Dịch thuật: Sự ra đời và phát triển của bút lông

SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA BÚT LÔNG

          Bút lông có lịch sử rất lâu đời, nhưng bắt nguồn từ thời nào thì vẫn còn nhiều tranh luận. Trong các thư tịch cổ có thuyết cho Mông Điềm (蒙恬) là người chế tạo ra. Theo lẽ thường mà nói, có thư khế nhất định là có bút, nhưng nhìn từ những tư liệu khảo cổ phát hiện được, việc sử dụng bút lại sớm hơn thời kì này.
          Trên những đồ gốm thuộc thời đại đồ đá mới vẽ rất nhiều đồ hoạ, khắc nhiều dạng phù hiệu, đặc biệt là hoa văn gốm màu, đường nét linh hoạt, bút pháp rõ ràng, có dấu vết nét bút nhấc lên đè xuống tạo thành đường thô hoặc mịn, đây rõ ràng là đã dùng bút lông  hoặc công cụ được chế tạo ra từ lông. Với gốm màu loại hình này, cả khu vực văn hoá Ngưỡng Thiều (仰韶) đều có những phát hiện như vậy, công cụ thư hoạ giống như bút đã được ứng dụng phổ biến. Vì thế, bút lông đã xuất hiện vào thời kì đồ đá mới. Đến thời Ân Thương, bắt đầu khắc văn tự lên giáp cốt. Trên bề mặt của những mảnh xương thú và mai rùa phát hiện được hiện nay, có lưu lại vết mực rõ ràng, vì thế có người cho rằng trước tiên dùng đao bút thuận tay mà khắc, có người lại cho rằng trước tiên dùng bút lông viết chữ làm nền, sau đó dùng dao theo đó mà khắc lại. Ngoài ra, trong giáp cốt xuất hiện tương đối nhiều chữ “duật” (), đây cũng chính là chữ bút. Bất luận như thế nào, bút lông dùng để viết hoặc tô màu lên trên giáp cốt là điều không phải nghi ngờ gì nữa.
          Bút lông thời Ân Thương chỉ có thể là những cây bút đơn sơ, có lẽ là “loại cây với túm lông đuôi của con thú nhỏ hoặc một túm lông mịn được buộc lại với nhau”, tóm lại không giống với bút lông hoàn mĩ đời sau.
          Sách cổ có nói đến bút lông sớm nhất là Thái Công bút minh (太公笔铭):
Hào mao mậu mậu, hãm thuỷ khả thoát.
毫毛茂茂, 陷水可脱
(Lông bút dày rậm, rơi xuống nước có thể thoát được) (1)
          Trong Xuân Thu (春秋), Thượng thư – Hầu ngôn (尚书 - 侯言) cũng có những ghi chép về bút. Những phát quật khảo cổ cũng đã chứng minh những ghi chép đó là chân thật đáng tin. Tháng 6 năm 1954, tại núi Tả Gia Công (左家公) ở thành phố Trường Sa (长沙) tỉnh Hồ Nam (湖南), trong một ngôi mộ thời Chiến quốc đã phát hiện được một cây bút làm bằng lông thỏ, đầu bút nhọn, rất thích hợp cho việc viết trên thẻ tre thẻ gỗ. Phần đầu nằm trong một ống trúc nhỏ, cán bút được làm bằng trúc, đặc ruột, tròn hình trụ, đầu cán bút có lông bút vây quanh dùng tơ quấn chặt, bên ngoài phết lên một lớp sơn, khiến cho bút cố định chắc chắn. Đây là cây bút cổ nhất mà chúng ta nhìn thấy được, và cũng là cây bút cổ nhất hiện còn trên thế giới. Do bởi Hồ Nam thời cổ thuộc nước Sở, nên bút này goi là Sở bút (楚笔).
          Thời Chiến quốc chư hầu cát cứ, văn tự các nước không giống nhau, tên gọi của bút cũng khác nhau. Nước Sở gọi bút là duật (), nước Ngô gọi là bất luật (不律), nước Yên gọi là phất (). Sau khi Tần thống nhất Trung Quốc mới gọi là bút (). Bút đời Tần vẫn lấy trúc làm cán.
          Bút đời Hán dùng lông thỏ là chính, cũng có loại dùng râu chuột. Những nơi ít trúc như ở tây bắc, dùng gỗ làm cán. Bất luận là bút bằng trúc hay bút bằng gỗ, cách tạo hình tương đối công phu, tinh tế, trở thành vật dùng để tặng hoặc để thưởng ngoạn trong giới thống trị. Do bởi nghệ thuật thư pháp phát triển nên đã khiến cho yêu cầu của các nhà thư pháp đối với bút ngày càng cao, có người rất tinh tế trong việc chế tạo bút, trở thành thợ chế tạo bút nổi tiếng, như Thảo thánh Trương Chi (张芝) đời Hán, không chỉ nổi tiếng sáng tạo ra thể chữ Kim thảo mà còn nổi tiếng trong việc chế tạo ra bút, mọi người gọi là “Trương Chi bút”
          Công nghệ chế tạo bút đời Nguỵ Tấn đã có những cải tiến lớn, chủng loại tăng nhiều, xuất hiện “Ngạnh hào bút” (硬毫笔) (bút lông cứng), “Nhuyễn hào bút” (软毫笔) (bút lông mềm), “Kiêm hào bút” (兼毫笔) (bút kiêm cả hai).Bút lớn với đầu bút no mập, đa phần tuyển chọn dùng lông thỏ, những loại lông hiếm có khác như lông hươu, lông gà cũng bắt đầu được dùng để chế tạo bút. Xã hội đối với việc lựa chọn lông bút, đầu bút, độ dài của cán, chất liệu của bút đều có tiêu chuẩn nhất định và quy phạm so sánh. Đến thời Nam Bắc triều, cán bút nhìn chung tương đối ngắn, phần đuôi của cán bút cũng không vót nhọn. Thời kì này, các loại thư thể của thư pháp đã tiến đến chỗ thành thục, phong các của các nhà thư pháp cũng khác nhau, nên yêu cầu đối với bút cũng khác nhau, điều này đã kích thích việc chế tạo bút. Sự cải tiến của bút đã cung cấp những điều kiện có lợi  cho sự phát huy tài năng nghệ thuật của các nhà thư pháp, sáng tạo ra phong cách nghệ thuật độc đáo.
          Đời Đường công nghệ chế tạo bút phát triển chưa từng có, xa rời tập quán nhà thư pháp chế tạo bút, tiêu chí của nó là sự phồn vinh của Tuyên bút (宣笔). Đời Đường chuộng lông bút cứng hướng lên, đầu bút ngắn nhỏ và sắc sảo (Kê cự bút - 鸡距笔), cán bút có chạm khắc hoặc trang sức, khiến cho bút cũng được tham dự vào hàng ngũ những vật phẩm thưởng ngoạn nghệ thuật. Cung đình bắt đầu lập ra phường chế tạo bút, đồng thời bút ở các nước khác cũng bắt đầu nhập vào, sớm nhất là Lang hào bút (狼毫笔 bút lông sói) của Triều Tiên.
          Đời Tống đã thay đổi phương pháp chế tạo bút lông cứng của đời trước, khiến cho nguyên liệu chế tạo bút cùng tính năng của bút đi đến chỗ đa dạng, hướng đến sự phát triển bút lông mềm. Thời Bắc Tống vẫn lấy Tuyên Châu làm trung tâm chế tạo bút, đồng thời mở rộng ra đến các nơi khác như Hấp (), Y (), Quảng Lăng (广陵). Nam Tống dời đô đến Lâm An (临安), Tuyên bút có xu hướng suy yếu, trung tâm chế tạo bút dời đến vùng Ngô Hưng (吴兴) Triết Giang (浙江)
          Bút đời Tống tinh xảo không gì sánh bằng, họ Chư Cát (诸葛) chế tạo ra loại “Vô tâm tán trác bút” (无心散卓笔), rất được mọi người yêu thích. Lông thỏ tuy vẫn chiếm địa vị hàng đầu nhưng lông chuột, lông tinh tinh, lông gà, lông dê cũng đều được dùng. Loại Kiêm hào bút do lông dê và lông thỏ hợp chế đã thịnh
hành một thời. Do bởi lưu hành loại lông mềm nên kiểu chữ hành chữ thảo ở đời Tống phát triển đến cực độ, nhưng kiểu chữ khải không bằng đời Đường.
          Lịch sử của bút khi phát triển đến sau đời Nguyên thì dường như là lịch sử đơn nhất của Hồ bút (湖笔). Tuy Tuyên bút vẫn còn được sản xuất, nhưng rốt cuộc giống như hoa vàng ngày trước, khó mà địch nổi Hồ bút. Đời Nguyên danh bút có Tương bút (湘笔), đặc biệt nổi tiếng nhất là loại kiêm hào, loại thuỷ bút (2).
          Đời Minh chuộng loại lông cứng, đầu bút no tròn, có tính đàn hồi. Kĩ nghệ chế tạo Hồ bút phát triển thêm một bước. Về phương diện tuyển chọn chất liệu, trừ những bút truyền thống như bút lông dê, bút lông sói, bút tử hào (3), còn có bút được làm từ lông con điêu, lông heo. Cán bút có loại bằng trúc, có loại bằng gỗ đàn hương, gỗ lê, có cả loại làm bằng vàng, bạc, ngọc thạch, ngà voi, đồi mồi, ống bằng sứ … , trên cán bút  có chạm khắc, khảm, vẽ. Với phong khí xa xỉ như vậy, bút đã mất đi giá trị thực dụng. chủng loại của các loại danh bút như Tương bút, Kinh bút cũng rất phong phú. Thời bấy giờ chế ra được các loại như đẩu bút (斗笔), quản bút (管笔), tra bút (楂笔) rất thích để viết.
          Công nghiệp chế tạo bút đời Thanh càng thịnh vượng, lấy Hồ Châu (湖州) làm trung tâm, mở rộng khắp 4 hướng đông tây nam bắc. Đầu đời Thanh vẫn thịnh hành bút lông cứng, sau thời Gia Khánh (嘉庆), Đạo Quang (道光) loại bút mềm với nguyên liệu là lông dê lại phát triển trở lại, trở thành công cụ viết thông hành, bút lông cứng dần đi vào suy thoái.


CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Câu này đầy đủ là:
Hào mao mậu mậu, hãm thuỷ khả thoát, hãm văn bất hoạt
毫毛茂茂, 陷水可脱, 陷文不活
          Hào mao mậu mậu là chỉ hình dạng của cây bút.
          Còn  hãm thuỷ khả thoát, hãm văn bất hoạt ý nói cây bút của văn nhân cũng giống như binh khí của võ sĩ, rất là lợi hại. Người bị rơi xuống nước thì có thể cứu được, còn người mà bị người khác dùng văn chương thêu dệt đặt điều để hãm hại thì không thể sống được.
          Nguồn http://zhidao.baidu.com/question/63638407

(2)- THUỶ BÚT (水笔): loại bút lông dùng cho cả thư và hoạ, đầu bút được làm từ hai loại lông: bên trong là lông dê hoặc lông thỏ để giữ nước, bên ngoài bọc bằng lông sói.

(3)- BÚT TỬ HÀO (紫毫): một loại bút mà đầu bút được làm từ lông thỏ sợi nhỏ cứng có sắc đỏ đậm. Bút tử hào cứng hơn bút lông dê.
          Trong bài Tử hào bút (紫毫笔) của Bạch Cư Dị (白居易) có câu:
………..
Giang Nam Thạch Thượng hữu lão thố,
Khiết trúc ẩm tuyền sinh tử hào.
Tuyên thành công nhân thái vi bút,
Thiên vạn mao trung tuyển nhất hào.
……….
江南石上有老兔
喫竹饮泉生紫毫
宣城工人采为笔
千万毛中选一毫
Nơi Thạch Thượng ở Giang Nam có loài thỏ,
Ăn trúc uống nước suối, mọc ra lông màu tía.
Công nhân ở Tuyên thành lấy lông đó làm bút,
Trong hàng ngàn hạng vạn sợi mới chọn ra được một sợi
          Nguồn httP://baike.baidu.com/view/375256.htm

                                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn ngày 4 tháng 5 năm 2012


Dịch từ nguyên tác Trung văn
CỔ BÚT ĐÍCH NGUYÊN LƯU
古笔的源流
Trong quyển
CỔ NGOẠN THU TÀNG CHỈ NAM
古玩收藏指南
Biên soạn: Long Tùng (龙松), Kỉ Bình (纪平)
Hà Bắc Nhân dân xuất bản xã, 1994.
Previous Post Next Post