộng phía trước đã tô điểm thêm cho toà kiến trúc nguy nga, Đằng Vương các hoàn toàn triển hiện ra trước mắt. Toà các đã dựa theo bản vẽ của cổ kiến trúc đại sư Lương Tư Thành 梁思成 vẽ năm 1942, đồng thời tham chiếu bản vẽ kiến trúc “Đằng Vương các” được lưu giữ ở “Thiên lại các” 天籁阁. Chủ thể kiến trúc Đằng Vương các có 9 tầng, cao 57m5, diện tích 15.000m2. Phần dưới là toà đài cao 11m tượng trưng tường thành cổ, toà đài theo kiểu “minh tam ám thất” 明三暗七 (sáng 3 tối 7), 2 bên là đài cao đối xứng, có hành lang, đầu hành lang phía nam là “Áp Giang đình” 压江亭, đầu hành lang phía bắc là “Ấp thuý đình” 挹翠亭. Chủ thể kiến trúc trụ đỏ ngói xanh, rường chạm vẽ hoa văn, mái cong, đấu củng (2) nhiều tầng chồng lên nhau, cửa lớn cửa sổ thông thoáng, nhìn từ chính diện giống hình chữ “sơn” 山 cao vút, nhìn từ bình diện giống như chim côn bằng đang giương đôi cánh.
Đằng Vương các mới sau khi đã trùng tu, phảng phất như một cung điện nghệ thuật. Sảnh chính của tầng thứ 1 là bức phù điêu bạch ngọc khổ lớn Đằng Vương các mà Vương Bột sáng tác, khéo léo dung hợp giữa truyền thuyết và sự thực lịch sử thành nhất thể. Sảnh chính của tầng thứ 2 là bức bích hoạ lớn “Nhân kiệt đồ” 人杰图, khổ 23m90 x 2m55, vẽ những danh nhân Giang Tây độc lĩnh phong tao từ đời Tần đến đời Minh. Bức bích hoạ này cùng với bức “Địa linh đồ” 地灵图 ở tầng thứ 4 vẽ cảnh sông núi Giang Tây có thể gọi là “song bích”, người xem không ngớt trầm trồ. Tầng thứ 5 là thủ bút bài Đằng Vương các tự của Tô Đông Pha 苏东坡. Mỗi tầng đều có một chủ đề liên quan đến Đằng Vương các. Trong bài Đằng Vương các tự, 2 câu nổi tiếng nhất là:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc
落霞与孤鹜齐飞
秋水共长天一色
Ráng chiều sà xuống cùng bay với cánh cò lẻ loi
Nước sông thu với nền trời nối liền một sắc.
Hai câu này làm thành một cặp đối lớn nơi cửa chính của Đằng Vương các.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Đằng Vương các hiện nay là phiên bản trùng tu lần thứ 29, hoàn thành vào ngày 8 tháng 10 năm 1989.
(2)- ĐẤU CỦNG 斗拱: một loại kết cấu đặc biệt của kiến trúc Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ cột chìa ra gọi là củng và những trụ kê hình vuông chèn giữa các củng gọi là đấu.
(Theo Từ điển Trung Việt. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 1992)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 7 tháng 6 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
ĐẰNG VƯƠNG CÁC
滕王阁
Trong quyển
TRUNG QUỐC VĂN MINH KÌ TÍCH
中国文明奇迹
Chủ biên: Mặc Nhân (墨人)
Trung Quốc hí kịch xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật