Dịch thuật: Mã thuyết (Hàn Dũ)


马说
     世有伯乐, 然后有千里马. 千里马常有, 而伯乐不常有. 故虽有名马, 衹辱于奴隶人之手, 骈死于槽枥之间, 不以千里称也.
马之千里者, 一食或尽粟一石, 食马者不知其能千里而食也. 是马也, 虽有千里之能, 食不饱, 力不足, 才美不外见, 且欲与常马等不可得, 安求其能千里也?
策之不以其道, 食之不能尽其材, 鸣之而不能通其意, 执策而临之曰: 天下无马!鸣呼! 其真无马邪? 其真不知马也.
                                                                                (韩愈)

MÃ THUYẾT
          Thế hữu Bá Lạc, nhiên hậu hữu Thiên lí mã. Thiên lí mã thường hữu, nhi Bá Lạc bất thường hữu. Cố tuy hữu danh mã, chỉ nhục vu nô lệ nhân chi thủ, biền tử vu tào lịch chi gian, bất dĩ thiên lí xưng dã.
          Mã chi thiên lí giả, nhất thực hoặc tận túc nhất thạch, tự mã giả bất tri kì năng thiên lí nhi tự dã. Thị mã dã, tuy hữu thiên lí chi năng, thực bất bão, lực bất túc, tài mĩ bất ngoại hiện, thả dục dữ thường mã đẳng bất khả đắc, an cầu kì năng thiên lí dã?
          Sách chi bất dĩ kì đạo, tự chi bất năng tận kì tài, minh chi nhi bất năng thông kì ý, chấp sách nhi lâm chi viết: “Thiên hạ vô mã!” Ô hô! Kì chân vô mã da? Kì chân bất tri mã dã.
                                                                                      (Hàn Dũ)

MÃ THUYẾT
          Trên đời có Bá Lạc (1) sau đó mới có Thiên lí mã. Thiên lí mã thường có nhưng Bá Lạc lại không thường có. Cho nên tuy là ngựa nổi danh cũng chỉ chịu nhục phục dịch dưới tay người chăn dắt, giống như hạng ngựa thường cuối cùng cũng chết bên máng cỏ, không vì một ngày đi được ngàn dặm mà xứng danh.
          Ngựa mà mỗi ngày đi ngàn dặm, mỗi lần ăn có thể ăn hết một thạch thóc, người cho ăn không biết khả năng đi ngàn dặm của nó mà cho ăn. Cho nên ngựa đó tuy có tài nhưng ăn không đủ no, sức không đủ khoẻ, tài năng và ưu điểm không biểu hiện ra bên ngoài, muốn được như hạng ngựa thường còn không thể thì làm sao có thể mỗi ngày đi ngàn dặm?
          Điều khiển nó không có phương pháp, nuôi dưỡng nó mà không biết cách để nó phát huy hết tài năng, nó hí vang mà không hiểu được ý nó, chỉ biết cầm roi đến trước nó mà nói rằng: “Thiên hạ không có Thiên lí mã.” Than ôi! Có đúng là trong thiên hạ không có Thiên lí mã chăng? Đó chỉ là không nhận biết được Thiên lí mã mà thôi.

HÀN DŨ 韩愈 (768 – 824)
          Hàn Dũ là văn học gia, triết học gia thời Đường, tự Thoái Chi 退之, người Hà Dương 河阳 (nay là huyện Mạnh tỉnh Hà Nam 河南). Tổ tịch tại Xương Lê 昌黎 Hà Bắc 河北, người đời gọi ông là Hàn Xương Lê 韩昌黎. Về già nhậm chức Lại bộ Thị lang, được gọi là Hàn Lại Bộ 韩吏部, khi mất có tên thuỵ là “Văn” nên còn được gọi là Hàn Văn Công 韩文公. Hàn Dũ là người khởi xướng phong trào cổ văn thời Đường, chủ trương học tập ngôn ngữ tản văn thời Tiên Tần lưỡng Hán, phá biền làm tản, mở rộng công năng biểu đạt của văn ngôn. Tô Thức 苏轼 đời Tống khen ông là “văn khởi bát đại chi suy” 文起八代之衰 (văn chương của ông đã làm hưng khởi lại cái suy của tám đời), người thời Minh xếp ông vị thứ đầu tiên trong “Đường Tống bát đại gia” (2), cùng với Liễu Tông Nguyên 柳宗元 hợp xưng là “Hàn Liễu”, tác phẩm của ông được thu thập trong bộ Xương Lê tiên sinh tập 昌黎先生集. Hàn Dũ còn là một bậc thầy về  ngôn ngữ, giỏi về sử dụng ngôn ngữ của tiền nhân, lại chú trọng rèn luyện khẩu ngữ đương đại, từ đó sáng tạo ra rất nhiều ngữ cú mới, trong đó có không ít đã trở thành thành ngữ lưu truyền đến nay, như: “Lạc tỉnh há thạch” 落井下石, “Động triếp đắc cữu” 动辄得咎, “Tạp loạn vô chương” 杂乱无章 … Về tư tưởng, ông là người xác lập quan niệm “đạo thống” 道统 Trung Quốc, là nhân vật ghi dấu mốc việc tôn Nho phản Phật.
          Hàn Dũ lên 3 tuổi đã mồ côi, được anh và chị dâu nuôi dưỡng. Lúc nhỏ lưu li khốn đốn, nhưng có chí đọc sách giúp đời, tuy mồ côi nghèo khó nhưng khắc khổ hiếu học. 20 tuổi đến Trường An thi Tiến sĩ, 3 lần không đậu. Từ năm 25 đến năm 35 tuổi, đậu Tiến sĩ, 3 lần thi khoa Bác học hồng từ 博学鸿词 nhưng không thành, ông đến giúp việc cho Tiết độ sứ Đổng Tấn 董晋 ở Biện Châu 汴州, rồi sau đó đến với Tiết độ sứ Trương Kiến Phong 张建封 ở Từ Châu 徐州. Về sau về lại kinh nhậm chức Tứ môn Bác sĩ 四门博士. Từ năm 36 đến năm 49 tuổi, Hàn Dũ nhậm chức Giám sát ngự sử 监察御史, nhân vì dâng thư bàn về trời hạn dân đói, xin miễn giảm thuế, ông bị biếm làm Dương Sơn lệnh 阳山令. Thời Hiến Tông được trở về bắc làm Quốc tử Bác sĩ 国子博士, sau lên đến Thái tử Hữu thứ tử 太子右庶子, nhưng bất đắc chí. Từ năm 50 đến năm 57 tuổi, theo Bùi Độ 裴度 chinh phạt Ngô Nguyên Tế 吴元济, sau nhậm chức Hình bộ Thị lang 刑部侍郎. Nhân vì can ngăn việc rước cốt Phật, Hàn Dũ bị biếm làm Triều Châu Thứ sử 潮州刺史, rồi đến Viên Châu 袁州. Chẳng bao lâu được về lại triều, giữ qua các chức Quốc tử Tế tửu 国子祭酒, Binh bộ Thị lang 兵部侍郎, Lại bộ Thị lang 吏部侍郎, Kinh triệu doãn 京兆尹

CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Chữ dạng phồn thể là có âm đọc là: nhạc, lạc.
- Nhạc: âm Bắc Kinh hiện đại là yuè chỉ âm nhạc.
- Lạc: âm Bắc Kinh hiện đại là có  nghĩa là vui, thích.
          Trong Thành ngữ đại từ điển 成语大词典  của Thương vụ ấn thư quán, ở thành ngữ 伯乐相马, hai chữ “伯乐” được chú âm là “bó lè”, như vậy 2 chữ này đọc là “bá lạc”, tên nhân vật là Bá Lạc.
(2)- Đường Tống bát đại gia 唐宋八大家:
          Còn gọi là “Đường Tống cổ văn bát đại gia” 唐宋古文八大家, chỉ 8 vị tản văn gia thời Đường và thời Tống:
          - Hàn Dũ 韩愈, Liễu Tông Nguyên 柳宗元 (thời Đường)
          - Âu Dương Tu 欧阳修, Tô Tuân 苏洵, Tô Thức 苏轼, Tô Triệt 苏辙, Vương An Thạch 王安石, Tăng Củng 曾巩 (thời Tống)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 09/4/2014

Previous Post Next Post