Dịch thuật: Chữ "cầu" trong Hán ngữ cổ

CHỮ “CẦU” TRONG HÁN NGỮ CỔ

1- Tìm, tìm kiếm:
          Ở thiên Lương Huệ Vương thượng梁惠王上 trong Mạnh Tử孟子 có câu:
Do duyên mộc nhi cầu ngư dã
猶緣木而求魚也
(Giống như leo cây mà tìm cá vậy)
Và ở thiên Cáo Tử thượng 告子上:
Nhân hữu kê khuyển phóng, tắc tri cầu chi
人有雞犬放, 則知求之
(Người có con gà con chó đi mất thì biết tìm)
          Kết quả của “cầu” là “đắc” (có được), cho nên “cầu” thường tương ứng với “đắc”. Trong Chiến quốc sách – Sở sách nhất 戰國策 - 楚策一 ghi rằng:
Hổ cầu bách thú nhi thực chi, đắc hồ
虎求百獸而食之, 得狐
(Hổ tìm muôn thú để ăn thịt, được con cáo)
          Trong Sử kí – Liêm Pha Lạn Tương Như liệt truyện 史記 - 廉頗藺相如列傳:
Cầu nhân khả sử báo Tần giả, vị đắc
求人可使報秦者, 未得
(Tìm người có thể sang Tần báo lại, nhưng chưa được)
          Dẫn đến nghĩa “yêu cầu” “mong cầu”. Ở thiên Học nhi 學而  trong Luận ngữ論語 :
Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an
君子食無求飽,居無求安
(Người quân tử ăn không mong cầu cho no, ở không mong cầu được yên)
Và ở thiên Vi Tử 微子:
Vô cầu bị ư nhất nhân
無求備於一人
(Chớ mong cầu sự toàn vẹn ở một người)
Nay ta có thành ngữ “Cầu toàn trách bị” 求全責備

2- Mong có được lợi ích từ người khác:
     Tề sách nhất 齊策一  trong Chiến quốc sách 戰國策có câu:
Tứ cảnh chi nội mạc bất hữu cầu ư vương
四境之內莫不有求於王
(Trong bốn cõi không ai là không mong cầu ở vương)
Và ở Triệu sách tam 趙策三:
Ngô thị cư thử vi thành chi trung giả, giai hữu cầu ư Bình Nguyên Quân dã
吾視居此圍城之中者,皆有求於平原君也
          (Tôi thấy rằng, những ai ở trong thành bị vây này cũng đều mong cầu ở Bình Nguyên Quân)
Dẫn đến nghĩa là “thỉnh cầu”, như ở Chiến Quốc sách 戰國策 - Triệu sách tứ趙策四 :
Triệu thị cầu cứu ư Tề
趙氏求救於齊
(Triệu cầu cứu với Tề)

Phân biệt “thỉnh” và “cầu”
         Trong Hán ngữ cổ, “thỉnh” và “cầu” không phải là từ đồng nghĩa. Về ý nghĩa của “thỉnh cầu”, cả 2 cũng có sự khác biệt nhỏ.
          - “Thỉnh”: đa phần biểu thị xin đối phương để cho mình làm một việc nào đó.
          - “Cầu”: đa phần biểu thị xin đối phương làm một việc nào đó.
          “Cầu cứu ư Tề” nhìn chung không thể nói “thỉnh cứu ư Tề”

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                             Quy Nhơn 18/6/2013

Nguyên tác Trung văn trong
CỔ ĐẠI HÁN NGỮ
古代漢語
(tập 2)
Chủ biên: Vương Lực 王力
Trung Hoa thư cục, 1998.
Previous Post Next Post