PHỤC SỨC TRIỀU HÁN
Đầu thời
Hán, hoàn cảnh chính trị khoan dung dễ dãi kích thích kinh tế phồn vinh, phục sức
từ chỗ kiệm ước dần đi đến chỗ xa xỉ. Cách ăn mặc của quý tộc ở kinh sư cũng dần
vượt qua vương chế. Những loại vốn thuộc của hậu phi dùng như gấm, thêu, the lụa,
sa trun, lụa nõn … hạng phú thương cũng thường mặc; những nhà quý tộc, nô tì
cũng mặc áo thêu, mang giày tơ. Với cách nhìn của Nho gia, đây là hiện tượng
tôn ti hỗn loạn. Năm Nguyên Phong 元丰 thứ 7 (năm 104 trước
công nguyên), Hán Vũ Đế 汉武帝 quyết định đổi chính
sóc, đổi phục sắc, biểu thị nhận mệnh từ trời. Đem niên hiệu Nguyên Phong năm
thứ 7 đổi thành Thái Sơ 太初 nguyên niên, lấy
tháng Giêng làm đầu một năm, phục sắc chuộng màu vàng, số dùng “ngũ”, nhưng
chưa quy định tỉ mỉ chế độ chương phục. Mãi đến năm Vĩnh Bình 永平 thứ 2 đời Hán Minh Đế 汉明帝
(năm 59) mới dựa theo tư tưởng truyền thống của Nho gia chế định ra chế độ quan
phục. Chế độ tế phục, triều phục của Hán Minh Đế bao gồm quan, miện, y thường, hài
lí, bội thụ … mỗi loại đều có trật tự đẳng cấp. Tháng Giêng năm Vĩnh Bình thứ
2, Hán Minh Đế và công khanh chư hầu lần đầu tiên đội miện quan mặc y thường cử
hành tế lễ. Đây là sự khởi đầu chế độ y quan của học thuyết Nho gia được chấp
hành triệt để toàn diện tại Trung Quốc.
Cân 巾, trách 帻 và quan 冠
Khoả
cân 裹巾 (khăn
bọc tóc) là tiêu chí biểu thị đến tuổi thành niên thời cổ. Con trai đến 20 tuổi,
nếu là kẻ sĩ có thân phận thì đội quan, thứ nhân không có thân phận thì dùng
khoả cân. Ý nghĩa của “cân” 巾 (khăn) là “cẩn” 谨,
tức người dùng khoả cân đang cung kính giữ lễ. Thời Chiến Quốc, bách tính nước
Hàn dùng khăn xanh bọc tóc, gọi là “thương đầu” 苍头;
bách tính nước Tần dùng khăn đen bọc tóc, gọi là “kiềm thủ” 黔首.
Trách 帻 (một loại khăn bọc tóc) là loại dành cho những người
có thân phận thấp kém không thể đội quan, giống như khăn bịt trán, công dụng của
nó cũng dùng để bọc búi tóc lại, không để cho tóc rủ xuống. Thời Hán, trước
trán còn có thêm vòng chặn tóc, tên gọi là “nhan đề” 颜题.
Cân trùm lên đỉnh đầu, khiến đỉnh đầu vốn không có gì biến thành “ốc” 屋. Về sau phần nhô cao làm cho hình dạng đỉnh ốc có hình như chữ “giới” 介 nên gọi là “giới trách” 介帻,
khung của “quan” trùm lên “giới trách” gọi là “triển đồng” 展筒. Người có thân phận cao quý thì trên “trách” đội thêm
“quan”. Chế độ về “quan” thời Hán có chỗ
khác với thời cổ. Thời cổ đàn ông đội trực tiếp “quan” lên búi tóc, thời
Tây Hán dưới “quan” có thêm sợi dây nối liền với dây của “quan” được thắt lại ở
dưới cằm. Đến thời Đông Hán, trước tiên phải dùng “trách” để bọc búi tóc lại,
sau đó mới đội “quan”.
“Quan”
đời Hán là một trong những tiêu chí cơ bản phân biệt địa vị đẳng cấp, hình thức
rất đa dạng, chủ yếu có: Miện quan 冕冠, Trường quan 长冠, Uỷ mạo quan 委貌冠,
Tước biền 爵弁, Thông thiên quan 通天冠,
Viễn du quan 远游冠, Cao sơn quan 高山冠,
Tiến hiền quan 进贤冠, Pháp quan 法冠, Võ quan 武冠, Kiến hoa quan 建华冠, Phương sơn quan 方山冠, Thuật sĩ quan 术士冠, Khước phi quan 却非冠, Khước địch quan 却敌冠, Phàn Khoái quan 樊哙冠 …
Triều phục
Triều
phục đời Hán là “bào” 袍 (áo dài gọi là
“bào”, dài đến cổ chân), tay áo do thân tay áo rộng và miệng tay áo tổ thành,
bên trong “bào” mặc áo đơn, phía dưới mặc “khố” 裤
lớn đáy rộng. Bên ngoài áo bào của quan viên có đeo “tổ thụ” 组绶 (dây thao), “tổ” 组 là dây trên
quan ấn, “thụ” 绶 là vật trang sức dùng dây màu bện thành hình dài,
dùng đeo hộp ấn hoặc đeo trước bụng, bên hông cho nên cũng gọi là “ấn thụ” 印绶, màu sắc của dây “thụ” thể hiện thân phận cao thấp.
Hoắc Quang 霍光 sáng chế ra loại “khố” có đáy
Trước đó “khố” chỉ là một ống không có đáy,
tên gọi là “khố” 袴. Tướng sĩ khi cưỡi ngựa chiến đấu mặc khố dài, tên gọi
là “đại khố” 大袴. Thời Tây Hán, sĩ nho, phụ nữ vẫn mặc khố không đáy.
Thời Hán Chiêu Đế 汉昭帝 (năm 87 – năm 75 trước công nguyên), Đại tướng Hoắc
Quang 霍光 chuyên quyền, Hoàng hậu Thượng Quan 上官 là ngoại tôn của Hoắc Quang. Để ngăn cản cung nữ thân
cận với Hoàng hậu, ông đã mua chuộc vị y quan lấy danh nghĩa bảo vệ Hoàng đế, lệnh
cho cung nữ trong cung phải mặc loại “cùng khố” 穷裤
(“cùng khố” là loại khố có đáy), trước và sau có dây buộc chặt. Về sau loại khố
có đáy dần lưu hành. Thời Hán, đàn ông mặc “cùng khố”, có loại đáy cực ngắn,
không có dây lưng khố, khi mặc trên người lộ cả rốn, ống khố rất rộng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/12/2013
Nguyên tác Trung văn
HÁN TRIỀU PHỤC SỨC
汉朝服饰
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật