TẬP TỤC ĐÓN DÂU
Vùng
Giang Triết 江浙, có phong tục cô dâu ăn cơm ngọt khi bước vào cửa nhà
chồng. Vùng Giang Tô 江苏, khi đoàn rước dâu
về đến nhà trai, kiệu hoa dừng trước cửa, cô dâu, chú rể cùng cả nhà trên dưới,
bạn bè thân thích cùng ăn chè ỷ, hạt sen, để biểu thị từ hôm nay trở đi cả nhà
đoàn viên, tâm liền tâm, sống hạnh phúc, sau đó cô dâu bước vào cửa. Tại vùng
Thanh Điền 青田 Triết Giang 浙江, tục cho rằng cơm
ngọt có thể làm cho cô gái định hình, cho nên kiệu hoa đến trước cửa, trước
tiên phụ dâu bưng đến một chén cơm ngọt, đút cho cô dâu một muỗng rồi mới bước
vào. Sau đó đem cơm bày ra nơi đầu giường cô dâu chú rể, đợi hôm sau mới dọn
đi, tục gọi là “hợp đồng phạn” 合同饭. Cho rằng ăn “hợp
đồng phạn” vợ chồng có thể hoà mục vui vẻ, bạch đầu giai lão. Vùng Hải Diêm 海盐 thì do mẹ chồng đích thân nấu một chén xôi ngọt, khi
cô dâu xuống kiệu, mẹ chồng sẽ đút xôi cho cô dâu. Truyền thuyết cho rằng, ngày
sau mẹ chồng nàng dâu sẽ hoà mục, cuộc sống sẽ tốt đẹp.
Sự hình
thành tập tục ăn cơm ngọt bước vào cửa, tại vùng Thanh Điền còn lưu truyền một
câu chuyện truyền thuyết. Thời cổ có một chàng trai hàng ngày lên núi đốn củi,
đem gói cơm trưa treo lên chạc cây. Đến lúc ăn mới phát hiện cơm nóng như vừa mới
nấu. Mấy ngày sau đều xuất hiện chuyện lạ đó. Một ngày nọ, chàng trai để ý quan
sát, phát hiện một con hổ biến thành một cô gái xinh đẹp hâm cơm cho chàng trai. Mẹ chàng trai bảo với chàng
trai khi hổ biến thành cô gái, nhanh chóng bước tới lấy một nắm cơm nhét vào miệng
cô gái. Ngày hôm sau chàng trai làm theo lời mẹ dặn, kết quả cô gái không thể
biến lại thành hổ được nữa. Hai người tâm đầu ý hợp, kết thành vợ chồng. Thế là
phong tục dùng cơm ngọt khiến cô gái định hình lan truyền ra, hình thành phong
tục cô dâu ăn cơm ngọt trước khi bước vào cửa nhà chồng.
Phong tục đón
dâu các nơi
Đốt pháo. Đây là phong tục ở vùng Vĩnh
Phúc 永福 Quảng Tây 广西 lúc cô dâu bước qua
cửa. Khi cô dâu đến trước của nhà trai, nam nữ già trẻ trong làng đến vây kín
kiệu hoa, mấy đứa bé sẽ tinh nghịch đốt pháo quăng vào người cô dâu, cô dâu
không biết tránh chỗ nào. Chú rể bèn gọi mấy chị em đưa dâu bước đến, xuất hiện
trước mặt đám trẻ, tiếng pháo giảm dần, mấy chị em nhanh chóng đưa cô dâu vào cửa.
Bước qua lửa. Đây là phong tục đón dâu
vùng Ngọc Hoàn 玉环, Ôn Lĩnh 温岭 ở Chiết Giang 浙江.
Khi kiệu hoa vừa đến, nhà trai liền bê một chậu lửa đặt trước kiệu, lại cho muối
vào, khi muối trong lửa nổ lách tách, phụ dâu sẽ dìu cô dâu xuống kiệu, bước
qua chậu lửa tiến vào cửa, tục cho rằng, như thế sẽ tiêu trừ toàn bộ sát khí,
tà khí.
Bước qua yên ngựa. Đây là phong tục tại
Cam Túc 甘肃 cùng một số nơi ở phía bắc. Tục này trong dân gian
vùng Cam Túc là thú vị nhất. Kiệu hoa đến nhà trai, hai tên hề do anh em của
chú rể đóng vai, một người đội chiếc mũ giấy rách, tai đeo xâu ớt, mặc áo trái
cũ kĩ; còn người kia đầu đội mũ làm bằng hoa hướng dương hoặc dưa hấu, trên người
khoác tấm drap trải giường, cả hai đều vẻ hoa văn lên mặt. Cô dâu tới cửa, hai
chú hề tiến lên nghinh đón, miệng cười tay hướng đến cô dâu hành lễ. Cô dâu đã
chuẩn bị sẵn quà gặp mặt – hộp thêu hoa (bên trong có thể đặt món đồ mà chàng rể
đã chuẩn bị), trao cho từng chú hề, lúc bấy giờ mọi người mới đưa cô dâu vào
sân. Tiếp đó, phụ dâu dìu cô dâu, theo lời xướng của người phụ trách buổi lễ:
Tân nhân khóa mã an, nhất thế bảo bình
an!
新人跨马鞍, 一世保平安
(Tân nhân bước qua yên ngựa, một đời được bình yên)
Cô dâu chú rể cùng bước qua yên ngựa đặt nơi cửa để tiến
vào.
Đáng sát. Đây là phong tục đón dâu
vùng Ninh Hương 宁乡 Hồ Nam
湖南 cùng Tầm Ô 寻乌 Giang Tây 江西. Tục này cho rằng các kiệu hoa đều có sát khí, cho
nên khi kiệu hoa đến nhà trai không để xuống đất, chỉ có thể đặt lên chiếc bàn
lớn, sau đó mời hai vị đầu bếp đến “trảm thảo đáng sát” 斩草挡煞. Trảm thảo xong, kiệu hoa từ trên bàn đưa xuống đất,
bà mai vén màn kiệu, phụ dâu dìu cô dâu xuống kiệu vào cửa. Đáng sát vùng Tầm
Ô lại rất thú vị. Theo tục cũ, nhà trai trước tiên mời đến một người đàn ông mệnh
tốt, sau khi kiệu hoa đến, dùng kiếm giết một con gà trống, lấy máu gà rắc lên
ngạch cửa, đồng thời miệng niệm chú, sau đó phụ dâu sẽ đưa cô dâu vào cửa.
Trải củi sậy trên đường. Đây là phong tục
đón dâu vùng Tưởng Doanh 蒋营 Kiến Hồ 建湖 Tô bắc 苏北. Tại vùng sông nước
Tưởng Doanh, thuyền đón dâu cập bờ, cô dâu từ bờ đến nhà trai, bất luận xa gần
cũng không thể đi trên đất, mà chỉ đi trên lối đã trải củi sậy. Nếu đường xa,
thì dùng cách thay nhau chuyền sậy trải cho đến nhà chú rể. Chữ 柴
(sài: củi) hài âm với 财 (tài: tài lộc), lấy
ý nghĩa cát tường phát tài, cô dâu thông qua con đường “sinh tài” sẽ đưa tài lộc
đến nhà chồng.
Đánh cô dâu. Đây là phong tục đón dâu
vùng Lệ Phố 荔浦 Quảng Tây 广西. Kiệu hoa đến cửa nhà trai, hai người phụ nữ
tướng mạo phúc hậu bước ra che dù cho cô dâu, tay cầm thước, thừa lúc cô dâu bước
vào cửa, dùng thước đánh nhẹ vào đầu cô dâu 3 cái, tục gọi là “hiển uy” 显威, ngầm bảo sau hôn lễ cô dâu tôn trọng chồng, mọi việc
chú ý từng li từng tí. Sau đó chú rể đi trước, cô dâu phải giẫm lên dấu chân của
chú rể theo đó bước vào nhà, tục gọi là “thái tam bộ” 踩三步,
ý nói từ đây về sau phu xướng phụ tuỳ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/8/2016
Nguyên tác Trung văn
TÂN NƯƠNG NHẬP MÔN TẬP TỤC
新娘入门习俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật