Dịch thuật: Xuân Thu ngũ bá

XUÂN THU NGŨ BÁ

          Trong cuộc tranh bá kịch liệt, người đầu tiên kiến lập nghiệp bá là Tề Hoàn Công 齐桓公. Tề Hoàn Công nhậm dụng Quản Trọng 管仲, cải cách nội chính, khiến quốc lực cường thịnh. Ông lại dùng mưu lược của Quản Trọng, lấy “tôn vương nhương di” 尊王攘夷  (suy tôn quân chủ, bài xích ngoại di) làm hiệu triệu, liên hợp với nước Yên đánh bại Bắc Nhung; liên hợp với các nước khác ngăn chận được sự xâm lược của người Địch, “tồn Hình cứu Vệ” 存邢救卫  (bảo vệ nước Hình, cứu được nước Vệ). Năm 656 trước công nguyên, nước Tề cùng liên quân các nước Lỗ, Tống, Trịnh, Trần, Vệ, Hứa, Tào, đánh Thái phạt Sở, duyệt binh tại Triệu Lăng 召陵, trách nước Sở tại sao không cống nạp cho Chu Vương. Quốc lực nước Sở cũng rất cường thịnh, nhiều năm đánh nước Trịnh, nhưng thấy khí thế hùng mạnh của Tề Hoàn Công đành hứa hoà để bảo tồn thực lực. Về sau, Tề Hoàn Công lại mấy lần đại hội chư hầu, Chu Vương cũng phái người tham dự, lại ban khao. Tề Hoàn Công trở thành bá chủ trung nguyên. Khi nước Tề xưng bá trung nguyên, nước Sở mở rộng thế lực về hướng đông.
 Sau khi Tề Hoàn Công qua đời, nội bộ nước Tề phát sinh tranh quyền đoạt vị, quốc lực dần suy. Nước Sở lại phát triển về hướng bắc. Tống Tương Công 宋襄公muốn kế thừa nghiệp bá của Tề Hoàn Công đã đọ sức cùng nước Sở, kết quả mất cả tính mạng. Các minh quốc của nước Tề khi Tề xưng bá như Lỗ, Tống, Trịnh, Trần, Thái, Hứa, Tào, Vệ lúc này đều chuyển sang làm minh quốc của nước Sở.
          Đương lúc Sở muốn xưng bá trung nguyên, nước Tấn hưng khởi lại. Sau khi Tấn Văn Công 晋文公về nước đã chỉnh đốn nội chính, tăng cường quân đội, cũng muốn tranh làm bá chủ. Lúc bấy giờ Chu Tương Vương 周襄王 bị Vương Tử Đới 王子带 câu kết với người Địch đuổi chạy, lưu lạc bên ngoài. Tấn Văn Công cho đó là cơ hội tốt để “thủ uy định bá” 取威定霸  (ra uy định nghiệp bá), bèn hội chư hầu, đánh Vương Tử Đới, đưa Tương Công về lại vương đô, nắm lấy ngọn cờ “tôn vương”. Năm 632 trước công nguyên, Tấn Sở đại chiến tại Thành Bộc 城濮, quân Tấn đánh bại quân Sở. Sau trận chiến, Tấn Văn Công hội minh chư hầu tại Tiễn Thổ 践土, Chu Vương cũng đến tham dự, sách mệnh Tấn Văn Công làm “Hầu bá”  侯伯 (bá chủ).
          Thời kì Tấn Sở tranh bá, hai nước Tề Tần hùng cứ đông tây. Từ giữa thời Xuân Thu về sau, Sở liên kết với Tần, Tấn liên kết với Tề, vẫn giương cờ gióng trống tranh nhau. Nhưng cuộc chiến tranh giành ngôi vị bá chủ lại có mâu thuẫn ở nội bộ các nước, thế là đã xuất hiện “nhị binh” 弭兵 (đình chỉ chiến tranh) kết thúc cuộc tranh bá. Năm 579 trước công nguyên, nước Tống hẹn với Tấn và Sở lập minh ước: hai bên không đánh nhau, sứ giả đưa tin qua lại, hỗ tương cứu giúp khi gặp nạn, cùng thảo phạt nước thứ 3 không nghe theo mệnh. “Nhị binh” đã phản ánh sự câu kết và tranh đoạt giữa 2 bá chủ, cũng phản ánh nguyện vọng một số nước nhỏ muốn thoát khỏi sự khống chế của nước lớn. Năm 575 trước công nguyên, Tấn và Sở đại chiến ở Yên Lăng 鄢陵, quân Sở đại bại. Năm 557 trước công nguyên, nước Tống một lần nữa hẹn gặp nước Sở để “nhị binh”, tham gia còn có hơn mười mấy nước. Trong buổi gặp đã thương nghị: các nước trung và nhỏ từ nay về sau cống nạp như nhau cho Tấn và Sở. Hai nước Tấn Sở chia bá quyền ngang nhau.
          Đương lúc Tấn và Sở tranh bá trung nguyên, phía hạ du Trường giang nổi lên hai nước Ngô Việt. Để đối phó với Sở, nước Tấn liên hiệp với nước Ngô. Giữa Ngô và Sở nhiều lần phát sinh chiến tranh. Năm 506 trước công nguyên, nước Ngô đem binh phạt Sở, từng bước thắng lợi, đánh thẳng đến kinh đô nước Sở. Từ đó, quốc lực nước Sở suy yếu. Lúc nước Tấn liên kết với nước Ngô khống chế nước Sở, nước Sở liên kết với nước Việt khống chế nước Ngô, giữa hai nước Ngô Việt không ngừng phát sinh chiến tranh. Ngô Vương Hạp Lư  阖闾 chết trong trận chiến, con là Phù Sai 夫差 lập chí báo thù, đánh bại Việt Vương Câu Tiễn 勾践, đồng thời dẫn quân tiến lên phía bắc, hội chư hầu tại Hoàng Trì 黄池, cùng tranh bá chủ với Tấn. Việt Vương Câu Tiễn “nếm mật nằm gai” tích góp lực lượng, thừa lúc Ngô Vương Phù Sai tiến lên phía bắc tranh bá, liền phát binh công nhập kinh đô nước Ngô. Phù Sai vội quay về, cầu hoà với nước Việt. Chẳng bao lâu, Việt diệt Ngô, Câu Tiễn cũng tiến lên phía bắc hội chư hầu tại Từ Châu 徐州, nhất thời trở thành bá chủ.
          Thời Xuân Thu, sự kiêm tính và đấu tranh giữa các nước đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các nước và các khu vực, cũng thúc đẩy nhanh sự tiếp xúc và dung hợp giữa các tộc thuộc khác nhau. Trải qua một thời kì đại động loạn, đại cải tổ, từ mấy trăm nước nhỏ dần quy về thành 7 nước lớn và mười mấy nước nhỏ chung quanh 7 nước này.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 29/8/2018

Nguyên tác
XUÂN THU NGŨ BÁ
春秋五霸
Trong quyển
XUÂN THU CHIẾN QUỐC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
春秋战国文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006
Previous Post Next Post