Dịch thuật: Hai biệt hiệu của gian tướng Nghiêm Tung

HAI BIỆT HIỆU CỦA GIAN TƯỚNG NGHIÊM TUNG

          Nói đến quyền tướng Nghiêm Tung 严嵩 khoảng thời Gia Tĩnh 嘉靖 triều Minh, mọi người đều biết ông ta là một đại gian tướng tham ô hối lộ, kết bè kết đảng mưu lợi cá nhân, hãm hại trung lương. Nhưng rất ít người biết, lúc ông ta còn trẻ là người từng khắc khổ, siêng năng đọc sách.
          Nghiêm Tung từ nhỏ đọc nhiều, luyện viết nhiều, văn viết rất hay, năm 25 tuổi đậu Tiến sĩ. Ông từng đặt cho mình biệt hiệu “Giới Khê” 介谿. Chữ 谿 này chính là dị thể của chữ . Nhà Nghiêm Tung ở Khê Điền谿田, có tảng đá lớn trong  giòng nước, Nghiêm Tung rất thích phong cảnh ấy, đó cũng là nguyên nhân vì sao ông lấy biệt hiệu là Giới Khê. Ngoài ra, các bậc tiên triết đặt biệt hiệu, tuy lấy từ cảnh vật thiên nhiên, nhưng đều có hàm ý sâu xa, Nghiêm Tung đọc rất nhiều sách, đương nhiên biết điều này. Chữ谿 còn có một âm đọc khác là “qi”, hàm ý trống rỗng. Chữ cũng mang ý nghĩa là (giới: răn, phòng bị), thế nên介谿 có nghĩa là đã là người phải là hạng người chính trực, không lừa dối người khác. Từ đó có thể thấy, lúc bấy giờ Nghiêm Tung còn có phẩm chẩm chất thanh cao tự răn mình của hạng người đọc sách, hi vọng bản thân có thể trở thành một người chân chính liêm khiết.
          Chức quan mà Nghiêm Tung bắt đầu đảm nhiệm đều là những chức không có thực quyền. Dần theo thời gian, Nghiêm Tung ở lâu trong quan trường, sự ham muốn quyền lực cũng bắt đầu bành trướng. Ông bắt đầu không thoả mãn với quan vị không có thực quyền đó. Để có được thực quyền quan cao, Nghiêm Tung vắt óc nịnh hót tìm con đường tiến thân, trước tiên ông ta lấy lòng quan Lễ bộ Thượng thư mà được hoàng đế sủng tín. Theo truyền thuyết để gặp được Hạ Ngôn 夏言, ông từng quỳ trước cổng Hạ phủ. Về sau được Hạ Ngôn tiến cử, ông từng bước thăng cao, rất nhanh chóng giữ chức Lễ bộ Thị lang. Chức quan này khiến ông ta có nhiều cơ hội tiếp cận hoàng đế, vì thế Nghiêm Tung muốn đem hết sức làm vui lòng hoàng đế. Lúc bấy giờ hoàng đế Gia Tĩnh mê tín Đạo giáo, thường lập đạo tràng trong cung làm pháp sự. Mỗi khi gặp được, Nghiêm Tung đều chuẩn bị trước “thanh từ” 青词 cầu tiên đạo cho hoàng đế. Nghiêm Tung có tài về văn, cho nên “thanh từ” mà ông viết ra, hoàng đế rất thích, hoàng đế cảm thấy xa rời Nghiêm Tung không được. Thế là chức quan của Nghiêm Tung cũng theo đó là không ngừng thăng cao, cuối cùng trở thành quyền tướng chỉ dưới một người mà trên cả vạn người.
          Nghiêm Tung với thực quyền đã không còn là một Nghiêm Tung năm nào với biệt hiệu “Giới Khê”, hi vọng bản thân trở thành một người chính trực.  Nghiêm Tung lúc này đã trở nên gian hiểm độc ác, tham không biết chán. Ăn cả quân lương, nhận hối lộ, hãm hại trung lương, không gì là không làm, thậm chí ngay cả người tiến cử ông là Hạ Ngôn cũng bị ông hãm hại chết.
          Những gì mà Nghiêm Tung làm đương nhiên là bị các đại thần chính trực phản đối, họ từng nhiều lần đàn hặc cùng hoàng đế, nhưng đều bị hoàng đế Gia Tĩnh ngăn chặn. Năm Gia Tĩnh thứ 18, các đại thần một lần nữa đàn hặc Nghiêm Tung, yêu cầu hoàng đế chế tài ông ta. Nghiêm Tung lúc bấy giờ rất lo sợ , nhưng vị hoàng đế hôn dung không những không trừng trị mà còn cho triệu kiến an ủi, cáo dụ với Nghiêm Tung rằng:
          - Khanh cứ ra sức trung thành, mặc ai nói gì chớ để ý.
          Trong lúc nguy nan, được lời an ủi của hoàng đế, Nghiêm Tung vô cùng cảm kích, nhận được ân sủng đến kinh ngạc. Sau đó, Nghiêm Tung đem đường thất của mình đặt là “Ân Miễn Đường” 恩勉堂, đồng thời đổi biệt hiệu của mình từ “Giới Khê” thành “Miễn Am” 勉菴. Từ đó, Nghiêm Tung lại có thêm biệt hiệu “Miễn Am”.
          Nghiêm Tung cuối cùng vẫn bị cách chức, gia sản bị tịch thu, con là Nghiêm Thế Phan 严世蕃 bị giết. Nghiêm Tung bệnh chết vào năm 1567.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                      Quy Nhơn 23/11/2016

Nguyên tác Trung văn
GIAN TƯỚNG NGHIÊM TUNG ĐÍCH LƯỠNG CÁ BIỆT HIỆU
奸相严嵩的两个别号
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post