Dịch thuật: Nhạc Phi tinh trung báo quốc


NHẠC PHI TINH TRUNG BÁO QUỐC

          Nhạc Phi 岳飞tự Bằng Cử 鹏举, người Thang Âm 汤阴 Tương Châu 相州 (nay thuộc địa phận tỉnh Hà Nam 河南). Lúc nhỏ đã có khí tiết, tính tình đôn hậu, ít nói. Gia cảnh Nhạc Phi rất nghèo, lại vô cùng khắc khổ. Nhạc Phi rất thích đọc Tả Thị Xuân Thu 左氏春秋, Tôn Tử binh pháp 孙子兵法 ... Nhạc Phi thân thể mạnh khoẻ, lúc vị thành niên mà đã có thể giương cung 300 cân, dùng nỏ 8 thạch, về sau theo học cưỡi ngựa bắn tên với Chu Đồng 周侗, có được sở trường của thầy, có thể giương cung bên trái bên phải. Sau khi Chu Đồng qua đời, cứ vào đầu tháng và cuối tháng, Nhạc Phi đến mộ của thầy để tế bái. Phụ thân của Nhạc Phi cho rằng, Nhạc Phi trung nghĩa bèn nói với Nhạc Phi rằng:
          Con nếu như được thời thế trọng dụng, có thể tận trung vì nước.
          Sau khi Bắc Tống diệt vong, người con thứ 9 của Tống Huy Tông 宋徽宗là Khang Vương Triệu Cấu 康王赵构kế vị, kiến lập triều Nam Tống. Nhạc Phi dâng thư cả mấy ngàn lời lên triều đình, đại ý là:
          Bệ hạ lên ngôi hoàng đế, đất nước có tân quân, quân đội các nơi đều đến bảo vệ ngài, như vậy có thể nghĩ ra được cách thảo phạt kẻ địch nước Kim. Quân Kim luôn cho rằng nước ta yếu, chúng ta có thể thừa lúc quân Kim mệt mỏi mà phản kích. Trong triều, nhóm Tể tướng Hoàng Tiềm Thiện 黄潜善, Uông Ngạn Trực 汪彦直 ... không theo ý nguyện của ngài muốn khôi phục quốc thổ, mà chỉ thị phụng ngài chạy về phương nam, điều đó e rằng phụ niềm hi vọng của nhân dân trung nguyên. Thần hi vọng có thể thừa lúc quân Kim đứng chân chưa ổn định, đích thân thống lĩnh đại quân các lộ tiến lên phía bắc vượt Hoàng hà, toàn quân tướng sĩ một lòng hăng hái có thể khôi phục trung nguyên.
          Tống Cao Tông Triệu Cấu sau khi đọc qua, cho rằng Nhạc Phi đã vượt chức dâng thư, bèn tước đoạt quan chức của Nhạc Phi, nhưng điều đó không hề dao động tình cảm lo cho đất nước của ông.
          Mùa thu năm Thiệu Hưng 绍兴 thứ 3 (năm 1133), Nhạc Phi nhập triều yết kiến Cao Tông. Cao Tông đích thân viết 4 chữ “tinh trung Nhạc Phi” 精忠岳飞, may thành lá cờ lớn tặng cho Nhạc Phi, đồng thời thăng chức Thần vũ hậu quân đô thống chế 神武后军都统制, vẫn là Chế trí sứ 制置使, các mãnh tướng như Lí Sơn 李山, Ngô Toàn 吴全, Ngô Tích 吴锡, Lí Hoành 李横, Ngưu Cao 牛皋 đều lệ thuộc Nhạc Phi. Năm Thiệu Hưng thứ 4, Nhạc Phi với thân phận là Kinh Nam Ngạc Nhạc châu Chế trí sứ 荆南鄂岳州制置使 lại một lần nữa dâng thư lên Cao Tông, thỉnh cầu “trực đảo trung nguyên, khôi phục cố cương” 直捣中原, 恢复故疆 (Trực nhập tấn công trung nguyên, khôi phục cương vực cũ vốn có). Năm Thiệu Hưng thứ 7, Nhạc Phi lại hai lần dâng sớ, thỉnh cầu lấy lại kinh kì, Thiểm Hữu, khôi phục trung nguyên.
          Nhạc Phi nhiều lần nhập triều yết kiến Cao Tông, thảo luận mưu lược khôi phục sơn hà. Lại dâng sớ lên Cao Tông, nói rằng:
          Sở dĩ người Kim kiến lập nguỵ Tề quốc Lưu Dự 刘豫 tại Hà Nam, là muốn thực tiễn trung nguyên, lấy người trung nguyên đánh người trung nguyên, quân Kim mượn cớ đó nghỉ ngơi, toạ sơn quan hổ đấu. Thần hi vọng bệ hạ có thể cho thần thời gian, khi thuận lợi sẽ đem binh tiến về Đông Kinh 东京, Lạc Dương 洛阳 (nay đều thuộc Hà Nam), cứ thủ Hà Dương 河阳 (nay kà huyện Mạnh Hà Nam), Thiểm Phủ 陕府 (nay là huyện Thiểm Hà Nam), Đồng Quan 潼关 (nay thuộc Thiểm Tây 陕西), để tiện hiệu triệu phản quân của 5 lộ quân Kim đầu hàng, sau khi phản quân đầu hàng, lại đem quân tiến về phía trước, quân Kim tất nhiên bỏ Khai Phong 开封 mà chạy đến Hà Bắc 河北 (nay là Đại Danh 大名 Hà Bắc), các vùng như kinh kì (nay là Khai Phong Hà Nam), Thiểm Hữu 陕右 (nay là Tây An 西安) đều có thể khôi phục. Sau đó, lại chia binh đến Tuấn Châu 浚州 (nay là huyện Tuấn Hà Nam), Hoạt Châu 滑州 (nay là huyện Hoạt Hà Nam), kinh doanh vùng lưỡng hà, như vậy có thể bắt được Lưu Dự, diệt quân Kim. Kế sách trường cửu của đất nước, hoàn toàn tại đây.
          Cao Tông đáp rằng:
          Việc đất nước trung hưng, hoàn toàn nhờ vào khanh.
          Đồng thời mệnh cho Nhạc Phi tiết chế Quang Châu 光州 (nay là Hoàng Xuyên 潢州 Hà Nam 河南).
          Năm Thiệu Hưng thứ 10 (năm 1140), quân Kim tấn công Củng Châu 拱州 (nay là huyện Thư Hà Nam 河南), Bạc Châu 亳州 (nay là huyện Bạc An Huy 安徽), Đại tướng Nam Tống là Lưu Kì 刘琦 cấp báo. Cao Tông mệnh Nhạc Phi đem binh đi cứu viện.
          Nhạc Phi phái Trương Hiến 张宪, Diêu Chính 姚政 đi trước. Cao Tông đích thân viết thư ban cho Nhạc Phi: “Hành động quân sự, hoàn toàn dựa vào khanh, trẫm quyết không từ xa khống chế”. Nhạc Phi lại phái Vương Quý 王贵, Ngưu Cao 牛皋, Đổng Tiên 董先, Dương Tái Hưng 杨再兴, Mạnh Bang Kiệt 孟邦杰, Lí Bảo 李宝 chia nhau ra trấn thủ các quận Tây kinh 西京, Nhữ Châu 汝州(nay là Nhữ An 汝安 Hà Nam), Trịnh Châu 郑州 (nay là Trịnh Châu郑州 Hà Nam), Dĩnh Xương 颖昌 (nay là Viện Nội 院内 Hà Nam), Trần Châu 陈州 (nay là Chuẩn Dương 准阳 Hà Nam), Tào Châu 曹州 (nay là phía tây bắc huyện Tào Sơn Đông 山东, Quang Châu 光州, Thái Châu 蔡州 (nay là Nhữ Nam 汝南 Hà Nam). Lại mệnh Lương Hưng 梁兴 vượt Hoàng hà, kết tập Trung Nghĩa xã 忠义社, đoạt lấy Hà Đông 河东 (nay là Vĩnh Tế 永济Sơn Tây 山西), huyện Bắc Châu 北州. Sau đó ông lại phái binh tiến về phía đông chi viện cho Lưu Kì 刘琦, phía tây chi viện cho Quách Hạo 郭浩, tự mình thống lĩnh đại quân hướng về trung nguyên tiến phát. Trước khi xuẩt phát, Nhạc Phi mật tấu với Cao Tông:
Xin bệ hạ trước tiên chỉnh lí cái gốc của đất nước, lấy đó vỗ về dân tâm, sau đó chuyên cần cẩn thận xử lí chính vụ, để biểu thị không quên chí lớn phục thù người Kim.
                                                           (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 22/8/2020

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post