KHÔNG ĐỘI MŨ LÀ KHÔNG CÓ LỄ TIẾT
Thời cổ ở Trung Quốc, đội mũ là một trong những nội dung quan trọng của lễ. Giữa 2 người có địa vị gặp nhau, hoặc khi tham gia các hoạt động xã hội, nhất định phải đội mũ, không đội mũ để đầu trần, dung mạo sẽ không được nghiêm chỉnh. Để đầu trần không chỉ là biểu hiện của hành vi không phù hợp lễ tiết trước mặt người khác mà còn làm mất đi thân phận của mình. Tề Cảnh Công (齐景公) thời Xuân Thu có một lần không đội mũ ra khỏi cung, người giữ cửa liền bảo rằng, ra đi như thế không phải quốc quân của một nước. Tề Cảnh Công hổ thẹn liền quay lại. Mã Viện (马援) thời Đông Hán lúc chưa làm quan còn ở nhà, vô cùng tôn kính chị dâu, không đội mũ quyết không bước vào nhà chị dâu. Hoàng đế lấy lễ kính trọng đại thần cũng như vậy. Thời Hán Vũ Đế (汉武帝) nhà Tây Hán, đại thần Cấp Ảm (汲黯) hướng đến Vũ Đế dâng tấu, đang lúc Vũ Đế không đội mũ, nhìn thấy Cấp Ảm tiến vào, Vũ Đế vội vàng nấp sau màn. Về sau, dùng câu “bất quán bất kiến Cấp Ảm” (不冠不见汲黯) để hình dung hoàng đế lấy lễ để kính trọng đại thần. Hoàng đế triều Thanh triệu kiến quan viên, khi không đội mũ sẽ không tuyên chiếu. Lúc trời nóng gắt thì lấy mũ xuống nhưng sai nội thị bưng đứng bên cạnh để khi tuyên chiếu đội vào. Mũ không chỉ đội mà còn phải đội cho ngay ngắn nhằm để tề chỉnh nghi dung. Bề tôi bái kiến hoàng đế, hoặc cấp dưới yết kiến cấp trên, trước tiên là phải chỉnh đốn trang phục sau đó mới vào ra mắt.
Thời cổ đội mũ của võ quan như mũ da, mũ trụ, khi gặp người khác thì phải lấy xuống, đây cũng là lễ tiết lúc bấy giờ, bởi vì những mũ này không phải loại trùm lên búi tóc. Ở Tả truyện – Chiêu Công nhị thập niên (左传 - 昭公二十年) có ghi Sở Linh Vương (楚灵王) khi ra ngoài săn bắn, quan Hữu Doãn là Tử Cách (子革) yết kiến, Sở Linh Vương liền lấy mũ da xuống biểu thị kính trọng. Cũng trong Tả truyện – Hi Công tam thập tam niên (左传 - 僖公三十三年) ghi rằng, đội quân của nước Tần khi đi ngang qua cửa bắc của nhà Chu, các binh sĩ trên chiến xa đều “miễn trụ nhi há” (免胄而下) tức lấy mũ trụ xuống và xuống xe hướng đến nhà Chu kính lễ.
Ngoài ra, bề tôi nhà Thanh khi quỳ bái hoàng đế cũng phải lấy mũ xuống sau đó mới khấu đầu. Như Tăng Quốc Phiên (曾国藩), Ông Đồng Hoà (翁同龢) khi bái kiến hoàng đế, thái hậu tại điện Dưỡng Tâm (养心) đều phải hành lễ như thế. Trong Cựu kinh toả kí – quyển ngũ – Nghi chế (旧京琐记 - 卷五 - 仪制) cũng có ghi, bề tôi được triệu kiến:
Nhập ốc nhi quỵ, tiên khứ mạo, tằng thưởng hoa linh giả tất dĩ linh hướng thượng dĩ thị kính.
入屋而跪, 先去帽, 曾赏花翎者必以翎向上以示敬.
(Bước vào liền quỳ xuống, bỏ mũ ra, những người từng được thưởng hoa linh thì phải để hoa linh (1) hướng về phía trước để tỏ ý tôn kính)
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HOA LINH (花翎): theo quy chế của nhà Thanh, võ quan từ ngũ phẩm trở lên hoặc văn quan tuần phủ kiêm đề đốc được ban thưởng lông chim công gắn lên mũ, gọi đó là “hoa linh”. Hoa linh có loại đơn nhãn, song nhãn, tam nhãn. Nhãn (眼) ở đây chỉ hoa văn tròn trên lông chim công.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 24 tháng 5 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung Văn
BẤT ĐỚI QUAN MẠO VÔ LỄ TIẾT
不戴冠帽无礼节
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
LỄ NGHI
中国民俗文化
礼仪
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật