Dịch thuật: Cách xưng hô và "tị huý" trong dân tục cổ đại Trung Quốc

CÁCH XƯNG HÔ VÀ “TỊ HUÝ”
TRONG DÂN TỤC CỔ ĐẠI TRUNG QUỐC


          Thời cổ đại Trung Quốc, trong giao tiếp giữa mọi người với nhau, người ta thường dùng quan giai chức vị để xưng hô, không dùng họ tên để xưng hô. Có thể tuỳ thời tuỳ nơi dùng quan giai chức vị xưng hô để thể hiện thân phận và địa vị xã hội của cá nhân, đồng thời xác định mối quan hệ tôn ti giữa người với người, nhằm tránh xuất hiện những hành vi vô lễ hoặc phạm thượng vô ý thức. Khi tôn xưng đối phương thì bản thân cũng khiêm xưng. Quan lại triều đình đối với hoàng thượng thì xưng “thần” (), “nô tài” (奴才) (đời Thanh, những người địa vị thấp trước mặt kì chủ của mình thì tự xưng là “nô tài” ); quan lại cấp dưới đối với cấp trên thì tự xưng là “ti chức” (卑职), “tiểu đích” (小的); bách tính đối với quan lại thì tự xưng là “tiểu dân” (小民), “hạ dân” (下民); nữ đối với nam thì tự xưng là “thiếp” (), “tiện thiếp” (贱妾), “nô” (), “nô gia” (奴家); lớp nhỏ đối với lớp lớn thì tự xưng là “vãn sinh” (晚生), “học sinh” (学生), “hậu học” (后学), ngang hàng với nhau thì tự xưng là “bỉ nhân” (鄙人), “bất tài” (不才) v.v… Cách tự mình khiêm xưng phức tạp như thế không chỉ là thói quen dân tục nối đời thành tập quán, mà nó cũng là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong lễ giáo “tự ti nhi tôn nhân” của truyền thống văn hoá cổ đại Trung Quốc. Quan hệ đẳng cấp tôn ti trong xưng hô cũng giống những quan hệ đẳng cấp khác thời cổ đại Trung Quốc, có nguồn gốc văn hoá quan hệ gia tộc tông pháp. Điều này có thể nhìn thấy từ phương thức xưng hô thân tộc trong dân tục cổ đại Trung Quốc. Gọi là xưng hô thân tộc chính là lấy bản thân mình làm trung tâm để xác định mối quan hệ giữa thành viên trong thân tộc với người đó. Cách xưng hô thân tộc của các dân tộc trên thế giới đại để có thể chia làm 2 loại lớn: “loại phân pháp” (类分法) và “tự thuật pháp” (叙述法).
          Cách xưng hô thân tộc “loại phân pháp” chỉ nêu rõ giới tính nam nữ và thứ bậc, không nêu rõ là trực hệ hay bàng hệ, cũng không nêu rõ thuận tự lớn nhỏ của thân tộc. Trên thế giới, đa phần cách xưng hô thân tộc của các dân tộc đều theo “loại phân pháp”. Điển hình nhất là tiếng Anh, đối với nam thuộc trưởng bối như bác, chú, cậu, dượng cô, dượng dì đều xưng là Uncle; còn đối với nữ thuộc trưởng bối như bác gái, thím, cô, dì, mợ đều xưng là Aunt; hàng trung bối như anh, em trai thì xưng là Brother; chị, em gái thì xưng là Sister, thậm chí có thể tỉnh lược, gọi thẳng tên. Cách xưng hô như vậy cực kì đơn giản, vừa không có sự khu biệt phụ hệ, mẫu hệ, trực hệ, bàng hệ cũng không có giới hạn ở việc theo thứ tự lớn nhỏ. Tương phản với cách xưng hô “loại phân pháp” này, cách xưng hô của người Trung Quốc thường dùng “tự thuật pháp”. Giới hạn phụ hệ, mẫu hệ, trực hệ, bàng hệ rất rõ ràng, thuận tự lớn nhỏ cũng rất minh bạch. Cho nên có mối quan hệ xưng hô phức tạp phân biệt chú thím bác cô dì cậu mợ cả gần và xa. Nhìn từ bề ngoài, sự đơn giản hoặc phức tạp của mối quan hệ xưng hô là sự thể hiện hiện tượng dân tục, nhưng trên thực tế, nó lại thể hiện mối quan hệ huyết thống của gia tộc và mức độ coi trọng đẳng cấp trên dưới của một dân tộc. Cách xưng hô đem mối quan hệ huyết thống thân sơ và  thuận tự lớn nhỏ khu biệt một cách rõ ràng này đã tự nhiên hình thành sự khu biệt đẳng cấp thân sơ trên dưới trong tâm lí mọi người. Bác hơn chú, anh hơn em, phụ hệ thân hơn mẫu hệ, trực hệ thân hơn bàng hệ. Trong không khí văn hoá chính trị đặc thù của xã hội tông pháp từ nhà đến nước, mối quan hệ đẳng cấp tôn ti thân sơ trong nội bộ này cũng tự nhiên dẫn đến mối quan hệ chính trị xã hội. Đẳng cấp tôn ti trong quan hệ xưng hô phát triển thêm một bước trở thành hiện tượng văn hoá đặc thù trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.
          Về “tị huý”, gọi là “huý” tức tên của các bậc trưởng thượng hoặc tôn quý như tổ tiên, cha mẹ, đế vương, thánh nhân. Những chữ được dùng trong họ tên này, lúc thường ngày nói chuyện với nhau hoặc khi làm thơ viết văn, không được ai tuỳ tiện sử dụng. Nếu gặp phải những chữ này thì phải tìm cách tránh đi, đó gọi là “tị huý”. Trong xã hội Trung Quốc tị huý rất phổ biến, và cũng là bài học mà thần dân, bách tính không thể không hiểu. Nếu không chú ý, một khi phạm phải huý hoạ sẽ đến thân, thậm chí mất đầu. Do bởi tị huý, trong cuộc sống văn hoá thường ngày thường có những khó khăn phiền phức, thậm chí còn gây ra nhiều chuyện hoang đường. Phụ thân của Hoài Nam Vương (淮南王) tên “Trường” () nên ông luôn dùng chữ “Tu” () để thay thế. Sử học gia Tư Mã Thiên (司马迁) thời Tây Hán khi viết bộ Sử kí (史记) đã kị dùng chữ “Đàm” (), bởi phụ thân của ông tên Tư Mã Đàm (司马谈). Thi nhân và là văn học gia Tô Đông Pha (苏东坡) thời Tống nhân vì tổ phụ tên “Tự” (), nên khi ông viết lời tự cho người khác đều dùng chữ (tự) để thay. Có người còn hơn thế nữa, Lưu Ôn Tẩu (刘温叟) người thời Đường Ngũ đại nhân vì phụ thân tên “Nhạc” () mà ông ta suốt đời không nghe nhạc, bởi chữ “nhạc” () trong âm nhạc đồng âm với tên của phụ thân ông. Từ Tích (徐积) thời Tống, vì phụ thân tên “Thạch” () nên suốt đời ông không dùng đến đồ dùng bằng đá, đi đường gặp phải đá liền tránh không giẫm lên. Trong danh tác cổ điển Hồng lâu mộng (红楼梦), Lâm Đại Ngọc (林黛玉) mỗi khi đọc sách gặp chữ “mẫn” () liền đọc thành chữ “mật” (), khi viết gặp chữ “mẫn” () cũng bớt đi một hai nét, điều này khiến cho Giả Vũ Thôn (贾雨村) sinh ra hiếu kì, không biết lí do vì sao, mãi sau khi vào kinh nghe qua Lãnh Tử Hưng (冷子兴) nói về phủ Vinh Quốc (荣国) mới biết mẫu thân của Lâm Đại Ngọc tên là Giả Mẫn (贾敏) mới giải được mối nghi hoặc trong lòng. Những dẫn chứng nêu trên đều thuộc “gia huý”, tức tị huý tên của tổ phụ cùng các bậc trưởng bối trong gia tộc. Ngoài ra còn có “quốc huý”, tức tị huý tên của các bậc đế vương, đây là điều mà cả nước phải tuân thủ. Trong Sử kí – Hiếu Văn bản kỉ (史记 - 孝文本纪) có ghi, các bề tôi xin Hán Văn Đế lập Thái tử, nói rằng:
Tử mỗ tối trường, thuần hậu từ nhân, thỉnh kiến dĩ vi Thái tử.
子某最长, 纯厚慈仁, 请建以为太子
(Tử mỗ là tốt nhất, thuần hậu nhân từ, xin lập làm Thái tử)
          Chữ “mỗ” () ở đây chính là chỉ Hán Cảnh Đế Lưu Khải (刘启), nhân vì tị huý chữ “khải” nên đã dùng chữ “mỗ” để thay thế. Nếu không hiểu lịch sử, không hiểu tị huý trong truyền thống văn hoá Trung Quốc thì sẽ không biết “mỗ” ở đây là ai. Từ thời Đường trở về sau, nhân vì tránh chữ “thế” () ở tên của  Đường Thái Tông Lí Thế Dân (李世民) nên Quan Thế Âm Bồ Tát đã đổi là Quan Âm Bồ Tát. Hoàng đế Ung Chính (雍正) triều Thanh, tức Ái Tân Giác La Dận Chân (爱新觉罗胤禛) sau khi lên ngôi đã đổi chữ “dận” () ở tên các anh em trong hoàng thất thành chữ “duẫn” (), không cho phép phạm “quốc huý”. Ngay cả tên của ông cũng tị huý, cuối đời Ung Chính nạn “văn tự ngục” nổi lên, điều đó cũng không có gì là lạ.
          Cách xưng hô tôn kính và chế độ tị huý nghiêm trọng, nhìn từ bề ngoài dường như là biểu hiện cụ thể tập tục truyền thống văn hoá cổ đại của dân tộc Trung Hoa vốn được xem là “lễ nghĩa chi bang”, nhưng phân tích từ trình tự nội dung, một mặt nó là ngoại diên trong sự giao tiếp qua lại của chế độ lễ giáo tông pháp và đẳng cấp nghiêm nhặt ở xã hội phong kiến cổ đại Trung Quốc; mặt khác nó là sự phản ánh tâm lí của xã hội cổ đại Trung Quốc đối với sự sùng bái tổ tiên và đối với sự sùng bái quyền lực.

                                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn ngày 12 tháng 5 năm 2012


Dịch từ nguyên tác Trung văn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI DÂN TỤC TRUNG ĐÍCH
XƯNG VỊ HOÀ “TỊ HUÝ”
中国古代民俗中的称谓和避讳
Tác giả: Hứa Mĩ Hoa (许美华)

Previous Post Next Post