Dịch thuật: Kim Thánh Thán quả thực khiến mọi người cảm thán

KIM THÁNH THÁN
QUẢ THỰC KHIẾN MỌI NGƯỜI CẢM THÁN

          Kim Thánh Thán 金圣叹 là nhà phê bình văn học nổi tiếng cuối đời Minh đầu đời Thanh, từng gọi Li tao 离骚 Trang tử 庄子 Sử kí 史记, Đỗ thi 杜诗 Thuỷ hử 水浒 Tây sương kí 西厢记 là “Lục tài tử thư”. Ông còn tiến hành sửa qua Thuỷ hử, Tây sương kí. Bộ Thuỷ hử mà ông sửa, thành sách vào cuối đời Sùng Trinh 崇祯 nhà Minh, bỏ hồi thứ 71 ở sau liên quan tới nội dung chiêu an, đánh Phương Lạp 方腊, bổ sung tình tiết Lư Tuấn Nghĩa 卢俊义 nằm mộng thấy toàn bộ đầu lĩnh Lương Sơn 梁山 bị bắt, trong lời bình có những kiến giải độc đáo ảnh hưởng rất lớn đến đời sau.
          Kim Thánh Thán vốn họ Trương  tên Tống  (1), tự Nhược Tống 若宋, người huyện Ngô )tỉnh Giang Tô 江苏. Sau khi triều Minh bị diệt vong, ông đổi sang họ Kim  lấy tên là Nhân Thuỵ 人瑞, tự Thánh Thán 圣叹. “Nhân Thuỵ” có nghĩa là điềm tốt lành chốn nhân gian, điển này xuất phát từ Tứ tử giảng đức luận 四子讲德论:
          Kim hải nội lạc nghiệp, triều đình thục thanh, thiên phủ kí chương, nhân thuỵ hựu minh.
今海内乐业, 朝廷淑清, 天府既章, 人瑞又明.
          (Nay trong nước yên vui, triều đình thịnh trị, phủ trời đã đẹp, điềm lành chốn nhân gian lại sáng)
          Ông đổi tên “Nhân Thuỵ” một là lấy ý điềm tốt lành chốn nhân gian, hai là lấy ý “hựu minh” biểu thị lòng nhớ đến triều Minh.
          Về lai lịch của tên tự “Thánh Thán” có 2 thuyết:
          Thuyết thứ 1: Có người hỏi ông “Thánh Thán” có ý nghĩa gì? Ông đáp rằng:
"Trong Luận ngữ 论语 có 2 chỗ ghi vị nhiên thán viết 喟然叹曰 (2), một là Nhan Uyên 颜渊 tán thán Khổng Tử, Khổng Tử được xem là Thánh nhân nên gọi là “thán Thánh”; hai là Tăng Điểm 曾点 được Khổng Tử tán thán, gọi là “Thánh thán”. Ta cũng giống như Tăng Điểm, cho nên đổi là “Thánh Thán”."
          Kim Thánh Thán có tài nhưng cao ngạo, tự ví mình như Tăng Điểm được Khổng Tử tán thán nên đã lấy tên tự là “Thánh Thán”.
          Thuyết thứ 2: có một lần, ông cùng một đám tú tài, giám sinh đến Văn miếu tế Khổng Tử. Lễ tế vừa kết thúc, đám thư sinh thường ngày nho nhã đột nhiên xông lên trước án, giành lấy bánh và thịt, chọn miếng ngon vất miếng dở, lấy cái lớn bỏ cái nhỏ, hành vi vô cùng xấu xa. Nhân vì lúc bấy giờ có điều mê tín rằng: ai giành lấy được thịt ngon, bánh lớn người đó sẽ thi đậu. Kim Thánh Thán lúc ấy vẫn còn mang tên Trương Nhược Tống không tin nên không tham gia vào mà chỉ đứng bên cạnh xem. Cảnh tượng đó khiến ông cảm khái, vì thế lập tức làm bài thơ châm biếm:
Thiên vãn tế tự liễu
Hốt nhiên náo sảo sảo
Tế nhục tranh phì sấu
Man đầu thưởng đại tiểu
Nhan Hồi đê đầu tiếu
Tử Lộ bả cước khiêu
Phu Tử vị nhiên thán:
“Tại Trần ngã tuyệt lương
Vị kiến thử ngạ biễu”
天晚祭祀了
忽然闹吵吵
祭肉争肥瘦
馒头抢大小
颜回低头笑
子路把脚跳
夫子喟然叹
在陈我绝粮
未见此饿殍
Trời chiều tối lễ tế xong
Bỗng nhiên huyên náo ồn ào
Tranh nhau thịt tế ngon dở
Giành nhau bánh tế lớn nhỏ
Nhan Hồi cúi đầu cười
Tử Lộ co chân chạy
Phu Tử cảm thán rằng:
“Ta lúc ở đất Trần hết cả lương thực
Cũng chưa thấy cảnh chết đói này”
          Nhân trong bài có câu cảm thán của Khổng Tử, nên mượn để làm tên tự là “Thánh Thán”. Mọi người gọi tượng của Khổng Tử là “kim thân”, nên ông đã đổi họ Trương sang họ Kim. Như vậy, ông có tên là “Kim Thánh Thán”.
          Kim Thánh Thán từ lúc nhỏ đã tài trí hơn người, nhưng ông cậy tài ngạo thế, trên con đường thi cử luôn thất ý, cuối cùng trong vụ “khốc miếu án” ông bị giết oan, năm đó chỉ mới 53 tuổi. Một đời tài hoa mà lại chết như thế quả là đáng tiếc thương, đáng cảm thán.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
1- Một số tư liệu cho rằng tên ông là Thái , tự Nhược Thái 若采, không rõ nguyên tác có in nhầm không?
2- Thiên Tử Hãn 子罕: Nhan Uyên vị nhiên thán viết 颜渊喟然叹曰
Thiên Tiên tiến 先进: Phu Tử vị nhiên thán viết 夫子喟然叹曰

                                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn ngày 18 tháng 5 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
KIM THÁNH THÁN XÁC THỰC LINH NHÂN CẢM THÁN
金圣叹确实令人感叹
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên 张壮年
            Trương Dĩnh Chấn 张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, 2005.

Previous Post Next Post