THẬT CÓ “ĐÀO VIÊN KẾT NGHĨA” CỦA
LƯU, QUAN, TRƯƠNG KHÔNG
“Đào
viên tam kết nghĩa” 桃园三结义là câu chuyện đầu tiên trong Tam quốc diễn nghĩa 三国演义, xuất hiện ở hồi 1 “Yến đào viên hào kiệt tam kết nghĩa, trảm Hoàng Cân anh hùng thủ lập
công” 宴桃园豪杰三结义,斩黄巾英雄首立功. Trải qua khảo chứng, trong sử thư không hề có ghi
chép về việc kết nghĩa ở đào viên của Lưu Bị 刘备,
Quan Vũ 关羽, Trương Phi 张飞.
Trong Tam quốc diễn nghĩa三国演义 có viết:
Cuối thời
Đông Hán, thiên hạ đại loạn, lại thêm nạn mất mùa liên miên, đời sống của dân
vô cùng khốn khổ. Hậu duệ Hán thất là Lưu Bị, tuy bán giày cỏ để mưu sinh,
nhưng chí muốn cứu bách tính. Lưu Bị cùng với Quan Vũ bán đậu hủ ở Giải Lương 解良Sơn
Tây 山西, Trương Phi bán thịt ở Trác huyện 涿县 Hà Bắc
河北 ý khí hợp nhau, quyết định cùng nhau làm nên sự nghiệp.
Ba người kết làm anh em ở vườn đào tại nhà Trương Phi, Lưu Bị làm đại ca, Quan
Vũ thứ hai, Trương Phi nhỏ nhất. Đây chính là “Đào viên tam kết nghĩa” nổi tiếng.
Nhưng
theo ghi chép trong Tam quốc chí – Thục
thư – Quan Vũ truyện 三国志 - 蜀书 - 关羽传, Quan Vũ thay tên đổi họ đào vong đến Trác quận, gặp
lúc tiên chủ Lưu Bị đang triệu tập nhân mã, Quan Vũ và Trương Phi liền theo Lưu
Bị. Về sau, Lưu Bị làm Bình Nguyên Tướng 平原相 (1), nhậm mệnh Quan Vũ, Trương Phi làm Biệt bộ Tư mã 别部司马. Lưu, Quan, Trương ba người cùng ăn cùng ngủ, thân như
anh em.
Trong Tam quốc chí – Thục thư – Trương Phi truyện 三国志 - 蜀书 - 张飞传 cũng có viết: Trương Phi lúc còn trẻ cùng Quan Vũ theo phò tiên chủ Lưu Bị. Quan Vũ tuổi lớn
hơn một tí, Trương Phi đối đãi Quan Vũ như huynh trưởng. Từ những ghi chép ở
trên có thể thấy, Quan Vũ và Trương Phi trung thành phò Lưu Bị. Trương Phi xem
Quan Vũ như anh, Lưu Bị cũng xem hai người họ như anh em. Nhưng, những tư liệu
đó không hề nói đến việc ba người chính thức kết bái.
Trong tạp
kịch đời Nguyên bắt đầu xuất hiện câu chuyện Đào viên tam kết nghĩa của Lưu,
Quan, Trương. Khi sáng tác Tam quốc diễn
nghĩa, La Quán Trung 罗贯中đã trên cơ sở đó,
tiến một bước diễn dịch thành câu chuyện.
Lưu Bị
trong Tam quốc diễn nghĩa là đại ca,
tuổi của Lưu Bị lớn nhất chăng? Cũng không phải. Trong Tam quốc diễn nghĩa nói Lưu Bị lúc kết nghĩa là 28 tuổi. Tuy ngày
tháng năm sinh của Lưu Bị không khảo chứng được, nhưng theo ghi chép trong Tam quốc chí – Thục thư – Tiên chủ truyện 三国志 - 蜀书 - 先主传 có thể biết, Lưu Bị mất năm 223, đương thời
63 tuổi. Người xưa tính tuổi đều theo tuổi mụ, theo đó mà tính, Lưu Bị phải
sinh vào năm 161. Khởi nghĩa Hoàng Cân nổ ra là năm 184, năm đó Lưu Bị phải là
24 tuổi. Theo những ghi chép tương quan trong Tam quốc chí – Thục thư – Quan Vũ truyện 三国志 - 蜀书 - 关羽传 và Tam
quốc chí – Thục thư – Trương Phi truyện 三国志 - 蜀书 - 张飞传, lúc khởi nghĩa Hoàng Cân nổ ra, Quan Vũ 25 tuổi,
Trương Phi 20 tuổi. Xem ra, sắp xếp theo tuổi tác của ba người thì Quan Vũ phải
là lớn nhất.
Chú của người
dịch
1- Bình Nguyên 平原là
một khu vực hành chính do đời Hán thiết lập, thuộc Thanh Châu 青州. Đời Hán, toàn quốc thực hành phổ biến chế độ quận quốc,
chính là dưới châu thiết lập quận, quốc. Trưởng quan cao nhất của quận là Thái
thú 太守, còn trưởng quan cao nhất của quốc là Tướng 相, cũng gọi là Quốc Tướng 国相.
Chế độ kiến lập quận quốc tương đồng, cấp bậc cũng như nhau. Nhưng đối với Bình
Nguyên mà nói, có lúc là quận, có lúc là quốc, biến hoá phức tạp. Theo ghi chép
trong chí thư có liên quan, Bình Nguyên quận bắt đầu thiết lập vào thời Tây
Hán. Niên hiệu Vĩnh Ninh 永宁nguyên
niên (năm 120) thời Đông Hán là quận; năm Kiến Hoà 建和
thứ 2 (năm 148), lại đổi thành quốc; năm Kiến An 建安thứ
11 (năm 206) lại đổi thành quận. Năm Hoàng Sơ 黄初
thứ 3 thời Tam Quốc (năm 222), lại đổi thành quốc, năm thứ 7 (năm 226) lại là
quận. Thời Tây Tấn đổi là quốc; nhà Tống thời Nam triều đổi là quận. Mãi đến thời
Bắc Nguỵ, quận quốc đều bị phế bỏ. Từ năm Kiến Hoà thứ 2 (năm 148) đến năm Kiến
An thứ 11 (206) thời Đông Hán, Bình Nguyên là quốc. Lúc bấy giờ, Lưu Bị nhậm chức
Bình Nguyên Tướng chính là vị trưởng quan hành chính cao nhất của Bình Nguyên
quốc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/9/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật