ĐẠI THẾ NHÀ TẦN HƯỚNG TỚI
Sự thống
nhất Trung Quốc của nhà Tần, về khách quan mà nói, nó không thể tách rời cơ sở
xã hội kinh tế tất yếu được hình thành trong diễn tiến lịch sử trường kì, đặc
biệt là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Theo sự phát triển nhanh chóng về kinh tế
chính trị của các nước, sự tăng cường không ngừng quan hệ văn hoá giữa các
vùng, sự tăng cường củng cố mối quan hệ giữa các dân tộc, trạng thái phân liệt
về chính trị dần trở thành hòn đá cản đường cho sự phát triển xã hội, vì thế sự
thống nhất trở thành đại thế cần hướng tới.
Từ thời
Tây Chu, nhiều người đã sử dụng những công cụ bằng đá bằng gỗ để tiến hành sản
xuất nông nghiệp, cá nhân rất khó đơn độc hoàn thành công việc lao động sản xuất
phức tạp, thông thường mọi người tập trung lao động nơi ruộng của quý tộc, hình
thành cục diện “thiên ngẫu kì vân” 千耦其耘 (1). Nhưng
đến thời Xuân Thu, công cụ bằng sắt bắt đầu ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp.
Với công cụ bằng sắt, bất luận là về số lượng hay về chất lượng rõ ràng đều chiếm
địa vị chủ đạo. Lúc bấy giờ, rất nhiều chủng loại công cụ bằng sắt, như mai, bừa,
liềm, cào ... Việc sử dụng rộng rãi những công cụ bằng sắt này, có lợi cho việc
chặt cây, làm thuỷ lợi, khẩn hoang và cày bừa, từ đó thúc đẩy nhanh sự phát triển
sản xuất nông nghiệp. Thời kì này còn xuất hiện cày bằng trâu, người thời đó
thường dùng “ngưu” 牛 và “canh” 耕 làm tên hoặc tự, có
thể thấy, như học trò Khổng tử là Tư Mã Canh 司马耕,
tự Tử Ngưu 子牛; Đại lực sĩ nước Tấn họ là Ngưu 牛, tên là Tử Canh 子耕.
Điều này nói rõ, cày bằng trâu (ngưu canh 牛耕)
chính là phương thức sản xuất mà mọi người thường thấy. Đến thời Chiến Quốc,
cày bằng trâu đã được áp dụng rộng rãi hơn, mọi người còn bắt đầu sử dụng 2 con
trâu kéo cày để tiến hành canh tác. Lưỡi cày hình chữ V phần đầu nhọn phần sau
rộng có công năng cực lớn trong việc thâm canh xới đất, thích ứng với việc lật
đất, khơi ngòi , là một bước tiến nhảy vọt trong kĩ thuật canh tác. Việc sử dụng
rộng rãi công cụ bằng sắt và cày bằng trâu đã khiến sản xuất tiểu nông trở
thành khả năng, bắt đầu cuộc cách mạng
nông nghiệp với ý nghĩa chân chính. “Công tác tắc trì” 公作则迟, “phân địa tắc tốc” 分地则速 đã phản ánh tinh
thần thời đại cá thể cá thể thay thế nông canh tập thể, tiểu nông và giai cấp địa
chủ mới bắt đầu bước lên vũ đài lịch sử xã hội, cũng đã đẩy mạnh phong trào
cách mạng phát triển tiểu nông để làm cho nước giàu binh mạnh ở các nước. Trình
độ thay đổi của các nước lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại hưng suy về vận mệnh của đất nước mình.
Sự phát
triển nông nghiệp còn thúc đẩy mạnh mẽ sự tiến bộ công thương nghiệp. Thời Chiến
Quốc, thủ công nghiệp như nghề làm đồ sơn, nghề rèn, nghế làm muối đều có sự
phát triển, đồng thời cũng đã có nơi cố định để trao giao dịch, như “thị trương
liệt tứ” 市张列肆, còn hình thành một số một số thị trường giao dịch
thương phẩm mang tính khu vực. Lúc bấy giờ cá, muối ở phương đông; ngà voi, tơ,
trúc ở phương nam; da thuộc ở phương tây, ngựa, chó ở phương bắc, thậm chí
vàng, bạc, đồng, chì, la, lừa, gừng, quế, đơn sa, đồi mồi v. v... ở những nơi
xa xôi cũng đều đưa đến trung nguyên để trao đổi. Cùng lúc đó, một số đô hội nối
nhau hình thành, như Lâm Tri 临淄 của Tề, Dĩnh 郢 của Sở, Hàm Đan 邯郸
của Triệu v.v... Việc buôn bán trục lợi, đã xuất hiện nhiều nhà buôn giàu có
như Phạm Lãi 范蠡. Những điều này đã đặt cơ sở kinh tế tất yếu cho cục
diện thống nhất.
Nhìn từ
một phương diện khác, cục diện phân liệt cát cứ về chính trị ngày càng trở
thành gông cùm của sự phát triển kinh tế xã hội. Chiến tranh kiêm tính trường
kì làm hao tốn nhiều nhân lực, vật lực, tài lực, ảnh hưởng đến sản xuất nông
nghiệp, sức lao động bị sụt giảm nhanh chóng. Kẻ thống trị các nước trở mặt
thành thù, trực tiếp uy hiếp đến sinh mệnh nhân dân, đến sự an toàn tài sản.
Thành trì các nước tạo dựng khắp nơi, quan ải mọc lên như rừng, việc trưng thu
thuế khoá vô độ càng trở ngại trực tiếp đến sự phát triển giao thông và kinh tế,
cùng sự giao lưu văn hoá. Như thế, sự bức thiết phải thống nhất đã bước lên lộ
trình phát triển xã hội.
Chú của người
dịch
1- Thiên ngẫu
kì vân千耦其耘: câu này trong bài Tái sam 载芟 phần Chu tụng 周颂 trong
Kinh Thi, có nghĩa là “có hàng trăm cặp
nông phu cùng lo bừa, nhổ cỏ” (Theo Tạ Quang Phát: Kinh thi, tập 3, trang 1744)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
24/7/2016
Nguyên tác Trung văn
ĐẠI THẾ SỞ XU
大势所趋
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 - 秦
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách
nhiệm công ti, 2006
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật