Thầy tôi!
…Con tằm ăn lá dâu xanh…
Kiếp tằm rút ruột nhả tơ…
Ghé thăm thầy trong những ngày đầu hè oi bức, căn phòng nhỏ mà thầy hay gọi đùa là “ lò bát quái” với bốn bề sách, tranh, thư pháp… như trật trội hơn. Chúng tôi thật sự xúc động khi thầy vẫn ngồi đó làm việc trên chiếc bàn giản đơn cặm cụi tra cứu từng trang từ điển, lật từng cuốn sách, những giọt mồ hôi lăn dài trên trán…
“ Con tằm ăn lá dâu xanh
Nhả ra sợi trắng mong manh sợi vàng”
Chẳng biết tại sao mỗi lần đọc hai câu thơ này tôi lại liên tưởng đến hình ảnh thầy giáo chủ nhiệm bốn năm đại học của chúng tôi. Thầy giáo Huỳnh Chương Hưng - con người giản dị, tài hoa, mong manh như một bài thơ ấy đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về nhân cách, về tài năng, về sự mẫu mực trong lòng biết bao thế hệ hoc trò.
…Con tằm ăn lá dâu xanh…
Thầy Huỳnh Chương Hưng sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, kế thừa những giá trị văn hóa cổ truyền của ông cha, cùng với sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo, sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, thầy tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TP.HCM (cũ) hạng giỏi, được giữ lại trường giảng dạy môn Hán - Nôm cho sinh viên khoa ngữ văn năm nhất, năm hai. Thầy nói tiếng Hoa lưu loát, lúc bấy giờ rất dễ xin vào làm phiên dịch cho các công ty Đài Loan ở TP.HCM, lương gấp 2 - 3 lần giảng viên đại học ( lúc bấy giờ còn rất khó khăn ), thầy có lần đã tâm sự với sinh viên về sự lựa chọn của mình: “Mình đã theo cái nghiệp dạy học thì không thể xa sinh viên”. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, thầy xin chuyển công tác ra Trường ĐH Sư phạm Qui Nhơn. Và ở đây những phẩm chất cao quý cùng những nét tài hoa nghệ sĩ của thầy ngày càng được bộc lộ rõ nét…
…Nhả ra sợi trắng…
Như một con tằm cân mẫn rút ruột mình nhả những sợi tơ vàng óng mượt hữu ích cho đời. Thầy miệt mài bên những trang giáo án chuẩn bị những bài giảng trên lớp một cách công phu, hấp dẫn, nhưng cũng đầy tính khoa học. Bao thế hệ sinh viên đi qua là bấy nhiêu những kí ức tốt đẹp về một người thầy giản dị, tân tụy hết lòng với sinh viên, với công việc của lớp, của khoa, của trường… Đúng như nhận xét của thầy Trần Xuân Toàn ( phó chủ nhiệm khoa): “Lâu nay, nói đến anh Huỳnh Chương Hưng, giảng viên Hán-Nôm, đang công tác tại khoa Ngữ Văn, trường Đại học Quy Nhơn, thì từ đồng nghiệp cũ và mới cho đến học trò, sinh viên xưa và nay, đều nói: anh là một thầy giáo mẫu mực, uyên bác; từ bạn bè thân quen cho đến những người tiếp xúc với anh vài lần, đều bảo: đấy là một người rất gần gũi, hiểu người, hiểu đời và rất khiêm cung.
…Bạn bè, đồng nghiệp, học trò thường xem anh như một nho sĩ thời hiện đại, một kẻ sĩ như cách người xưa gọi”.
…Mong manh sợi vàng…
Ngoài công việc chính là giảng dạy, đòi hỏi thầy phải luôn đọc sách, viết lách, dịch thuật, … mọi người còn biết đến thầy với nhiều tài năng khác:
Tranh vẽ và thư pháp của thầy Huỳnh Chương Hưng
Ai đã từng chiêm ngưỡng những bức tranh, bức thư pháp của thầy chắc không khỏi trầm trồ thán phục. Những bức tranh tuyệt đẹp về tùng, cúc, trúc, lan, về mai, đào, mẫu đơn…những bức thư pháp tung hoành phóng khoáng, phiêu dật… như thu bắt cái hồn của vạn vật bằng những nét cọ tinh tế đưa người đọc vào một thế giới thanh sạch của những trang quân tử, dập dìu cùng những tài tử giai nhân những tao nhân mặc khách. Tranh vẽ trên giấy, chữ viết bên tranh hài hòa trong sự đồng nhất gọi hồn thiêng Đông Á .
Hình của thầy đang hát
Ai đã từng nghe thầy hát chắc hắn sẽ không bao giờ quên. Những tình khúc tiền chiến của Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… được ngân lên bằng tiếng hát cao vút, trầm ấm của thầy đã làm xúc động biết bao thế hệ học trò. Và sẽ thật thiếu xót nêu không nhắc đến bài hát Tây Du Ký bài hát tủ đã làm nên thương hiệu của riêng thầy. Xúc động khi nghe thầy hát có sinh viên đã viết:“ Lời thầy hát vọng vang như suối lạ/ Đưa con về thực tại thầy ơi!/ Ngâm lại truyện xưa con chợt hiểu thêm đời/ Hiểu mái tóc thầy ơi! Sao bạc trắng”
Đi qua những bộn bề toan tính lợi danh, những lo nghĩ vật chất tầm thường tủn mủn ngày ngày thầy vẫn lên lớp với một tâm niệm hết sức bình thương hết mình về học trò, hết mình về những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Và chúng tôi những thế hệ học trò của thầy sẽ mãi không bao giờ quên lời dặn dò của thầy trước lúc ra trường: ““…Các em làm bất cứ việc gì cũng được nghĩa là có ích cho xã hội, sống lương thiện là điều đáng quý, đáng trân trọng…”
Lại Đức Trung
Tg: Lại Đức Trung - Lớp Tổng hợp Văn k28 – Trường ĐH Quy Nhơn