TẠI SAO HẠNG VŨ KHÔNG CHỊU QUA GIANG
ĐÔNG
Nói đến
Hạng Vũ, mọi người nhất định sẽ nghĩ đến “Lực bạt sơn hề khí cái thế” 力拔山兮气盖世 (Sức bạt cả núi chí khí trùm cả đời), và cũng sẽ nghĩ
đến đến sự anh dũng và kết cục bi tráng của ông trong cuộc chiến tranh Hán Sở.
Lí Thanh Chiếu 李清照 từng viết:
Sinh đương tác nhân kiệt
Tử diệc vi quỷ hùng
Chí kim tư Hạng Vũ
Bất khẳng quá Giang Đông
生当作人杰
死亦为鬼雄
至今思项羽
不肯过江东
(Lúc sống là bậc tuấn kiệt
Khi mất thành quỷ anh hùng
Đến nay mọi người vẫn luôn tưởng nhớ đến Hạng Vũ
Bởi ông không chịu qua Giang Đông sống một đời sống thừa)
Bài thơ
bút lực nặng ngàn cân này đã nhiệt tình ca ngợi hành vi anh hùng của Hạng Vũ
khi ông không chịu nhẫn nhục sống một kiếp sống thừa, kí thác sự khảng khái của
mình đối với thời cuộc. Nhưng, Hạng Vũ rốt cuộc tại sao không chịu qua Giang
Đông? Xưa nay mọi người đều có nhiều suy đoán nhưng chưa hề có một cách nhìn nhận
nhất trí.
Trong Sử kí – Hạng Vũ bản kỉ 史记 - 项羽本纪, Tư Mã Thiên 司马迁cho
rằng, sở dĩ Hạng Vũ tự sát không chịu qua Giang Đông là bởi vì “tu kiến Giang
Đông phụ lão” 羞见江东父老 (hổ thẹn gặp phụ lão Giang Đông), trước mắt đây cũng
là cách nói có ảnh hưởng lớn nhất. Trong Hạng
Vũ bản kỉ, Tư Mã Thiên nói rằng, Hạng Vũ bị quân đội của Lưu Bang 刘邦 truy đuổi chạy đến bên bờ Ô Giang 乌江. Đình trưởng Ô Giang dừng thuyền bên bờ nói với Hạng
Vũ:
- Giang Đông tuy nhỏ, đất vuông ngàn dặm, dân
chúng 10 vạn, cũng đủ để làm vương rồi. Mong đại vương mau qua sông. Nay chỉ có
một mình thần có thuyền, quân Hán đến, cũng không có cách nào qua sông.
Hạng Vũ
cười bảo rằng:
- Trời đã diệt ta thì ta còn qua sông làm gì! Hơn
nữa Tịch ta cùng với 8000 con em Giang Đông vượt sông đi về phía tây, nay không
còn lấy một người, cho dù phụ lão Giang Đông có thương để ta làm vương, thì
ta cũng đâu còn mặt mũi nào mà gặp họ? Tịch ta há không hổ thẹn với lòng sao?
Sau đó
Hạng Vũ liều với quân đội Lưu Bang, cuối cùng tự vẫn mà chết.
Tư Mã
Thiên dùng ngòi bút với giọng điệu bi thương, sôi sục thuật lại Hạng Vũ lúc cùng
đồ mạt lộ mà vẫn không mất đi hình tượng sáng rỡ đầy bản sắc tráng sĩ.
Hạng Vũ
khí khái anh hùng như vậy, biết bao năm luôn được hậu thế ca tụng. Mỗi khi nhắc đến cái chết của ông, mọi người
luôn cảm thán không thôi.
Còn có
một cách nói khác xuất phát từ Bình Sơn
toàn tập 屏山全集của Lưu Tử Huy 刘子翚người thời Tống.
Lưu Tử Huy cho rằng sở dĩ Hạng Vũ nói ra những lời như thế là vì nghi ngờ đình
trưởng giả dối. Ông cho rằng, lúc bấy giờ Lưu Bang đang treo thưởng ngàn lượng
vàng, phong ấp vạn hộ để mua lấy tính mạng của Hạng Vũ, còn Hạng Vũ thân đang ở
vào lúc khốn cùng, đình trưởng nói những lời dễ nghe như thế, không tránh khỏi
Hạng Vũ nghi ngờ đình trưởng dối gạt mình. “Hạng Vũ cho rằng bậc trượng phu lúc
đường cùng thà chết, không chịu nghe theo lời đình trưởng, cho nên thác lời lấy
phụ lão Giang Đông để giải quyết.” Lưu Tử Huy còn nói, sở dĩ Hạng Vũ chọn chạy
đến Cai Hạ 垓下là để hi vọng mình có thể đào thoát được, nhưng bị
nông phu gạt mà sa vào đầm lầy, nhân đó mới biết “nhân tâm bất dữ kỉ” 人心不与己 (lòng
người không theo mình), thế thì làm sao Hạng Vũ lại tuỳ tiện nghe theo lời của
đình trưởng? Cho nên Hạng Vũ mới thôi không gởi gắm hi vọng vào việc đào thoát
nữa, mà chọn tử chiến với quân của Lưu Bang đến phút cuối. Cách nói này tuy chỉ
là suy đoán của Lưu Tử Huy, nhưng cũng có ảnh hưởng nhất định trong lịch sử.
Hãy còn
một cách nói sản sinh vào những năm 80 của thế kỉ 20, thuyết này cho rằng sở dĩ
Hạng Vũ quyết tự sát là “vi tảo nhật tiêu trừ nhân dân đích chiến tranh khổ nạn.”
为早日消除人民的战争苦难 (để sớm dẹp được nỗi khổ vì chiến tranh của nhân dân).
Như Ngô Nhữ Dục 吴汝煜 cho rằng, nội chiến trường kì đem lại nỗi thống khổ cực
lớn cho mọi người, Hạng Vũ sau khi nhận thức được điểm này, đã nảy sinh cách
nghĩ là sớm làm sao kết thúc cuộc chiến tranh. Do đó ông đã bỏ qua ý kiến của
đình trưởng Ô Giang khuyên về lại Giang Đông làm vương, tự vẫn mà chết không
chút do dự. Đối với quan điểm đó có người đề xuất phản đối, cho rằng Hạng Vũ là
một người rất tàn bạo, về điểm này có thể tìm thấy những sử liệu bổ sung làm chứng
cứ. Trong Sử kí có nói trong quá
trình diệt Tần, Hạng Vũ đã đồ sát Tương thành 襄城,
chôn sống 20 vạn hàng quân. Ngoài ra, sau khi chiến tranh Hán Sở bộc phát, Hạng
Vũ vẫn không sửa đổi tính ác lạm sát của mình, “đến chỗ nào tàn diệt chỗ đó”.
Con người như thế làm sao có thể lấy phương thức hi sinh thân mình để dẹp trừ nỗi
thống khổ của nhân dân? Cách nói này rõ ràng không phù hợp với đặc trưng tính
cách “dục dĩ lực chinh kinh doanh thiên hạ” 欲以力征经营天下 (muốn dùng vũ lực
chinh phạt để bình trị thiên hạ) của Hạng Vũ.
Riêng Lữ Ngưỡng
Tương 吕仰湘đề xuất một cách nói đặc biệt “địch sinh ngã tử,
thành nhân chi mĩ” 敌生我死, 成人之美 (địch sống ta chết,
giúp người hoàn thành nguyện vọng tốt đẹp của họ). Ông cho rằng, Hạng Vũ luôn
tin theo triết học đấu tranh “phi tha tức ngã” 非他即我 (không phải người ta thì là mình), đương lúc Hạng Vũ thắng lợi, Hạng
Vũ muốn tiêu diệt triệt để kẻ địch, còn khi gặp lúc chướng ngại, thì Hạng Vũ
cam chịu huỷ diệt thân mình. Tự vẫn ở Ô Giang là bước tiến cuối cùng của phẩm
tính này, là một sự chọn lựa vừa không khuất phục bản thân, mà lại có thể giúp
người khác hoàn thành sự việc. Nhân đó, việc Hạng Vũ không chịu qua Giang Đông,
là cá tính đặc biệt của Hạng Vũ, và cũng là nhân tố tâm lí đặc biệt, là kết quả tất nhiên
của sự phát triển tính cách.
Còn Trương
Tử Hiệp 张子侠sau khi phản bác mấy thuyết đó đã đề xuất quan điểm của
riêng mình. Đầu tiên ông đề xuất chất nghi cách nói Hạng Vũ “tu kiến Giang Đông
phụ lão” mà có ảnh hưởng tương đối lớn, ông cho rằng thuyết này mới nhìn thì
như có lí, nhưng thực tế lại không như vậy. Hạng Vũ trước khi tự sát, đã từng gặp
nhiều lần thất bại: quân đội của Hạng Vũ tại Cai Hạ bị đại quân của Lưu Bang
bao vây, ái cơ thì tự sát còn thủ hạ thì tán lạc; nhân vị bị nông phu gạt mà sa
vào đầm lầy, lúng túng không biết làm sao; cạnh mình chỉ còn sót lại 28 kị mã.
Nếu nói Hạng Vũ do vì mất 8000 con em Giang Đông nên không còn mặt mũi nào gặp phụ
lão Giang Đông, thế thì với những thất bại trước đó tại sao lại không hổ thẹn tự
sát? Mà ngược lại, những thất bại trước đó tuy cũng khiến cho Hạng Vũ rơi vào cảnh
quẫn bách cực đoan, nhưng Hạng Vũ lại không hề dao động quyết tâm khôi phục trở
lại vị thế. Còn khi bị đại quân Lưu Bang truy đuổi, từ Trần Hạ 陈下đến Cai Hạ 垓下, lại chạy về phía
nam đến Âm Lăng 阴陵, đến Đông thành 东城,
cuối cùng đến bên Ô Giang 乌江. Những con đường
đào thoát này đã biểu minh Hạng Vũ định lui về trấn giữ Giang Đông. Nhưng vì
sao đến Ô Giang, đồng thời khi có người bằng lòng giúp qua sông, Hạng Vũ cuối
cùng lại nảy sinh lòng hổ thẹn mà muốn một trận tử chiến với Lưu Bang? Điều này
rõ ràng là không phù hợp với kế hoạch triệt quân của Hạng Vũ, không hợp tình
lí, không hợp logique. Trương Tử Hiệp cho rằng, Tư Mã Thiên muốn tình tiết sử
thư càng hoàn thiện cho nên mới bổ sung kết cục như thế, nhưng người đời sau lại
cho đó là tín sử, rồi lan truyền hậu thế.
Ngoài
ra còn có một cách phân tích khác, cho rằng Hạng Vũ là người nước Sở, mà người
Sở vốn có truyền thống bị bại thì tự sát. Như tướng quân Tử Ngọc 子玉 nước
Sở thời Xuân Thu khi đánh trận, lúc binh bại đã tự sát, Đại phu Khuất Nguyên 屈原 nước
Sở cũng nhảy xuống sông Mịch La 汨罗tự tận. Hạng Vũ
đương thời đạn hết lương cạn, binh bại đến mức như vậy, đối với ông mà nói là
điều không thể chịu đựng được, cho nên Hạng Vũ quyết không chịu qua Giang Đông,
mà chỉ biết chọn hành động tự sát như thế.
Hạng Vũ
rốt cuộc không thể qua Giang Đông, hay là không chịu qua Giang Đông, đến nay vẫn
chưa định luận. Sự tranh luận trong giới học thuật hoàn toàn không hề ảnh hưởng
đến hình tượng tráng sĩ trong lòng mọi người, khí khái anh hùng của Hạng Vũ vẫn
được mọi người truyền tụng rộng rãi như trước.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/8/2018
Nguyên tác Trung văn
HẠNG VŨ VỊ HÀ BẤT KHẲNG QUÁ GIANG ĐÔNG
项羽为何不肯过江东
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật