DÙNG CHIÊM BỐC ĐỂ ĐẶT TÊN
Thần trà Lục Vũ (陆羽) là người ở Cánh Lăng (竟陵), Phục Châu (复州) thời Đường. Về thân thế của Lục Vũ có liên quan đến một câu chuyện cảm động. Tương truyền, khi ông mới sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi bên bờ sông, được nhà sư Tích Công (积公) trụ trì chùa Long Cái (龙盖) phát hiện.
Vào một buổi chiều, nhà sư Tích Công đang tản bộ bên hồ ở Cánh Lăng, Phục Châu, trông thấy một con chim nhạn đang đậu cách hồ không xa cất tiếng kêu không ngớt, dường như có ý muốn nói với mình. Nhà sư cảm thấy kỳ lạ liền bước đến xem. Quả nhiên dưới cánh chim có một đứa bé mới sinh không lâu đang nằm ngủ. Nhà sư động mối thiện tâm bèn đem đứa bé về chùa nuôi dưỡng và đặt tên là “Tật” (疾). Đó chính là thần trà Lục Vũ sau này.
Lục Vũ từ lúc bé đã thông minh hiếu học, khi lớn lên càng mẫn tiệp, thanh nhã, tri thức uyên bác, nói hay làm giỏi, lại hài hước hóm hỉnh rất giống Đông Phương Sóc (东方朔) thời Tây Hán.
Tên gọi Lục Vũ là do ông tự chiêm bốc mà đặt ra. Lục Vũ sau khi lớn, quyết tâm tìm cho mình một cái tên có ý nghĩa. Một hôm, ông dựa vào “Chu Dịch” (周易), dùng cỏ Thi để bói cho mình một cái tên, được quẻ “Tiệm” (渐). Hào từ của quẻ là:
“Hồng tiệm vu lục, kỳ vũ khả dụng vi nghi.”
“鸿渐于陆, 其羽可用为仪”
Ý nghĩa chim hồng nhạn đã dần về đất liền, bộ lông đẹp của nó có thể làm ra vật trang sức dùng trong lễ nghi. Lục Vũ cho đây là một quẻ tốt, ngụ ý sâu xa, có ý nghĩa tốt lành, vì thế, lấy chữ “Lục” trong quẻ để làm họ, lấy chữ “Vũ” làm tên, lấy “Hồng Tiệm” làm tự. Tên gọi Lục Vũ lưu truyền thiên cổ đã ra đời như thế.
Tính cách của Lục Vũ hào phóng, không ham quan tước, chỉ thích núi rừng. Ông từng ẩn cư bên cạnh núi Trữ (杼), suối Nhược (若) ở Triết Giang. Cả đời Lục Vũ rất thích trà và đã chuyên tâm nghiên cứu. Trong thời gian ẩn cư, ông tìm hiểu về lịch sử của trà, cặm cụi viết bộ “Trà Kinh” (茶经). Được sự giúp đỡ của Nhan Chân Khanh (颜真卿), một thư pháp gia nổi tiếng, ông đã đọc được rất nhiều sách, nắm được một số lượng lớn những tư liệu lịch sử quý giá về trà, cuối cùng đã hoàn thành bộ “Trà Kinh”, về sau được Nhan Chân Khanh tiến cử xuất bản.“Trà Kinh” đã giới thiệu một cách tỉ mỉ về lịch sử của trà và nghệ thuật trà đạo. Nó đã có tác dụng quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn hoá trà đối với Trung quốc và cả thế giới. “Trà Kinh” vừa xuất bản đã thu hút sự chú ý của mọi người, đồng thời nhanh chóng truyền bá trong và ngoài nước. Từ đó, tên gọi Lục Vũ nổi tiếng khắp nơi, và được mọi người tôn xưng là “Trà Thần”.
Lục Vũ bị bệnh mất năm 72 tuổi tại núi Thiên Trữ (天杼), Hồ Châu (湖州). Trước khi mất, ông có viết bài “Lục tiện ca” (六羡歌)
“Bất tiện hoàng kim lôi,
Bất tiện bạch ngọc bôi,
Bất tiện triều nhân tỉnh,
Bất tiện mộ đăng đài,
Thiên tiện, vạn tiện Tây giang thuỷ,
Tằng hướng Cánh Lăng thành hạ lai.”
“不羡黄金罍
不羡白玉杯
不羡朝人省
不羡暮登台
千羡万羡西江水
曾向竟陵城下来”
(Chẳng chuộng chén bằng vàng,
Chẳng ưa chén bằng bạc,
Chẳng màng quan thăm hỏi,
Chẳng thích chiều lên đài,
Ngàn mong vạn muốn nước Tây giang,
Hướng thành Cánh Lăng tuôn chảy đến.)
Bài “Lục tiện ca” đã phản ánh cuộc đời đạm bạc với lợi danh, chuyên tâm vào trà của Lục Vũ.
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TRÀ THẦN LỤC VŨ CHIÊM BỐC ĐẮC TÍNH DANH
茶神陆羽占卜得姓名
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật