THẦN ĐỒ VÀ ÚC LUẬT - HAI VỊ MÔN THẦN
Thần Đồ
神荼, Úc (Uất) Luật 郁壘 là hai vị môn thần
chuyên trừ tà đuổi quỷ, bảo hộ bình an trong truyền thuyết cổ đại. Người xưa tế
tự Môn thần, một là họ cho rằng phàm nơi con người sinh sống, không có chỗ nào
là không có thần. Để báo đáp ân đức của Môn thần nên đã theo thời mà tế tự. Hai
là nhờ vào Môn thần trừ tà đuổi quỷ bảo hộ bình an.
Lúc ban đầu, hai vị Môn thần
này là hai tượng thần được tạc bằng gỗ cây đào, đem treo trên cánh cửa. Kì thực,
hai vị thần này chính là hoá thân của hai vị thần tướng Thần Đồ và Úc Luật.
Truyền thuyết kể rằng, trên
núi Độ Sóc 度朔 ở
đông hải có một cây đào lớn, cành nhánh uốn cong, lá tươi tốt um tùm, vươn dài
đến 3000 dặm. Trên cây có một con gà vàng, phía dưới có hai vị thần tiên, một
người tên Thần Đồ神荼, người kia tên Úc Luật 郁壘.
Họ đứng dưới gốc cây đào, quan sát hành tung của bách quỷ. Gặp phải ác quỷ nào
vô cớ gây hoạ, gây hại cho nhân loại, hai vị thần liền dùng dây thừng trói quỷ
lại đưa xuống dưới núi cho hổ ăn thịt. Về sau, mỗi khi gặp lúc trừ tịch năm cũ,
mọi người liền đặt hình người được tạc bằng gỗ cây đào, còn vẽ thêm Thần Đồ, Úc
Luật và hổ để xua đuổi tà ma ác quỷ.
Hai vị
thần tiên này có thể hàng phục ma quỷ, hình tượng của họ đương nhiên cũng dữ dằn
đáng sợ. Bức hoạ trong Tam giáo nguyên
lưu sưu thần đại toàn 三教源流搜神大全 là tôn dung của hai vị đại thần này. Họ phanh ngực,
tay cầm kiếm, tóc dựng đứng như sừng trên đầu, chân mày nhô cao, đỉnh đầu như
gò, mày ngang mắt dọc, trong nụ cười nhạt ẩn chứa sát cơ,
đúng là hình tượng vị sát thần hung bạo. Có như thế, ác quỷ mới nhìn đã sợ,
nghe hơi gió mà chạy. Về sau mọi người không treo hình tượng nữa mà chỉ treo
trên cánh cửa một nhánh đào, hoặc dùng bút lông viết ra tôn danh của hai vị thần,
hoặc giả viết lên nhành đào mấy câu thần chú. Như vậy tà ma quỷ quái nhìn thấy
liền dừng bước. Trừ tịch hàng năm đều như thế, đó gọi là “tân đào hoán cựu phù”
新桃換舊符.
Ngày
nay mọi người vẫn có tập quán dán Môn thần lên cửa, nhưng không hoàn toàn là mê
tín, mù quáng sùng bái như thời cổ. Với truyền thống văn hoá của trầm tích mấy
ngàn năm, trong không khí vui mừng ngày tết, nó đã trở thành một loại “môn hoạ”
門畫 (tranh vẽ dán nơi cửa) có giá trị thẩm mĩ cao. Theo
phương thức truyền thống trang trí cửa chính, nó là sự thoả mãn về tâm lí, một
phương thức chúc phúc mang tính xã hội, khiến người ta cảm thấy hỉ khánh cát tường,
thuỵ khí mãn môn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/02/2016
Mồng 1 tết năm Bính
Thân
Nguyên tác Trung văn
MÔN THẦN THẦN ĐỒ DỮ ÚC LUẬT
門神神荼與郁壘
Trong quyển
CÁT TƯỜNG ĐÍCH TRUNG QUỐC
吉祥的中國
Bản công ti biên tập bộ biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti, năm Dân Quốc
thứ 90.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật