Nghiên cứu: Tìm hiểu về hai chữ "Tả" "Hữu"

TÌM HIỂU VỀ HAI CHỮ “TẢ” “HỮU”


1- Ý nghĩa của hai chữ “Tả” “Hữu”
          Chữ “Tả” () và chữ “Hữu” () theo Thuyết văn giải tự (说文解字) là loại chữ Hội ý (1).
          - Chữ “Tả” nghĩa ban đầu là đưa tay ra giúp, gồm chữ “thủ” là tay ở trên và chữ “công” là việc ở dưới.
          - Chữ “Hữu” cũng có nghĩa là giúp, gồm chữ “thủ” là tay ở trên và chữ “khẩu” là miệng ở dưới, miệng sẽ giúp đỡ cho tay.
          Như vậy, ý nghĩa ban đầu của “tả” và “hữu” là giúp đỡ, về sau thêm vào bộ “nhân” thành 2 chữ , 佑 với nghĩa là giúp đỡ, còn , có nghĩa là trái với phải. Hiện nay 2 chữ , được dùng với nghĩa trái, phải.

2. Vài dẫn chứng về quan niệm  tôn tả và tôn hữu
          Hai chữ “tả” và “’hữu” trong quan niệm của người Trung Quốc cổ đại có hàm nghĩa văn hoá tương phản.
          - Một là Tả tôn hữu ti (bên trái cao quý, bên phải thấp kém)
          - Hai là Hữu tôn tả ti (bên phải cao quý, bên trái thấp kém)
          Hai hàm nghĩa văn hoá tương phản này tồn tại song song trong nhận thức của người Trung Quốc cổ đại. Các thư tịch cổ khi đề cập đến vai trò cao thấp của chúng cũng hoàn toàn khác nhau, như trong Lễ kí (礼记), Lã thị Xuân Thu (吕氏春秋), Thi kinh (诗经), Tả truyện (左传), Sử kí (史记), Hậu Hán thư (后汉书) … Dưới đây là một vài dẫn chứng.
          2.1- Quan niệm hữu tôn tả ti:
Ân nhân dưỡng quốc lão vu Hữu học, dưỡng thứ lão vu Tả học.
殷人养国老于右学, 养庶老于左学
(Nhà Ân nuôi dưỡng quốc lão ở nhà Hữu học, nuôi dưỡng thứ lão ở nhà Tả học)
                                            (Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制)
          Hữu học (右学) tức Đại học, Tả học (左学) tức Tiểu học. Quốc lão tôn quý hơn thứ lão, như vậy có thể biết Hữu học tôn quý hơn Tả học.

Bạch Khởi vi Tả canh, công Hàn Nguỵ vu Y Khuyết.
白起为左更, 攻韩魏于伊阙
(Bạch Khởi tước là Tả canh, đánh Hàn Nguỵ ở Y Khuyết)
                  (Sử kí – Bạch Khởi Vương Tiễn liệt truyện 史记 - 白起王翦列传)
          Tả canh (左更) là tước ở cấp bậc thứ 12, sau Trung canh (中更) cấp bậc thứ 13, và Hữu canh (右更) cấp bậc thứ 14 trong hệ thống 20 tước vị của nhà Tần, cấp 1 là thấp nhất, cấp 20 là cao nhất. Không chỉ Tả canh, Hữu canh; tước Tả thứ trưởng (左庶长) cũng thấp hơn Hữu thứ trưởng (右庶长) (2).
          Nãi dĩ Giáng Hầu Bột vi Hữu thừa tướng, vị thứ đệ nhất. (Trần) Bình tỉ vi
Tả thừa tướng, vị thứ đệ nhị.
          乃以绛侯勃为右丞相, 位次第一. () 平徙为左丞相, 位次第二.
          (Bèn phong Giáng Hầu Bột làm Hữu thừa tướng, thứ bậc đệ nhất. Trần Bình bị đổi làm Tả thừa tướng, thức bậc đệ nhị)
                               (Sử kí – Trần Thừa tướng thế gia 史记 - 陈丞相世家)
          Thời cổ, được thăng quan gọi là “hữu di” (右移), còn bị biếm chức gọi là “tả thiên” (左迁), “tả giáng” (左降), “tả chuyển” (左转), “tả tước” (左削), “tả thoái” (左退), “tả truất” (左黜), “tả thụ” (左授), “tả hoạn” (左宦).
          Khi xã hội thị tộc phụ hệ xuất hiện, quan niệm trọng nam khinh nữ được xác lập thì nam sẽ gắn với “hữu”, nữ gắn với “tả”, như:
Nam tử hành hồ đồ hữu, nữ tử hành hồ đồ tả
男子行乎涂右, 女子行乎涂左
(Nam đi bên phải đường, nữ đi bên trái đường)
                                              (Lã thị Xuân Thu – Lạc thành 吕氏春秋 - 乐成)

Đạo lộ, nam tử do hữu, nữ tử do tả.
道路, 男子由右, 女子由左
(Trên đường, nam bên phải, nữ bên trái)
                                                           (Lễ kí – Nội tắc 礼记 - 内则)
          Với một vài dẫn chứng về quan niệm tôn hữu ở trên, có thể thấy rằng:
          “Hữu” mang ý nghĩa tốt đẹp như: yêu chuộng, thân cận, ngay thẳng, ở trên.
          “Tả” mang ý nghĩa không tốt như: xa cách, thấp kém, nghiêng lệch, ở dưới.
          - “Tả đạo” (左道): chính là tà đạo, ý nói mất đi sự chính đáng, mất đi sự ngay thẳng, trái với lẽ thường, cũng được gọi là “ngoại đạo”.
          - “Tả ngôn” (左言): ngôn ngữ của các vùng khác.
          - “Tả sai” (左猜): suy nghĩ không chính đáng.
          - “Tả kế” (左计): mưu kế gian ác.
          2.2- Quan niệm tả tôn hữu ti
           Cát sự thượng tả, hung sự chuộng hữu. Thiên tướng quân cư tả, thượng tướng quân cư hữu, ngôn dĩ tang lễ xử chi.
           吉事尚左, 凶事尚右. 偏将君居, 左上将军居右, 言以丧礼处之
         (Việc lành chuộng bên tả, việc dữ chuộng bên hữu. Phó tướng ở bên trái, thượng ở bên phải, ý nói lấy tang lễ mà đối xử việc quân)
                                                                   (Đạo đức kinh 道德经 , 31)
          Tức lúc bình thường hoặc cát sự thì tả tôn hữu ti, chỉ khi hung sự mới hữu tôn tả ti. Tại sao cát sự chuộng tả, hung sự chuộng hữu? Hung sự chuộng hữu vì hữu thuộc âm. Cát chuộng tả vì tả thuộc dương, cho nên tả cát hữu hung.
         Và cũng vì tả thuộc dương, hữu thuộc âm nên nam thuộc tả nữ thuộc hữu.
Sinh tử, nam tử thiết hồ vu môn tả, nữ tử thiết thuế vu môn hữu.
生子, 男子设弧于门左, 女子设帨于门右
          (Sinh con, nếu là con trai thì treo cung bên trái cửa, nếu là con gái thì treo khăn bên phải cửa)
                                                            (Lễ kí – Nội tắc 礼记 - 内则)

Quân thượng tả, tốt thượng hữu
军尚左, 卒尚右
(Chủ tướng chuộng tả, sĩ tốt chuộng hữu)
                                                                      (Lễ kí – Thiếu nghi 礼记 - 少仪)
          Bên trái là dương, chủ về sinh, vị tướng chỉ huy quyết định kế sách cho triều đình, chuộng ở trái là cốt ở chỗ lập được chiến công. Bên phải là âm, chủ về tử, hàng ngũ binh sĩ chuộng bên phải là cốt ở chỗ bày tỏ ý chí liều chết vì đất nước.

          Tề Hoàn Công tương lập Quản Trọng, lệnh quần thần viết: ‘Quả nhân lập Quản Trọng vi Trọng phụ, thiện giả nhập môn nhi tả, bất thiện giả nhập môn nhi hữu.’
齐桓公将立管仲, 令群臣曰: ‘寡人立管仲, 善者入门而左, 不善者入门而右.’
          (Tề Hoàn Công muốn lập Quản Trọng, mới bảo với quần thằng rằng: ‘Quả nhân muốn lập Quản Trọng làm Trọng Phụ, ai tán đồng thì vào đứng bên trái, ai không tán đồng thì vào đứng bên phải.’)
(Hàn Phi Tử - Ngoại trừ thuyết tả hạ - Thuyết nhị 韩非子 - 外储说左下 - 说二)
          Việc những ai tán đồng thì đứng bên trái, không tán đồng thì đứng bên phải đã thể hiện thái độ của Tề Hoàn Công.
          Nhìn chung trong cách ứng xử hàng ngày, vị trí bên trái là vị trí tôn quý dành cho bậc trưởng thượng.
          Vấn đề tôn hữu hoặc tôn tả không có tính nhất quán, nó tuỳ theo từng nơi, từng triều đại. Đời Đường đời Tống đều lấy “tả” làm đầu; đời Nguyên lại lấy “hữu” làm đầu; sang đời Minh lại lấy “tả” làm đầu. Hiện tượng lúc tôn hữu, lúc tôn tả là kết quả của việc căn cứ vào những nguyên tắc không giống nhau đế xác định.

3- Nguồn gốc của quan niệm tôn tả
          Theo Hoàng Phát Trung (黄发中), nguồn gốc của quan niệm tôn tả là ở chỗ tay trái hư tĩnh, an dật; tay phải phải làm việc, cho nên tay trái chủ về hoà bình, tốt lành; tay phải chủ về hung sự, sát phạt.
          Nhưng theo Trương Ái Đường (张霭堂), nguồn gốc của quan niệm tôn tả là do tả là dương, là thiên đạo, vì trong Dật Chu thư – Vũ thuận (逸周书 - 武顺) có ghi rằng:
Thiên đạo thượng tả, nhật nguyệt tả di; địa đạo thượng hữu, thuỷ đạo đông lưu.
天道尚左, 日月左移; 地道尚右, 水道东流
          (Thiên đạo chuộng bên trái, nên mặt trời mặt trăng di chuyển về hướng tây; địa đạo chuộng bên phải nên sông suối chảy về hướng đông)
          Theo Dương Lâm (杨琳), quan niệm tôn tả ti hữu xuất phát từ việc sùng bái hướng đông. Đông là hướng dương, chủ về sinh; còn tây là hướng âm, chủ về tử. Trời là dương, đất là âm, cho nên nói thiên đạo chuộng bên trái, địa đạo chuộng bên phải. Đông chủ về sinh, tây chủ về tử nên đã hình thành quan niệm
“tả” là cát, “hữu” là hung, “tả” là văn, “hữu” là võ.
          Để có được hướng đông là bên trái, chúng ta phải liên tưởng đến một tập tục mà các triều đại phong kiến phải tuân thủ một cách nghiêm nhặt, đó là bậc thánh nhân phải quay mặt về hướng nam để cai trị thiên hạ.
          Cũng theo Dương Lâm, không nên tuyệt đối cho rằng hiện tượng tôn tả đều bắt nguồn từ việc sùng bái hướng đông. Thời cổ khi đánh xe ngựa, vị trí bên trái là tôn quý, điều này rất có thể xuất phát tự sự thuận tiện. Trên chiến xa, người bảo vệ ở bên phải mới thuận lợi cho việc sử dụng vũ khí để bảo vệ chủ tướng của mình.

