KHOA PHỤ ĐUỔI THEO MẶT TRỜI
Vào thời
viễn cổ, nơi vùng hoang dã phương bắc có một ngọn núi cao đến tận mây, một bầy
người khổng lồ sức mạnh vô song đang sinh sống trong rừng sâu. Thủ lĩnh của họ
nơi tai đeo 2 con rắn màu vàng, tay cũng cầm hai con rắn vàng. Vị thủ lĩnh nọ
có tên là Khoa Phụ 夸父, nhân đó bầy người này được gọi là tộc Khoa Phụ. Người
tộc Khoa Phụ có lòng lương thiện, cần lao dũng cảm, sống những ngày tháng tiêu
dao, không tranh với đời.
Một năm
nọ, khí trời vô cùng nóng bức, mặt trời như khối lửa chiếu thẳng trên mặt đất,
cây cối bị thiêu cháy, sông hồ bị khô cạn. Con người không chịu nỗi cái nóng,
người tộc Khoa Phụ lần lượt chết đi. Thủ lĩnh Khoa Phụ lo lắng, ngẩng đầu nhìn
mặt trời rồi nói với mọi người:
Mặt trời đáng ghét!, ta nhất định phải đuổi
theo mặt trời, bắt mặt trời lại, bảo mặt trời nghe theo sự chỉ huy của ta.
Mọi người
nghe xong ra sức can ngăn. Có người nói:
Thủ lĩnh chớ có đi, mặt trời cách chúng ta
xa như thế, thủ lĩnh sẽ chết vì mệt đấy.
Có người
nói:
Mặt trời nóng như thế, thủ lĩnh sẽ bị đốt
cháy mất.
Nhưng
Khoa Phụ lòng đã quyết, ông nhìn người trong tộc khổ sở bất kham, nói rằng:
Để mọi người an vui, ta nhất định phải đi.
Khoa Phụ
từ biệt người trong tộc, nhắm đến hướng mặt trời mọc cất bước ra đi. Mặt trời
trên tầng không chuyển động nhanh như bay, Khoa Phụ trên mặt đất ra sức chạy.
Xuyên qua bao ngọn núi, vượt qua mấy dòng sông, mặt đất bị bước chân của Khoa
Phụ gây chấn động, rung lắc. Khoa Phụ chạy mệt nhoài, giũ cát trong đôi giày
cho rơi xuống đất, vì thế hình thành một ngọn thổ sơn to lớn. Khi Khoa Phụ nấu
cơm, nhặt 3 cục đá làm ông Táo, 3 cục đá này trở thành 3 ngọn núi thế chân vạc,
cao đến mấy ngàn mét.
Khoa Phụ
mãi đuổi theo mặt trời, mắt nhìn thấy cách mặt trời ngày càng gần, niềm tin của
Khoa Phụ ngày càng tăng thêm. Cuối cùng, Khoa Phụ đã đuổi kịp mặt trời đến chỗ
mặt trời lặn. Một khối cầu lửa trước mắt Khoa Phụ, hàng vạn tia sáng phủ lên
người ông. Khoa Phụ hân hoan giơ hai cánh tay định ôm lấy mặt trời. Nhưng mặt
trời nóng dị thường, Khoa Phụ cảm thấy vừa khát vừa mệt, liền chạy đến bên
Hoàng hà uồng một hơi cạn cả nước sông. Khoa Phụ lại chạy đến bên bờ sông Vị uống
cạn nước sông Vị, những vẫn chưa đã khát. Khoa Phụ lại chạy lên phía bắc, nơi
đó ao lớn ngang dọc cả ngàn dặm, nước trong ao đủ để Khoa Phụ giải khát. Nhưng
Khoa Phụ chưa kịp chạy đến thì giữa đường đã chết.
Khi sắp
mất, trong lòng Khoa Phụ đầy nỗi ân hận tiếc nuối, ông luôn nhớ về người của tộc
mình nên đã đem cây gậy trong tay liệng đi. Nơi cây gậy rơi xuống, trong phút
chốc mọc lên một rừng đào sầm uất, rừng đào này quanh năm tươi tốt, tạo bóng
mát cho khách vãng lai qua đường, đào kết trái cho họ giải khát để họ tiêu hết
nỗi nhọc nhằn mệt mỏi, tăng thêm sức lực để lên đường.
Câu
chuyện Khoa Phụ đuổi theo mặt trời đã phản ánh nguyện vọng chiến thắng khô hạn
của tiên dân Trung Quốc cổ đại. Khoa Phụ cuối cùng tuy hi sinh, nhưng tinh thần
ngoan cường của Khoa Phụ lại bất tử. Trong nhiều sách cổ của Trung Quốc đều có
chép những truyền thuyết liên quan đến việc Khoa Phụ đuổi theo mặt trời. Có địa
phương ở Trung Quốc còn đặt tên núi lớn là “Khoa Phụ sơn” 夸父山để kỉ niệm Khoa Phụ.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 12/5/2015
Nguyên tác Trung văn
KHOA PHỤ TRỤC NHẬT
夸父逐日
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã,
2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật