Dịch thuật: Phẩm, giai, huân, tước

PHẨM, GIAI, HUÂN, TƯỚC

1- PHẨM
          Thời cổ đem chức quan phân thành một số đẳng cấp, gọi là “phẩm” . Đời Hán lấy “lộc thạch” 祿石 nhiều ít làm tiêu chí chức vị cao thấp, ví dụ như Cửu khanh 九卿 là 2000 thạch, Thứ sử Thái thú 刺史太守 là 2000 thạch, Huyện lệnh 縣令 là 1000 đến 600 thạch. Lộc thạch khác nhau, nguyệt bổng thu nhập cũng khác nhau. Thời Tào Nguỵ chức quan chia làm cửu phẩm, Nhất phẩm 一品 là cao nhất, Cửu phẩm 九品 là thấp nhất. Thời Tuỳ Đường, cửu phẩm lại chia thành “chính” và “tùng” . Từ Chính tứ phẩm trở xuống, mỗi phẩm lại phân thành 2 giai thượng và hạ, tổng cộng có 30 cấp. Thời Minh Thanh giản hoá trở lại, cửu phẩm chỉ phân làm chính và tùng, tổng cộng có 18 cấp. Thời Tuỳ Đường chức quan trong cửu phẩm gọi là “lưu nội” 流內, chức quan ngoài cửu phẩm gọi là “lưu ngoại” 流外. Lưu ngoại quan trải qua khảo hạch được chuyển thành Lưu nội quan, đời Đường gọi là “nhập lưu” 入流. Đời Thanh các quan không thuộc trong cửu phẩm gọi là “vị nhập lưu” 未入流.
2- GIAI
     Đời Tuỳ gọi quan có chức vụ là “Chức sự quan” 職事官, quan không có chức vụ gọi là “Tản quan” 散官. Đời Đường đem quan hiệu Tản quan đời trước chỉnh lí và bổ sung, đồng thời quy định mới lại phẩm cấp, lấy đó làm xưng hiệu đánh dấu cấp bực thân phận quan viên, gọi là “giai quan” 階官. Ví dụ như Văn quan giai là: Tùng nhất phẩm gọi là “Khai phủ nghi đồng tam ti” 開府儀同三司, Chính nhị phẩm gọi là “Đặc tiến” 特進, Tùng nhị phẩm gọi là “Quang lộc đại phu” 光祿大夫 v.v… Văn quan giai từ Lục phẩm trở xuống gọi là “Lang” , ví dụ như Chính lục phẩm trở lên gọi là “Triều nghị lang” 朝議郎, dưới Chính lục phẩm gọi là “Thừa nghị lang” 承議郎 v.v… Đời Đường thu nạp quan hiệu của Tướng quân và Hiệu uý đời trước đặt làm Võ quan giai. Về sau, các đời Tống Nguyên Minh Thanh đều có quan giai, có điều danh xưng và phẩm cấp có khác nhau.
          Thời Đường Tống, một người có phẩm cấp quan giai tại một thời kì nào đó không nhất định phải tương đồng với phẩm cấp Chức sự quan mà người đó đang đảm nhiệm. Nếu quan giai cao hơn Chức sự quan thì trước Chức sự quan thêm chữ “Hành” ; quan giai thấp hơn Chức sự quan thì trước Chức sự quan thêm chữ “Thủ” ; quan giai thấp hơn Chức sự quan 2 phẩm thì thêm chữ “Thí” .
3- HUÂN
     Đời Hán lấy một số quan hiệu Tản quan đời trước bổ sung thêm làm huân hiệu ban thưởng quân công, gọi là “huân” , thông xưng là “huân quan” 勳官. Có: “Thượng trụ quốc” 上柱國, “Trụ quốc” 柱國, “Thượng hộ quân” 上護軍, “Hộ quân” 護軍, “Khinh xa đô uý” 輕車都尉, “Kiêu kị uý” 驍騎尉 v.v… tổng cộng có 12 cấp. Đời sau theo chế độ đời Đường, chỉ có điều phẩm cấp hơi khác nhau. Đời Minh có “Văn huân” “Võ huân”. Huân hiệu võ quan về cơ bản tương đồng với các đời trước. Huân hiệu văn quan ngoài “Trụ quốc” ra, còn có “Chính trị khanh” 正治卿, “Tư trị doãn” 資治尹. Đời Thanh, huân và tước hợp lại làm một.
4- TƯỚC
          Thuyết cũ có nói tước phong của đời Chu có 5: Công , Hầu , Bá , Tử , Nam .Tước phong đời Hán thực tế chỉ có 2 là Hầu và Vương . Hoàng tử phong Vương, tương đương với chư hầu thời Tiên Tần, cho nên còn gọi là “Chư hầu Vương” 諸侯王. Đầu đời Hán, khác họ cũng được phong Vương, về sau “phi Lưu thị bất Vương” 非劉氏不王 (không phải họ Lưu thì không được phong Vương). Người khác họ được thụ phong gọi là “Liệt Hầu” 列侯. Từ Hán Vũ Đế về sau, Chư hầu Vương được quyền phong con thứ của mình là “Hầu” trong địa phận Vương quốc mình, tính chất cũng là “Liệt hầu” (xưng là “Vương tử Hầu”). Thực ấp của Liệt Hầu đời Hán thường là huyện, cũng có người là hương, là đình. Xem số thực hộ nhiều ít mà định, cho nên về sau có các tên gọi như  “Hương Hầu” 鄉侯, “Đình Hầu”亭侯. Sau thời Tam quốc, chế độ phong tước của các đời không giống nhau, nhưng cùng họ được phong Vương là nhất trí, khác họ thường được phong là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam (1). Đời Tấn, Tống trở về sau, tước hiệu có thêm 2 chữ “Khai quốc” 開國 để biểu thị sự tôn quý, ví dụ như Lạc An quận Khai quốc Công 樂安郡開國公, Khúc Phụ huyện Khai quốc Tử 曲阜縣開國子, gọi đó là “Khai quốc tước”. Nếu tước không có thêm “Khai quốc” thì gọi là “Tản tước” 散爵. Đất phong tuy nói là quận, huyện nhưng sau này đều là hư danh. Đời Tống nói “thực ấp” 食邑 mấy ngàn hộ, “thực thực phong” 食實封 mấy ngàn hộ, hoàn toàn không biểu thị số thu nhập thuế khoá. Việc phong tước cho hoàng thất đời Minh và đời Thanh cũng khác với phong tước cho người khác họ.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Khác họ cũng được phong Vương, ví dụ như Dương Kiên 楊堅 (Tuỳ Văn Đế 隋文帝) lúc đầu làm quan triều Bắc Chu được phong là Tuỳ Công 隋公, sau được phong là Tuỳ Vương 隋王. Lí Uyên 李淵 (Đường Cao Tổ 唐高祖) lúc đầu làm quan triều Tuỳ, được phong là Đường Công 唐公, sau được phong là Đường Vương 唐王. Quách Tử Nghi 郭子儀 có quân công, được phong là Phần Dương Vương 汾陽王.

                                       Huỳnh Chương Hưng
                                        Quy Nhơn 10/6/2013

Dịch từ nguyên tác Trung văn
Trong quyển
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 3)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục 1998.
Previous Post Next Post