4- Nguồn gốc của quan niệm tôn hữu
          Quan niệm tôn hữu có thể bắt nguồn từ việc tay phải thuận tiện trong công việc. Trương Ái Đường cho rằng nguồn gốc của quan niệm tôn hữu là do bởi tay phải thuận tiện, có sức. Dương Lâm cũng đồng ý với nhận định này. Sự thuận tiện có sức của tay phải là bản năng của nhân loại, gắn bó với nhân loại. Chính vì thế quan niệm tôn hữu đã có từ rất sớm, nó đã tồn tại một cách rộng rãi ở nhiều dân tộc trên thế giới. Với một số ngôn ngữ, từ “hữu” luôn có hàm nghĩa tốt đẹp như chính xác, thuận lợi, vượt trội; từ “tả” có hàm nghĩa không tốt như nghiêng lệch, không thuận lợi, thấp kém.

5- Kết luận
          Tóm lại, quan niệm tôn hữu đã có từ thời xa xưa và là một hiện tượng văn hoá mang tính phổ biến, được lưu hành rộng rãi, phạm vi đề cập rộng, ảnh hưởng lớn. Tôn tả xuất hiện sau, phạm vi đề cập hẹp, ảnh hưởng nhỏ, không được phổ biến sâu rộng. Chính vì thế trong Hán ngữ, chữ “hữu” còn có nghĩa là “thượng” “cao” là “thân cận” mà chữ “tả” không có được.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn ngày 2 tháng 5 năm 2012

Chú thích:
(1)- Xem Thuyết văn giải tự (说文解字) (Văn bạch đối chiếu), trang 123, 123.
            Chủ biên: Lí Ân Giang (李恩江), Giả Ngọc Dân (贾玉民)
            NXB Khách Thập Duy Ngô Nhĩ, 2002.

(2)- Chế độ tước vị quân công 20 cấp của nhà Tần và nhà Hán từ thấp đến cao như sau:
            1- Công sĩ (公士),  2- Thượng tạo (上造),  3- Trâm kiêu (簪枭),  4- Bất canh (不更),  5- Đại phu (大夫),   6- Quan đại phu (官大夫),  7- Công đại phu (公大夫),  8- Công thừa (公乘),  9- Ngũ đại phu (五大夫),  10- Tả thứ trưởng (左庶长),  11- Hữu thứ trưởng (右庶长),  12- Tả canh (左更),  13- Trung canh (中更),  14- Hữu canh (右更),  15- Thiếu thượng tạo (少上造),  16- Đại thượng tạo (大上造),  17- Tứ xa (驷车),  18- Đại thứ xa (大庶车),  19 – Quan nội hầu (关内侯),  20- Triệt hầu (彻侯)
            Nguồn: http://baike.baidu.com/view/1594633.htm


TÀI LIỆU THAM KHẢO


TỪ ĐIỂN
1-HỨA THẬN (Hán): Thuyết văn giải tự, Trung Hoa thư cục xuất bản. (bản chữ Hán), 1996
2- LÍ ÂN GIANG, GIẢ NGỌC DÂN: Thuyết văn giải tự  (Văn bạch đối chiếu), NXB Khách Thập Duy Ngô Nhĩ, 2002
3-NGUYỄN TÔN NHAN: Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, HCM, 2002
4-THIỀU CHỬU: Hán Việt tự điển, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, HCM, 1993
5- Khang Hi tự điển ( Tiêu điểm chỉnh lí bản). Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003. (bản chữ Hán)
6-Từ Hải, Thượng Hải Phúc châu lộ, Trung Hoa thư  cục xuất bản, năm 1967 (bản chữ Hán)
7-Từ điển Trung – Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992

SÁCH
1-DƯƠNG LÂM (1996), Hán ngữ từ hối dữ Hoa Hạ văn hoá, NXB Ngữ văn, Bắc Kinh, Trung Quốc. (bản Trung văn)


Previous Post Next Post