“QUÂN YẾU THẦN TỬ THẦN BẤT ĐẮC BẤT TỬ”
CÂU NÀY AI NÓI?
Là người
thường biện hộ cho học thuyết Nho gia, tôi kì thực không hề phản đối những lời
phê bình của những người phản đối Nho học, cho dù những lời phê bình đó có kịch
liệt, cũng chưa hẳn là không có ý nghĩa đáng để lắng nghe. Nhưng tôi quả thực
phản cảm với kiểu ngay cả Nho học rốt cuộc chủ trương điều gì cũng không rõ mà
đã vội công kích. Lấy gì để phán định họ không rõ Nho học? Bởi tôi phát hiện,
quan điểm mà họ muốn phê, trên thực tế hoàn toàn không phải là chủ trương của
Nho học, mà là xuất phát từ chỗ lấy sai truyền sai, người ta nói sao mình nói vậy,
lấy đó đổ lên đầu Nho gia. Ví dụ như: nhiều người đồng thanh cho rằng Nho gia cổ
xuý:
Quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử
君要臣死, 臣不得不死
(Vua khiến bề tôi chết, bề tôi không thể không chết)
Đây là cách hiểu sai thâm căn cố đế.
Đọc hết
các điển tịch Nho gia cùng với những văn tập của Nho gia các đời đều không tìm
thấy nhà Nho nào cổ xuý cho “quân yếu thần tử, thấn bất đắc bất tử.” Tôi có một
người bạn từng treo thưởng trên Weibo.com rằng: Ai có thể từ “Thập tam kinh” của
Nho gia, (tức Dịch kinh 易经, Thượng thư 尚书, Thi kinh 诗经, Chu lễ 周礼, Nghi lễ 仪礼, Lễ kí 礼记, Xuân Thu Tả
truyện 春秋左传, Xuân Thu Công Dương truyện 春秋公羊传, Xuân Thu Cốc Lương truyện 春秋穀梁传, Luận ngữ 论语, Hiếu kinh 孝经, Nhĩ nhã 尔雅, Mạnh Tử 孟子) tìm ra được
câu Quân
yếu thần tử, thần bất đắc bất tử, ông ta sẽ thưởng 2000 đồng. Lúc đó tôi
tăng thêm 2000 nữa, đồng thời nới rộng điều kiện, chỉ cần từ bất cứ điển tịch
Nho học nào cùng với những ngôn luận của Nho gia các đời, tìm ra được những lời
tuyên dương mang ý nghĩa “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử” thì đều có thể
lĩnh thưởng. Nhưng đã hai năm trôi qua, đến nay 4000 đồng tiền thưởng vẫn chưa
đến được tay ai.
Tôi tin
rằng: bạn bè hiểu biết về Nho học thời Tiên Tần đều biết, trong quan niệm của
Khổng Tử, Nho gia hoàn toàn không tán đồng sự thành tâm dâng hiến sức lực và phục
tùng tuyệt đối của bề tôi đối với vua, mà là cường điệu giữa vua tôi đều có
nghĩa vụ, phải tôn trọng lẫn nhau thì mối quan hệ vua tôi mới có thể được duy
trì,
Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ
trung
君使臣以礼, 臣事君以忠
(Vua lấy lễ để sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung
để thờ vua)
Nếu vua
không tôn trọng bề tôi thì bề tôi bất tất phải thành tâm dâng hiến sức lực. Cái
mà gọi là “quân quân, thần thần”, “quân bất quân, tắc thần bất thần” chính là
mang ý nghĩa này. Khổng Tử cũng cho rằng:
Sở vị đại thần giả, dĩ đạo sự quân, bất
khả tắc chỉ.
所谓大臣者, 以道事君, 不可则止
(Gọi là đại thần, lấy đạo để thờ vua, nếu không thể thì
dừng lại)
Bậc
quân chủ tuy tôn quý, nhưng cần phải tiếp thụ sự ước thúc của “đạo”. Nếu bậc
quân chủ hành sự đi ngược lại với “đạo”, thì bề tôi có thể cởi bỏ mối quan hệ
quân thần.
Tư tưởng
của Mạnh Tử so với Khổng Tử tiến xa hơn, ông nói rằng, với khanh sĩ khác họ:
Quân hữu quá tắc gián, phản phúc chi nhi
bất thính, tắc khứ.
君有过则谏, 反覆之而不听, 则去
Còn với
khanh sĩ thân thích,
Quân hữu đại quá tắc gián, phản phúc chi
nhi bất thính, tắc dịch vị.
君有大过则谏, 反覆之而不听, 则易位
Ý là: nếu
vua chẳng ra vua thì bề tôi có thể can
gián phê bình, nếu vua không nghe thì với khanh sĩ khác họ có thể tự mình cởi bỏ
mối quan hệ quân thần, còn với khanh sĩ thân thích thì có thể phế bỏ vị vua đó,
lập một ông vua mới.
Mạnh Tử
lại nói:
Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị
quân như phúc tâm; quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc
nhân; quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu cừu.
君之视臣如手足, 则臣视君如腹心; 君之视臣如犬马, 则臣视君如国人; 君之视臣如土芥, 则臣视君如寇仇.
(Vua
coi bề tôi như tay chân, thì bề tôi coi vua như gan ruột; vua coi bề tôi như
chó ngựa, thì bề tôi coi vua như kẻ qua đường; vua coi bề tôi như bùn rác,
thì bề tôi coi vua như giặc thù)
(Theo Tứ thư tập chú, Nguyễn Đức Lân dịch và
chú giải, trang 1062)
Nếu bậc
quân chủ vô đạo thì thần dân thậm chí có thể nổi dậy làm cuộc cách mạng, “tru
nhất độc phu”.
Nho học
mà Khổng Mạnh khai sáng làm sao lại có thể không phân biệt được trắng đen mà đề
xướng “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử”. Thời Tiên Tần, người đề xuất bề
tôi phải tuyệt đối trung thành với vua là Pháp gia. Hàn Phi Tử nói rằng:
Thần văn: bất tri nhi ngôn, bất trí; tri nhi
bất ngôn, bất trung. Vi nhân thần bất trung, đáng tử; ngôn nhi bất đáng, diệc
đáng tử.
臣闻: 不知而言, 不智; 知而不言, 不忠.为人臣不忠, 当死; 言而不当, 亦当死.
(Thần
nghe nói: không biết mà dâng lời là bất trí; biết mà không dâng lời là bất
trung. Làm tôi bất trung đáng xử tội chết; nhưng nói mà không thoả đáng, thì
cũng đáng tội chết.)
Có lẽ
câu này là khởi đầu của tư tưởng “quân yếu thần tử, thần bất đắc bất tử”.
Trải
qua thời Chiến quốc và sau bạo Tần sụp đổ, đời Hán học thuyết Nho gia phục hưng
đã không thể tránh khỏi tiêm nhiễm Pháp gia
và chế độ nhà Tần, tương đối cường điệu “quân tôn thần ti”, xuất hiện
thuyết “tam cương” trong đó có “quân vi thần cương”. Nhưng cho dù như thế, nếu
chúng ta kiểm tra lại sách vở, sẽ phát hiện, đại thần các đời viện dẫn “tam
cương” là để răn bậc quân chủ, chứ không phải để luận chứng quyền uy tuyệt đối của bậc
quân chủ, càng không phải để chứng minh tính hợp lí của câu “quân yếu thần tử,
thần bất đắc bất tử”, mà là yêu cầu bậc quân chủ phải lấy bản thân mình làm chuẩn
tắc, nêu gương sáng cho chúng thần noi theo. Lí học gia thời Nam Tống Chân Đức
Tú 真德秀 đối với “quân vi thần cương” đã giải thích:
Tức tam cương nhi ngôn chi, quân vi thần
cương, quân chính tắc thần diệc chính hĩ. ….. Cố vi nhân quân giả, tất chính
thân dĩ thống kì thần.
即三纲而言之, 君为臣纲, 君正则臣亦正矣. ….. 故为人君者, 必正身以统其臣.
(Tức từ
tam cương mà nói, quân vi thần cương, vua ngay thẳng thì bề tôi cũng ngay thẳng
theo. ….. Cho nên làm một bậc quân chủ, bản thân phải ngay thẳng để thống lĩnh
bề tôi)
Rõ
ràng, theo cách nhìn của Chân Đức Tú, “cương” mang ý nghĩa là “dĩ thân tác tắc”
以身作则 (lấy bản thân
mình làm chuẩn tắc), chứ không phải chỉ “tuyệt đối quyền uy” 绝对权威. Tống Nho cũng cho rằng:
Chí vu quân, tuy đắc dĩ lệnh thần, nhi bất
khả vi vu lí nhi vọng tác; thần chi sở dĩ cộng quân, nhi bất khả nhị vu đạo nhi
khúc tùng.
至于君, 虽得以令臣, 而不可违于理而妄作; 臣虽所以共君, 而不可贰于道而曲从.
(Còn
như vua, tuy có thể lệnh cho bề tôi, nhưng không thể ngược với đạo lí mà làm
càn; bề tôi tuy thờ vua, nhưng không thể hai đạo mà khom lưng phục tùng)
Vẫn là
chủ trương “tùng đạo bất tùng quân”.
(còn tiếp)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 23/6/2015
Nguồn
THUỲ THUYẾT “QUÂN YẾU THẦN TỬ THẦN BẤT ĐẮC BẤT TỬ”
Tác giả: Ngô Câu 吴钩
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật